Phân tích danh mục kinh doanh (Business Portfolio Analysis) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: WiseGEEK)
Phân tích danh mục kinh doanh (Business Portfolio Analysis)
Khái niệm
Phân tích danh mục kinh doanh trong tiếng Anh gọi là Business Portfolio Analysis.
Phân tích danh mục kinh doanh là sự phân tích các đơn vị kinh doanh chiến lược của một công ty để quyết định mức độ đầu tư cho từng đơn vị kinh doanh chiến lược. Có một số phương pháp giúp người quản lí đánh giá các đơn vị kinh doanh và đề xuất những hướng đầu tư hợp lí.
Các bước phân tích danh mục kinh doanh
Bước đầu tiên trong các phương pháp này là phải nhận dạng các dòng sản phẩm của các lĩnh vực kinh doanh khác nhau và để xác định "một đơn vị kinh doanh chiến lược".
Sau khi đã xác định được các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU- strateric business units) với các đặc điểm sau:
- Các SBU có sứ mệnh khác nhau
- Mỗi SBU có tập hợp khách hàng riêng
- Mỗi SBU có các đối thủ cạnh tranh riêng
- Mỗi SBU là một đơn vị kinh doanh riêng biệt hoặc một tập hợp các đơn vị kinh doanh có liên quan với nhau trong sử dụng các nguồn lực kinh doanh.
- Mỗi SBU có thể được kế hoạch hóa độc lập với các đơn vị kinh doanh khác của doanh nghiệp.
Phụ thuộc vào loại tổ chức mà một SBU có thể là một sản phẩm riêng lẻ, một dòng sản phẩm, một công ty, một xí nghiệp hoặc một phòng quản lí kinh doanh.
Sau khi doanh nghiệp đã nhận dạng và phân loại tất cả các SBU của nó, các nhà quản trị cần sử dụng một số phương pháp để xác định các nguồn lực nên được phân bổ như thế nào giữa các SBU khác nhau. Các phương pháp này được biết như là các mô hình danh mục đầu tư.
Đây chính là một thứ tự ưu tiên phân bổ các nguồn lực hạn chế của doanh nghiệp cho các SBU.
Phương pháp phân tích danh mục kinh doanh
Hai phương pháp phân tích thường được áp dụng là ma trận BCG và ma trận GE.
Phương pháp ma trận BCG (Boston Consulting Group) hay ma trận tỉ lệ tăng trưởng thị trường và thị phần, đánh giá các đơn vị kinh doanh chiến lược của doanh nghiệp dựa trên 2 chỉ tiêu là: Tốc độ tăng trường của thị trường và thị phần tương đối của doanh nghiệp.
Phương pháp ma trận GE (General Electric) cũng sử dụng hai chỉ tiêu để đánh giá các đơn vị kinh doanh theo ma trận là mức độ hấp dẫn của thị trường và sức mạnh cạnh tranh của doanh nghiệp.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị Marketing, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)