Phương pháp so sánh chuỗi là gì? Ví dụ minh họa
Phương pháp so sánh chuỗi
Khái niệm
Phương pháp so sánh chuỗi là phương pháp phân tích, đánh giá sự phát triển của chủ thể dựa trên chuỗi các số liệu được hình thành từ trong quá khứ đến thời điểm đánh giá.
Phương pháp so sánh chuỗi là một trong những phương pháp được sử dụng để đánh giá thực hiện kế hoạch kì gốc X trong qui trình kĩ thuật lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Thông thường với các phân tích và đánh giá hiện trạng, số liệu cần có là con số thống kê trong khoảng thời gian tối thiểu là bằng khoảng thời gian hoạch định (ví dụ: nếu xây dựng kế hoạch 5 năm thì các số liệu khảo sát cũng phải ít nhất là trong vòng 5 năm).
Trên cơ sở chuỗi số liệu có được, tiến hành phân tích, rút ra những qui luật phát triển bằng phương pháp thống kê thực nghiệm hay đơn giản là tính toán tốc độ tăng trưởng bình quân và trực tiếp đưa ra các phán đoán định tính dựa trên các số liệu đã có:
Tăng hay giảm; mức và tốc độ tăng, giảm diễn ra như thế nào, so với khả năng thực tế của địa phương là cao hay thấp...
Ngoài ra, với các vấn đề cụ thể hoặc do khó khăn trong thu thập thông tin, có thể chọn số liệu tại 2 thời điểm: một trong quá khứ và một ở thời điểm hiện tại để phân tích.
Minh họa so sánh chuỗi
Đánh giá tăng trưởng kinh tế quận H - Thành phố P
Thực trạng tăng trưởng giá trị sản xuất trên địa bàn quận H trong 10 năm qua được thể hiện qua bảng số liệu sau đây:
Các đánh giá:
- Giá trị sản xuất của các ngành kinh tế trên địa bàn tăng ổn định trong 10 năm qua. Tốc độ tăng trưởng bình quân một năm là 15,22%. Chỉ trong vòng 10 năm, qui mô kinh tế trên địa bàn quận tăng lên 4 lần.
- Công nghiệp là ngành đạt mức tăng trưởng nhanh nhất, mức trung bình 18,05%/năm trong 10 năm qua, đưa qui mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn quận tăng lên 5,22 lần trong 10 năm qua.
- Xây dựng là ngành có tốc độ trung bình 12,19%/năm trong 1 thập kỉ qua.
- Giá trị sản xuất dịch vụ tăng ổn định các năm, tuy nhiên mức độ tăng thấp hơn so với các ngành công nghiệp và xây dựng. Qui mô sản xuất dịch vụ trên địa bàn quận sau 10 năm (2006 - 2015) tăng gấp 2,7 lần, thấp hơn nhiều so với nước tăng ngành công nghiệp.
- Nông nghiệp là ngành có xu hướng thu hẹp dần về qui mô sản xuất do ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa.
(Tài liệu tham khảo: Kế hoạch hóa phát triển, GS.TS. Ngô Thắng Lợi, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân, 2019)