|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phi tiền tệ hóa (Demonetization) là gì? Đặc điểm

14:55 | 24/04/2020
Chia sẻ
Phi tiền tệ hoá (tiếng Anh: Demonetization) là hành động hủy bỏ quyền sử dụng hợp pháp của một đơn vị tiền tệ.
Hủy bỏ tiền tệ (Demonetization) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: ForumIAS Blog

Phi tiền tệ hoá

Khái niệm

Phi tiền tệ hoá trong tiếng Anh là Demonetization.

Phi tiền tệ hoá là hành động hủy bỏ quyền sử dụng hợp pháp của một đơn vị tiền tệ. Nó xảy ra bất cứ khi nào có sự thay đổi của tiền tệ quốc gia, cụ thể: hình thức tiền hiện tại được rút ra khỏi lưu thông và hủy bỏ, được thay thế bằng các loại tiền giấy hoặc tiền xu mới. Có những lúc một quốc gia thay thế hoàn toàn tiền cũ bằng tiền mới.

Trái ngược với phi tiền tệ hoá là tái cấu trúc tiền tệ, trong đó một hình thức thanh toán được khôi phục trở lại thành một đơn vị tiền tệ hợp pháp.

Phi tiền tệ hoá

Loại bỏ quyền sử dụng hợp pháp của một đơn vị tiền tệ là một sự can thiệp quyết liệt vào nền kinh tế vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến phương tiện trao đổi được sử dụng trong tất cả các giao dịch kinh tế. Nó có thể giúp ổn định các vấn đề hiện tại, hoặc nó có thể gây ra sự hỗn loạn trong nền kinh tế, đặc biệt là nếu được thực hiện đột ngột hoặc không có cảnh báo. Điều đó nói lên rằng, phi tiền tệ hoá chỉ được thực hiện bởi các quốc gia vì một số lí do quan trọng.

Phi tiền tệ hoá được sử dụng để ổn định giá trị của một loại tiền tệ hoặc chống lạm phát. Ví dụ, tại Mỹ, Đạo luật đúc tiền năm 1873 đã hủy bỏ bạc là đơn vị tiền tệ hợp pháp của Mỹ, ủng hộ việc áp dụng hoàn toàn tiêu chuẩn vàng, để ngăn chặn lạm phát tăng mạnh khi các khoản tiền gửi bằng bạc lớn mới được phát hiện ở miền Tây nước Mỹ. Một số loại tiền xu, bao gồm đồng 2 cent, 3 cent và 10 cent làm từ bạc bị xoá bỏ.

Việc rút bạc khỏi nền kinh tế dẫn đến sự sụt giảm nguồn cung tiền, góp phần dẫn đến suy thoái kinh tế trong cả nước. Để đối phó với suy thoái kinh tế và áp lực chính trị từ nông dân và từ các công ty khai thác và tinh chế bạc, Đạo luật Bland-Allison đã qui định lại bạc là đơn vị tiền tệ hợp pháp vào năm 1878.

Một ví dụ khác là chính phủ Zimbabwe đã hạ giá đồng đô của mình vào năm 2015 như một cách để chống lại tình trạng siêu lạm phát của đất nước, được ghi nhận ở mức 230.000.000%. Quá trình kéo dài ba tháng, liên quan đến việc hủy bỏ đồng đô la Zimbabwe khỏi hệ thống tài chính của đất nước và củng cố đồng đô la Mỹ, đồng pula của Botswana và đồng Rand của Nam Phi để ổn định nền kinh tế.

Một số quốc gia đã thực hiện phi tiền tệ hoá để tạo thuận lợi cho thương mại hoặc thành lập công đoàn tiền tệ. Một ví dụ khác về phi tiền tệ hoá nhằm mục đích thương mại là khi các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu chính thức bắt đầu sử dụng đồng euro làm tiền tệ giao thương vào năm 2002. 

Các loại tiền tệ quốc gia cũ, như đồng Mark của Đức, đồng Franc của Pháp và đồng Lira của Ý đã bị hủy bỏ. Tuy nhiên, các loại tiền tệ khác vẫn có thể chuyển đổi thành Euro với tỉ giá cố định trong một thời gian để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.

Cuối cùng, phi tiền tệ hoá đã được thử như một công cụ để hiện đại hóa nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc vào tiền mặt và chống tham nhũng và tội phạm (như giả mạo, trốn thuế). Năm 2016, chính phủ Ấn Độ đã quyết định hủy bỏ tiền giấy 500 rupee và 1000 rupee, hai mệnh giá lớn nhất trong hệ thống tiền tệ của nước này; chiếm 86% tiền mặt đang lưu hành tại Ấn Độ. 

Tuy nhiên, do không có cảnh báo sớm từ trước, động thái này đã gây ra dự hỗn loạn trong nền kinh tế phụ thuộc vào tiền mặt (khoảng 78% giao dịch của khách hàng Ấn Độ là bằng tiền mặt), khi có hàng dãy người xếp hàng trước ATM và ngân hàng, khiến cho ngân hàng phải ngừng hoạt động trong một ngày. Lí do là vì loại tiền giấy mới có thông số kĩ thuật khác, dẫn đến không phải cây ATM nào cũng có thể rút được loại tiền này.

(Theo Investopedia)

Hoàng Vy