|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Phân tích định lượng (Quantitative Analysis) trong tín dụng ngân hàng là gì?

14:27 | 09/09/2019
Chia sẻ
Phân tích định lượng (tiếng Anh: Quantitative Analysis) là quá trình đánh giá khách hàng về các điều kiện vay vốn và hoàn trả nợ vay theo mặt định lượng, trên cơ sở đó ra quyết định cho vay và giám sát khoản vay của ngân hàng.
Chưa có tên

Hình minh họa (Nguồn: Trinity College Dublin)

Phân tích định lượng (Quantitative Analysis)

Phân tích định lượng - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Quantitative Analysis

Phân tích định lượng là quá trình đánh giá khách hàng về các điều kiện vay vốn và hoàn trả nợ vay theo mặt định lượng, trên cơ sở đó ra quyết định cho vay và giám sát khoản vay của ngân hàng.

Các chỉ tiêu tài chính trong phân tích định lượng được chia thành 5 nhóm lớn sau:

Nhóm 1: Các chỉ tiêu phản ánh khả năng trả nợ ngắn hạn hay tính thanh khoản của doanh nghiệp (Short-term solvency or liquidity ratios).

Nhóm 2: Các chỉ tiêu phản ánh khả năng trả nợ dài hạn hay đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp (Long-term solvency or financial leverage ratios).

Nhóm 3: Các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả quản lí tài sản của doanh nghiệp (Asset management or turnover ratios).

Nhóm 4: Các chỉ tiêu phản ánh mức sinh lời (Profitability ratios).

Nhóm 5: Các chỉ tiêu phản ánh giá trị thị trường của doanh nghiệp (Market value ratios). (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

Các mô hình hiện đại của phân tích định lượng 

Hạn chế của phân tích định lượng dựa trên các tiêu chí tài chính

Hiện nay, phân tích định lượng dựa trên các tiêu chí tài chính được xem là phương pháp truyền thống và phổ biến, tuy nhiên, phương pháp này bộc lộ những nhược điểm nhất định, chẳng hạn như:

- Kết quả các chỉ tiêu tài chính phụ thuộc vào chất lượng dữ liệu được dùng để tính, trong khi đó, chất lượng các dữ liệu lại do vô số các yếu tố chủ quan và khách quan quyết định.

- Việc chọn ra nhóm doanh nghiệp tương đồng với doanh nghiệp đang xét để so sánh là việc làm tốn nhiều công sức và không phải lúc nào cũng khả thi.

- Kết luận trên cơ sở phân tích từng chỉ tiêu riêng lẻ có thể cho những kết quả đối nghịch, trong khi đó, các chỉ tiêu lại không có sự liên kết chặt chẽ với nhau.

Tóm lại, phương pháp truyền thống tỏ ra vừa mất thời gian, tốn kém, lại mang tính chủ quan, chính vì vậy, ngân hàng không ngừng cải tiến phương pháp đánh giá khách hàng để ra các quyết định cho vay. 

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng khi cấp tín dụng cho công ty vẫn tiếp tục sử dụng chủ yếu phương pháp truyền thống để đánh giá rủi ro tín dụng

Mô hình cho điểm để lượng hóa rủi ro tín dụng người vay

Ngày nay, một số ngân hàng đã sử dụng mô hình cho điểm để lượng hóa rủi ro tín dụng người vay. Mô hình cho điểm có ưu điểm so với phương pháp truyền thống ở chỗ là, nó cho phép xử lí nhanh chóng một khối lượng lớn các đơn xin vay, với chi phí thấp, khách quan, do đó góp phần tích cực trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng ngân hàng.

Các mô hình cho điểm tín dụng sử dụng các số liệu phản ánh những đặc điểm của người vay để lượng hóa xác suất vỡ nợ cũng như phân loại người vay thành các nhóm có mức độ rủi ro khác nhau. Để sử dụng các mô hình này, nhà quản lí phải xác định được các tiêu chí về kinh tế và tài chính liên quan đến rủi ro tín dụng đối với từng nhóm khách hàng cụ thể.

Đối với tín dụng tiêu dùng, các tiêu chí đó có thể là thu nhập, tài sản, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và nơi ở. Đối với tín dụng công ty, thì các chỉ tiêu tài chính (như hệ số đòn bẩy...) thường là các chỉ tiêu chủ yếu.

Sau khi các tiêu chí đã được xác định, kĩ thuật thống kê sẽ được sử dụng để lượng hóa (cho điểm) xác suất rủi ro tín dụng hoặc để phân hạng rủi ro tín dụng. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)

Khai Hoan Chu