|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

GrabFood, Go-Food bùng nổ, các cửa hàng truyền thống có lao đao?

08:02 | 22/08/2019
Chia sẻ
Bùng nổ giao hàng trực tuyến giúp các thương hiệu tiếp cận khách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo chuyên gia, khi chỉ còn là cuộc đua về giá, các giá trị được gây dựng sẽ mờ đi.

Cái nắng nóng ngày hè Hà Nội là lý do khiến Anh Thư, 23 tuổi, nhân viên của một công ty ngành giải trí dịch vụ, ngần ngại hơn với việc ra ngoài ăn trưa mỗi ngày.

"Nắng nóng, tắc đường như thế này bước ra đường thôi cũng đã là một cực hình rồi nữa là đi ăn, nhanh nhất vẫn là gọi đồ ăn về. Trên ấy (các ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến) món gì cũng có, giá cũng chẳng chênh lệch là bao", Anh Thư nói.

Sự tiện lợi của đặt đồ ăn qua các ứng dụng cũng như áp lực về thời tiết, giao thông ở các thành phố lớn đang khiến giới văn phòng, sinh viên tìm đến nhiều hơn với các ứng dụng giao đồ ăn thay vì đến các cửa hàng ăn uống thông thường.

Cứ 7 người mua đồ lại có 1 người chọn giao hàng

Kể về sự lan truyền nhanh chóng của dịch vụ này, Thảo Linh (22 tuổi), nhân viên thiết kế đồ họa tại TP.HCM, chia sẻ: "Thời gian đầu chỉ có một nhóm nhân viên thân thiết thường cùng nhau gọi đặt đồ về, đến giờ đã 'lôi kéo' được 1/3 anh chị em ở văn phòng rồi. Giờ nghỉ trưa của công ty mình là 12h30 nhưng đến khoảng 12h15 tất cả đã nhắn tin bàn bạc xem hôm nay ăn gì để đặt trước, đến giờ nghỉ là có đồ ăn. Vừa tiết kiệm thời gian, vừa có nhiều lựa chọn".

Theo số liệu mới nhất của Kantar Worldpanel về hành vi tiêu dùng của thị trường TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2019, trung bình cứ 7 người mua đồ uống dùng ngay lại có 1 người mua bằng giao đồ ăn trực tuyến.

GrabFood, Go-Food bùng nổ, các cửa hàng truyền thống có lao đao? - Ảnh 1.

Cứ 7 người mua đồ uống dùng ngay lại có 1 người sử dụng dịch vụ giao hàng nhờ sự tiện lợi và các chương trình ưu đãi hấp dẫn. Ảnh: Lê Trọng.

Euromonitor cùng nhiều đơn vị bên thứ ba khác định giá thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam sẽ có giá trị khoảng 38 triệu USD vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 11%/năm. Thị trường Việt Nam trong những năm gần đây đã có những cái tên quen thuộc như Now.vn, GrabFood, Go-Food hay những nhân vật mới như Baemin.

"Thay đổi trước mắt mà bất kỳ ai cũng nhận ra là về cách thức vận chuyển đồ nhưng phía sau đó, rất nhiều yếu tố liên quan đến marketing, mô hình kinh doanh cũng đều chịu ảnh hưởng", bà Phạm Quỳnh Trang, chuyên gia từ Kantar Worldpanel Vietnam nhận định.

Với mức đầu tư khủng của các công ty công nghệ thông qua nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn và không ngừng cải tiến ứng dụng, các dịch vụ giao hàng đã thu hút được số lượng lớn đối tác trong ngành F&B.

Những chiến dịch quảng cáo với thông điệp cụ thể nhắm vào giới trẻ như “Đừng bỏ bữa” của GrabFood hay “Trà sữa là chân ái” của Baemin... hay cách Go-Food chi mạnh tay mời Sơn Tùng M-TP làm đại diện thương hiệu giúp các ứng dụng thu hút thêm nhiều người mua mới và gia tăng tần suất sử dụng, bà Quỳnh Trang phân tích thêm.

Dễ làm mờ các giá trị cũ 

Thảo Linh chia sẻ cô là khách hàng trung thành của các ứng dụng này ngay từ khi chúng bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Do đặc thù công việc với sức ép về thời gian, cô khó thu xếp ra ngoài các cửa hàng ăn. Gọi đồ ăn về chỗ làm là lựa chọn tiện lợi hơn rất nhiều.

GrabFood, Go-Food bùng nổ, các cửa hàng truyền thống có lao đao? - Ảnh 2.

Dịch vụ giao đồ ăn trực tuyến sẽ giúp các cửa hàng kinh doanh gia đình tiết kiệm được chi phí vận hành hơn nhờ cắt giảm được các khoản chi về mặt bằng, nhân lực... Ảnh: Liêu Lãm.

"Ra ngoài ăn trưa mất đến cả tiếng bao gồm thời gian đi lại, chờ đồ ăn, chưa kể đến nắng nôi và khói bụi, trong khi gọi ship thì chỉ vài thao tác là đồ tới liền", cô gái 22 tuổi nói.

Thảo Linh cũng cho biết từ khi dùng các ứng dụng này, cô cũng ít đến các cửa hàng ăn truyền thống hơn, thường chỉ đi ăn cùng bạn bè hoặc ghé cửa hàng trên đường đi.

Nói về các tác động của dịch vụ giao đồ ăn đối với các cửa hàng thông thường, bà Quỳnh Trang nhận xét, mỗi mô hình kinh doanh có một bài toán chi phí khác nhau. Đối với mô hình quy mô nhỏ hay kinh doanh gia đình chỉ qua tâm đến vấn đề về giá và sản phẩm thì giao đồ ăn trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm được chi phí vận hành.

Trong khi đó, với những thương hiệu F&B vừa và lớn được đầu tư ngay từ ban đầu để phục vụ như dịch vụ truyền thống với số lượng cửa hàng hạn chế thì giao đồ ăn trực tuyến có thể là đòn bẩy giúp doanh nghiệp tiếp cận lượng khách hàng rộng hơn, nhanh hơn cũng như kích thích nhu cầu chi tiêu nhiều hơn nhờ tính tiện lợi mà giao đồ ăn trực tuyến mang lại. Người tiêu dùng cũng không mất quá nhiều thời gian và công sức để có được sản phẩm trên tay.

GrabFood, Go-Food bùng nổ, các cửa hàng truyền thống có lao đao? - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp vừa và lớn không chỉ tập trung vào yếu tố sản phẩm và giá thành mà còn quan tâm đến vị trí, khuyến mãi, nhân công... Ảnh: Văn Nguyện.

Tuy nhiên, chuyên gia từ Kantar Worldpanel cũng nhận định khi cuộc chiến chỉ còn cạnh tranh về sản phẩm và giá, cùng với sức ép của các chương trình khuyến mãi thì sự phát triển của giao đồ ăn trực tuyến sẽ có thể làm mờ đi các giá trị mà từ đầu thương hiệu đã gây dựng như không gian, dịch vụ, nhân viên...

"Các ứng dụng này thường xuyên có các chương trình khuyến mãi từ 20%-30% giá, có nơi lại miễn phí giao hàng. Chính vì vậy giá gọi đồ ăn về cũng không đắt hơn là bao, thậm chí đôi lúc còn rẻ hơn so với ra ngoài quán", Anh Thư chia sẻ kinh nghiệm đặt đồ ăn trực tuyến của mình.

Bà Trang cho rằng nếu không có sự cân đối đầu tư và quản lý hợp lý, doanh thu tăng thêm nhờ giao đồ ăn trực tuyến khó có thể bù lại tất cả chi phí đã đầu tư vận hành các chuỗi cửa hàng.

Thách thức về chi phí mặt bằng

Theo đánh giá của Savills Việt Nam, giá cho thuê mặt bằng hiện nay ở khu vực trung tâm của Hà Nội và TP.HCM dao động từ mức 5.000 USD - 10.000 USD cho một mặt bằng có vị trí tốt, cá biệt có những mặt bằng lên đến 20.000 USD - 30.000 USD.

GrabFood, Go-Food bùng nổ, các cửa hàng truyền thống có lao đao? - Ảnh 4.

Một mặt bằng được xem là đắc địa nhất Sài Gòn ở ngã 6 Phù Đổng có giá cho thuê lên đến 25.000 USD/tháng. Ảnh: Quỳnh Trang.

Mức giá "ngất ngưởng" này là một trong những thách thức lớn của các doanh nghiệp F&B ở Hà Nội và TP.HCM. "Với các thành phố khác, khi giá mặt bằng còn “dễ thở” hơn so với TP. HCM hay Hà Nội, chiếm được vị trí đắc địa vẫn nên được cân nhắc trong việc xây dựng thương hiệu nhằm thu hút sự chú ý của người tiêu dùng," bà Trang phân tích thêm.

Song, vị này cũng cho rằng việc đầu tư và duy trì được mạng lưới chuỗi cửa hàng nhất định, không nhất thiết phải luôn ở vị trí đắc địa, sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho giao hàng trực tuyến.

"Cửa hàng phủ rộng các khu vực, đóng vai trò là nơi cung cấp và phân phối sản phẩm sẽ giúp tiết kiệm thời gian giao hàng, phục vụ các “thượng đế” nhanh chóng hơn," bà Trang nói.

Mặc dù là "tín đồ" của những dịch vụ tiện lợi này nhưng Thảo Linh chia sẻ giao đồ ăn còn đi kèm với vấn đề làm tăng rác thải nhựa ra môi trường, ngoài ra việc ăn đồ ăn còn nóng, mới được chế biến cũng tốt hơn cho sức khỏe.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hà Bùi

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.