Phòng ngừa vĩ mô (Macrohedging) là gì? Phòng ngừa thông thường và phòng ngừa chọn lọc
Hình minh họa (Nguồn: IRBA)
Phòng ngừa vĩ mô (Macrohedging)
Phòng ngừa vĩ mô - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Macrohedging.
Phòng ngừa vĩ mô là việc nhà quản trị ngân hàng sử dụng hợp đồng tương lai, hợp đồng kì hạn hay các hợp đồng phái sinh khác để phòng ngừa rủi ro sự không cân xứng về thời lượng của hai vế bảng cân đối tài sản.
Phòng ngừa vi mô là việc nhà quản trị xác định một bộ phận tài sản để phòng ngừa rủi ro một cách riêng biệt bằng hợp đồng tương lai hay các hợp đồng phái sinh khác.
Trong khi đó, phòng ngừa vĩ mô lại quan tâm đến toàn bộ danh mục tài sản có và tài sản nợ của bảng cân đối tài sản, do đó, nó cho phép tồn tại trạng thái ròng tài sản về mức độ nhạy cảm lãi suất, sự không cân xứng về thời lượng đối với từng bộ phận tài sản riêng lẻ.
Do bản chất khác nhau giữa phòng ngừa vi mô và phòng ngừa vĩ mô, cho nên có thể dẫn đến những chiến lược và kết quả hoàn toàn khác nhau giữa hai phương thức phòng ngừa này. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Phòng ngừa thông thường và phòng ngừa chọn lọc
Phòng ngừa thông thường
Phòng ngừa thông thường là khi ngân hàng tiến hành phòng ngừa toàn bộ hai vế của bảng cân đối tài sản (phòng ngừa vĩ mô) hoặc tiến hành phòng ngừa một bộ phận tài sản có hoặc tài sản nợ (phòng ngừa vi mô) nhằm đạt được mức rủi ro thấp nhất bằng cách bán các hợp đồng tương lai để bù đắp rủi ro đối với tài sản.
Tuy nhiên, khi rủi ro giảm xuống mức thấp nhất thì lợi tức cũng ở mức thấp (rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn và ngược lại). Do đó, không phải tất cả các nhà quản trị ngân hàng đều muốn tiến hành phòng ngừa rủi ro thông thường trong mọi trường hợp.
Mối tương quan giữa lợi nhuận và rủi ro
Ở đây, cần lưu ý rằng mức rủi ro thấp nhất của danh mục tài sản không bằng 0, bởi vì do tồn tại rủi ro cơ bản (basic risk), cho nên ngay cả trong trường hợp chúng ta tiến hành phòng ngừa rủi ro cho toàn bộ tài sản thì một mức rủi ro nhất định vẫn tồn tại, đó là rủi ro cơ bản. Nếu bỏ qua rủi ro cơ bản, thì có thể đạt được trạng thái rủi ro thấp nhất bằng 0.
Phòng ngừa chọn lọc
Ngoài trường hợp phòng ngừa rủi ro thông thường, rất nhiều ngân hàng lựa chọn phương án chấp nhận một bộ phận tài sản không tham gia phòng ngừa, hoặc tiến hành phòng ngừa quá mức, những trường hợp như vậy được gọi là phòng ngừa chọn lọc.
Ví dụ, trên cơ sở dự báo lãi suất, nhà quản trị có thể chỉ lựa chọn một số tài sản nhất định trong bảng cân đối tài sản để phòng ngừa rủi ro, bộ phận tài sản còn lại được duy trì ở trạng thái không được phòng ngừa; hoặc ngân hàng có thể duy trì tài sản ở trạng thái phòng ngừa quá mức cần thiết (overhedged), tức là bán hợp đồng tương lai nhiều hơn mức tài sản cần được phòng ngừa, do đó, trường hợp phòng ngừa quá mức được coi như là hành vi đầu cơ của ngân hàng. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/