[Phần 1] GrabFood lớn như 'Thánh Gióng' sau chưa đầy 2 năm, tổng giá trị giao dịch tăng 900%
Một phần của mức tăng trưởng kì diệu này đến từ thương vụ mua lại Uber, giúp Grab nghiễm nhiên có trong tay dịch vụ UberEats của đối thủ và lấy đó làm bàn đạp phát triển.
Mua lại Uber khu vực Đông Nam Á, GrabFood phất lên nhanh chóng
"Chúng tôi ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở dịch vụ giao đồ ăn của công ty. Grab đã triển khai dịch vụ này ở một số nước Đông Nam Á, song vẫn chưa nhân rộng dịch vụ ra toàn khu vực", ông Kell Jay Lim, Giám đốc tác nghiệp (COO) kiêm Giám đốc phụ trách GrabFood trên toàn khu vực Đông Nam Á, chia sẻ với CNBC.
Hoạt động kinh doanh thực phẩm của Grab bắt đầu vào năm 2016, nhưng chỉ triển khai trên khắp Đông Nam Á kể từ năm ngoái, sau khi họ mua lại hoạt động của Uber tại khu vực. Thông qua thương vụ mua lại, Grab cũng tiếp quản luôn dịch vụ UberEats của đối thủ một thời.
Vào đầu năm 2018, dịch vụ giao đồ ăn chỉ có mặt ở hai thành phố của Indonesia, nhưng nay phổ biến trên hơn 200 thành phố, chủ yếu tại Indonesia cùng một số nước khác như Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Năm 2018, Grab Indonesia đã mở rộng thành công dịch vụ của mình tới 222 thành phố và trở thành công ty dẫn đầu thị trường trong ngành công nghiệp giao nhận tại Indonesia nhờ các đối tác tài xế. (Nguồn: Grab)
GMV là một chỉ số mà các công ty thương mại điện tử thường theo dõi để xác định tổng doanh số bán hàng tính theo đồng USD trên nền tảng của họ.
Từ một cơ sở người dùng tương đối khiêm tốn, đến tháng 6/2019, tổng giá trị giao dịch (GMV) của GrabFood đã tăng 900% so với cùng kì năm ngoái.
Cũng trong giai đoạn này, khối lượng giao hàng tăng gấp 7 lần. Nhìn chung, dịch vụ GrabFood chiếm khoảng 20% tổng GMV của Grab ở thời điểm hiện tại, trong khi vào năm 2018 chỉ chiếm chưa đầy 5%.
Lí giải vấn đề này, ông Lim cho hay tiềm năng tăng trưởng của GrabFood ở Đông Nam Á vẫn còn rất lớn, khi mà dịch vụ giao đồ ăn trong khu vực chưa chín muồi như các thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Hiệu quả kinh doanh của các công ty giao đồ ăn còn được theo dõi bởi nhiều chỉ số khác, bao gồm lợi nhuận, GMV, tổng số thương nhân trên nền tảng, số lượng đơn hàng, lượt tải ứng dụng và tỉ lệ hoạt động của tài xế (hay tổng số đơn hàng tài xế có thể giao trong một giờ).
Grab từ chối tiết lộ một số trong nhóm thông tin liệt kê ở trên, song COO Jay Lim cho hay "kì lân" khởi nghiệp giám sát tỉ lệ hoạt động của tài xế rất chặt chẽ vì đây là thước đo quan trọng về khả năng sinh lời.
Ngoài ra, ông còn tiết lộ Grab đang đầu tư vào các sản phẩm giúp công ty tăng tỉ lệ hoạt động của tài xế và hoạt động trơn tru hơn.
Tiềm năng của dịch vụ giao đồ ăn ở Đông Nam Á lớn đến đâu?
Dịch vụ giao đồ ăn không phải là một khái niệm mới, cái đang thay đổi chính là cách thức phân phối thức ăn hiện nay.
Trước đây, khách hàng thường gọi điện trực tiếp cho nhà hàng để đặt đồ ăn. Bây giờ, tất cả quá trình này diễn ra trên một ứng dụng di động hoặc trực tuyến, với nhiều lựa chọn sẵn có.
(Đồ họa: TV)
Tại khu vực Đông Nam Á, các ứng dụng giao đồ ăn đã trở thành xu hướng trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vận hành dựa trên yếu tố tốc độ, tính tiện lợi và lựa chọn đa dạng, ông Chandan Joshi, giám đốc phụ trách các thị trường mới nổi của EY, cho hay.
Ban đầu, chỉ khoảng 10 - 20% dân số tại các thành phố lớn trong khu vực sử dụng dịch vụ giao đồ ăn. Theo ông Joshi, con số này hiện tại tăng lên hơn 50%.
Có nhiều nhà hàng trên ứng dụng và sử dụng đồng thời công nghệ phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa đề xuất ở các thị trường khác nhau là hai cân nhắc quan trọng đối với Grab, theo COO Jay Lim.
"Dựa trên hành vi đặt hàng của bạn, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nhà hàng tương tự", ông này nói. "Grab có hơn 200.000 nhà hàng trong hệ thống trên toàn khu vực và do đó, chúng tôi muốn đề xuất các nhà hàng phù hợp nhất đến người dùng".
Đại diện Grab từ chối tiết lộ tổng số đơn đặt hàng trên ứng dụng. Tuy nhiên, startup kì lân này cho hay họ phải xử lí khoảng 300.000 đơn hàng mỗi ngày tại Việt Nam và khoảng 4 triệu đơn hàng tại Thái Lan trong giai đoạn từ tháng 1 đến 4/2019.
(Đồ họa: TV)
Trả lời CNBC, đối thủ Gojek của Grab trong lĩnh vực đặt xe, giao đồ ăn và thanh toán cho biết trong 8 tháng qua, qui mô kinh doanh thực phẩm của họ trên toàn khu vực đã tăng gấp đôi.
Gojek cho hay họ đang phục vụ hơn 50 triệu đơn hàng mỗi tháng từ 400.000 nhà hàng tại ba quốc gia Đông Nam Á.