|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

[Phần 2] Thị trường giao đồ ăn: 'Hái' tiền và 'đốt' tiền

18:28 | 17/09/2019
Chia sẻ
Với biên lợi nhuận của dịch vụ giao đồ ăn cao hơn hẳn gọi xe cùng sự ra đời của bếp chung GrabKitchen, GrabFood có nhiều cơ hội để tăng trưởng mạnh mẽ tại Đông Nam Á, nơi thị trường giao đồ ăn còn ở giai đoạn đầu và nhiều không gian để phát triển.

Thị trường giao đồ ăn có thể hái ra hàng "tấn" tiền

Tháng 6 năm ngoái, Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS dự đoán thị trường giao đồ ăn có thể tăng trưởng gấp 10 lần trong thập kỉ tới, giá trị của thị trường này sẽ nhảy vọt từ 35 tỉ USD năm 2018 lên khoảng 365 tỉ USD vào năm 2030.

thi-truong-giao-do-an

Báo cáo của UBS cũng cho thấy bữa ăn gia đình sẽ dần được thay thế bởi thức ăn giao từ các nhà hàng hoặc khu bếp chung.

"Dịch vụ giao đồ ăn sẽ thay thế thức ăn nấu tại nhà", Chandan Joshi, Giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi của EY, cho hay.

Tại thị trường giao đồ ăn Đông Nam Á, Gojek cùng một số "tay chơi" có tiếng khác như Foodpanda và Deliveroo (có trụ sở ở Anh) là loạt đối thủ sừng sỏ của GrabFood. Trong đó, Foodpanda và Deliveroo đã ra đời hơn 6 năm.

ey

(Đồ họa: TV)

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ở những thị trường khác nhau của Đông Nam Á cũng không tương đồng, chẳng hạn như Indonesia là "chiến trận" của Grab và Gojek.

"Bạn đột nhiên có nhiều dịch vụ giao đồ ăn để lựa chọn. Điều đó khá dễ hiểu, bởi đồ ăn là một lĩnh vực có thể hái ra tiền.

Biên lợi nhuận của thị trường giao đồ ăn cũng khá cao", ông Florian Hoppe, người đứng đầu bộ phận kĩ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Bain & Company, cho hay.

Lí giải về chi phí cận biên của dịch vụ giao hàng, ông Hoppe lấy ví dụ về một chiếc pizza. Đối với nhà hàng, chi phí cận biên cho chiếc pizza là rất nhỏ vì nhà bếp lúc này đã bắt đầu nấu nướng.

Lợi thế đó cho phép các công ty giao đồ ăn cơ cấu lại đơn hàng nhằm thu về nhiều hoa hồng và biên lợi nhuận tốt hơn, CNBC dẫn lời ông Hoppe cho hay.

"Chúng tôi nhận thấy ngành giao đồ ăn có biên lợi nhuận khả quan hơn dịch vụ gọi xe", COO Jay Lim của GrabFood nhất trí với lập luận của ông Hoppe. "Grab tin tưởng dịch vụ giao đồ ăn sẽ thúc đẩy tăng trưởng và khả năng sinh lời của công ty trong dài hạn".

Tuy nhiên, ông Joshi nhận định đa số công ty giao đồ ăn vẫn chưa có căn cơ ổn định, mặc dù họ đã xuất hiện từ lâu trong khu vực.

Nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường giao đồ ăn vẫn còn đang phát triển, từ đó tạo ra sân chơi cho nhiều đối thủ cùng cạnh tranh giành thị phần. Điều này cũng giúp lí giải tại sao các công ty đầu tư mạo hiểm lại bơm một lượng tiền khổng lồ vào lĩnh vực trên.

Những chiến lược "đốt" tiền

Bài viết của CNBC nhận xét các thị trường giao đồ ăn hoàn thiện ở Mỹ và trên khắp Tây Âu đã vẽ nên bức tranh ảm đạm về sự cạnh tranh khốc liệt giữa các công ty đối thủ, làm cản trở khả năng sinh lời chung của họ.

Doanh nghiệp thường sử dụng chiến lược định giá để bán phá giá (predatory pricing) nhằm đẩy lùi sự cạnh tranh, chấp nhận lỗ để giảm giá và thực hiện đơn hàng, Giám đốc cấp cao Sarwant Singh của Frost & Sullivan, cho hay.

Do hậu quả của chiến lược giảm giá đơn hàng, các công ty thường phải vật lộn để thu lợi nhuận vì tỉ lệ "đốt" tiền mặt quá cao, bất chấp doanh thu và khoản tiền đầu tư lớn.

Theo bà Singh, xu hướng này đẩy một số doanh nghiệp đi đến cảnh ngừng hoạt động, trong khi số khác giành được lợi thế trong quá trình cạnh tranh.

Tại Đông Nam Á, thị trường giao đồ ăn hiện còn ở thời kì đầu khi mà phần lớn chi tiêu bán lẻ đều được thực hiện ngoại tuyến. Các công ty có nhiều không gian để giành thị phần thay vì phụ thuộc vào chiến lược giám giá để đón đầu thị trường.

Tuy nhiên, các startup kì lân như Grab và Gojek lại có lợi thế cạnh tranh so với nhiều tay chơi khác cùng lĩnh vực. Cụ thể, hai công ty này có nhiều nguồn doanh thu khác đến từ lĩnh vực vận chuyển, logistics và thanh toán.

Chiến lược nội địa hóa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp doanh nghiệp thống trị thị trường.

Mô hình bếp chung ra đời

Một thực tế phổ biến đang thu hút sự chú ý là khái niệm "nhà bếp trên mây" hay bếp chung mà các công ty giao vận đang xây dựng.

Nhà hàng có thể thuê thêm không gian với chi phí tương đối thấp tại một trong những bếp chung để hoàn thành số đơn đặt hàng trên ứng dụng.

Grab cho biết họ đã xây dựng 10 bếp chung ở Indonesia và đang lên kế hoạch nhân rộng mô hình này trên khắp Indonesia cũng như khu vực Đông Nam Á vào cuối năm nay.

Mới đây, vào ngày 11/9, Grab thông báo triển khai thử nghiệm mô hình bếp chung GrabKitchen dành cho người dùng tại khu vực quận Thủ Đức, TP HCM trước khi chính thức áp dụng và mở rộng tại Việt Nam.

Đông Nam Á có hơn 600 triệu dân và ngày càng có nhiều người "online". Theo ông Hoppe, tổng chi tiêu bán lẻ trong khu vực là khoảng 600 tỉ USD, trong đó hơn một nửa (tương đương 350 tỉ USD) dành cho mua sắp tạp hóa và thực phẩm.

Khác với dịch vụ gọi xe mà Grab và Gojek chính là hai "ông lớn" chiếm lĩnh thị trường Đông Nam Á, dịch vụ giao đồ ăn vẫn đang phát triển.

"Thị trường giao đồ ăn sẽ đi về đâu là điều khó có thể dự đoán được", ông Hoppe nói. "Tuy nhiên, tôi không nghĩ sẽ có một gã khổng lồ 'hốt trọn' thị trường bởi vì nó quá lớn. Theo tôi, mô hình này sẽ bắt đầu thay đổi một chút".

Khả Nhân

Liệu hệ thống KRX có lỡ hẹn với mốc ngày 2/5?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa đưa ý kiến về hệ thống công nghệ thông tin thuộc dự án đầu tư xây dựng Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (hay còn gọi là hệ thống KRX) trước thời điểm dự kiến chính thức vận hành 2/5 theo như kế hoạch đưa ra trước đó.