Ông Biden ký 10 sắc lệnh chống dịch, dự báo thêm 100.000 người chết trong tháng tới
Trong ngày thứ hai nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ban hành 10 sắc lệnh hành pháp nhằm cải tổ phản ứng chống đại dịch COVID-19 của chính phủ liên bang. Ông nhiều lần cảnh báo tình hình dịch bệnh sẽ xấu đi rồi mới có thể tốt lên và Mỹ sẽ trải qua một "mùa đông đen tối".
Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/1, ông Biden nói: "Dù có phải lên núi cao hay xuống biển sâu, chúng tôi cũng sẽ tiêm chủng miễn phí cho nhiều người dân hơn". Tuy nhiên, ông cảnh báo: "Sự thật tàn khốc là chúng ta phải mất nhiều tháng trước khi tiêm chủng cho phần đông người dân Mỹ".
Tân Tổng thống Mỹ khuyến khích người dân tích cực đeo khẩu trang vì biện pháp phòng ngừa đơn giản này có thể cứu sống 50.000 mạng người từ nay cho đến tháng 4. "Trên thực tế, đeo khẩu trang là việc đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm, nó thậm chí còn quan trọng hơn việc tiêm chủng", ông Biden nhấn mạnh.
Theo Bloomberg, quá trình phân phối vắc xin tại Mỹ liên tục bị chậm trễ. Các quan chức chính quyền ông Biden đã chỉ trích chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cho sự trì trệ này. Họ cho rằng chính quyền cũ không có kế hoạch cụ thể để đảm bảo người dân được tiêm chủng đầy đủ.
"Những gì chúng tôi nhận được từ chính quyền cũ thậm chí còn tồi tệ hơn so với tưởng tượng ban đầu", ông Jeff Zients, điều phối viên tổ công tác chống COVID-19 của ông Biden, phàn nàn.
Bloomberg cho biết, các lệnh hành pháp mới của ông Biden bao gồm ổn định chuỗi cung ứng cho các nguồn cung vật tư y tế quan trọng và tăng cường khả năng của chính phủ trong phân phối vắc xin nhanh và công bằng.
Ngoài ra, ông Biden cho biết một lệnh hành pháp khác sẽ trao cho các trường học và trung tâm chăm sóc trẻ em "nguồn lực và hướng dẫn rõ ràng" để mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vị tân tổng thống không cung cấp chi tiết lệnh hành pháp này.
Du khách quốc tế đến Mỹ sẽ sớm phải trình giấy xét nghiệm âm tính trước khi khởi hành và phải cách ly sau khi nhập cảnh vào Mỹ. Chi tiết cụ thể của kế hoạch này chưa được công bố.
Chính quyền ông Biden thừa nhận họ cần Quốc hội cung cấp chi tiêu tài khóa bổ sung để tạo ra đột phá trên mặt trận chống dịch.
"Đây là khối công việc thời chiến", ông Biden nói. "Tôi biết những bước đi thực tế và táo bạo như thế này không hề rẻ, nhưng nếu thất bại thì chúng ta sẽ phải trả giá đắt hơn rất nhiều", ông nhấn mạnh.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu nước Mỹ kiêm cố vấn về COVID-19, đã tham gia sự kiện cùng ông Biden. Tân Tổng thống Mỹ cam kết sẽ tìm kiếm sự trợ giúp từ các nhà khoa học và minh bạch về bất kỳ sai sót nào.
Trước đó, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Brian Deese cho hay: "Quan trọng là Quốc hội phải hành động nhanh chóng với các đề xuất của Tổng thống Biden và cung cấp nhiều trợ cấp cho người dân hơn". Đảng Cộng hòa trong Quốc hội đã bày tỏ thái độ hoài nghi về quy mô gói cứu trợ 1.900 tỷ USD mà ông Biden công bố tuần trước.
Theo dữ liệu mới nhất từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã báo cáo hơn 24,6 triệu ca nhiễm và gần 410.000 ca tử vong vì COVID-19, tiếp tục là ổ dịch lớn nhất thế giới.
Hôm 20/1, khoảng 4.415 người Mỹ đã tử vong do COVID-19. Đây là số ca tử vong trong ngày cao thứ hai từ trước đến nay. Khoảng 186.000 ca bệnh mới được ghi nhận trong cùng ngày. Số ca nhiễm mới trung bình đã giảm kể từ khi đạt đỉnh vào ngày 10/1, nhưng một biến thể virus mới, dễ lây lan hơn đang đe dọa gây ra đợt bùng phát mới.
Theo công cụ Bloomberg Vaccine Tracker, đến nay chính phủ Mỹ đã tiêm chủng cho ít nhất 17,2 triệu người, tương đương 5 liều trên 100 người. Con số này vẫn kém các nước như Anh và Israel nhưng vượt trội so với Đức, Italy và Canada.