Pháp luật ngân sách nhà nước là gì? Đặc điểm của các quan hệ xã hội
Hình minh họa (Nguồn: thukyluat)
Pháp luật ngân sách nhà nước (Law on State Budget)
Khái niệm
Pháp luật ngân sách nhà nước trong tiếng Anh là Law on State Budget.
Pháp luật ngân sách nhà nước là tập hợp các qui phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, quản lí, sử dụng quĩ ngân sách nhà nước.
Phân loại Pháp luật ngân sách nhà nước
Căn cứ vào nội dung của các quan hệ ngân sách nhà nước thì những quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật ngân sách nhà nước bao gồm:
- Thứ nhất, quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình phân cấp quản lí ngân sách nhà nước
- Thứ hai, quan hệ phát sinh trong quá trình lập, quyết định, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước.
Đây là quan hệ xã hội phát sinh giữa các cơ quan nhà nước có chức năng thi hành công vụ trong việc lập, quyết định, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước đối với nhau hoặc giữa các cơ quan này với các đơn vị dự toán ngân sách nhà nước.
- Thứ ba, quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập quĩ ngân sách nhà nước.
Những quan hệ này thường phát sinh giữa các cơ quan nhà nước có chức năng thi hành công vụ trong lĩnh vực thu nộp ngân sách nhà nước như cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước,... với bên kia là tổ chức, cá nhân đóng góp một khoản tiền nhất định vào ngân sách nhà nước.
Chẳng hạn, quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp các khoản thuế, phí, lệ phí,... vào ngân sách nhà nước.
- Thứ tư, quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình sử dụng quĩ ngân sách nhà nước.
Những quan hệ này phát sinh giữa các cơ quan nhà nước có chức năng thi hành công vụ trong việc chấp hành dự toán chi ngân sách nhà nước như cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước,... với bên kia là các đơn vị dự toán ngân sách nhà nước có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước.
- Thứ năm, quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán ngân sách nhà nước.
Một số đặc điểm của các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật ngân sách nhà nước
- Các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình tạo lập, quản lí, sử dụng ngân sách nhà nước luôn gắn liền với quyền lực của nhà nước (quyền lực chính trị công đặc biệt) và gắn liền với việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước;
- Quĩ ngân sách nhà nước thuộc sở hữu nhà nước, ít nhất một bên chủ thể trong quan hệ ngân sách nhà nước là cơ quan nhà nước - nhân danh quyền lực nhà nước, luôn chứa đựng lợi ích chung, lợi ích công cộng. Hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước là các hoạt động cụ thể của Nhà nước, là việc xử lí các mối quan hệ lợi ích cho các mục tiêu kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của quốc gia;
- Quan hệ phát sinh trong hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước được thực hiện chủ yếu theo nguyên tắc không hoàn trả trực tiếp.
- Những đặc điểm cơ bản trên của quan hệ ngân sách nhà nước - thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật ngân sách nhà nước quyết định đến phương pháp điều chỉnh của pháp luật ngân sách nhà nước - phương pháp mệnh lệnh.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Pháp luật kinh tế, NXB Tài chính)