|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lãnh đạo thế giới vui mừng, mong muốn hợp tác với ông Biden

17:15 | 21/01/2021
Chia sẻ
Nhiều lãnh đạo bày tỏ hy vọng ông Biden sẽ chỉnh đốn nước Mỹ sau khi vụ bạo loạn Điện Capitol làm rung chuyển niềm tin vào thể chế dân chủ. Những nước bị ông Trump trừng phạt vui mừng trước cơ hội khởi đầu mới với Mỹ dưới sự chỉ huy của ông Biden.
Thế giới mong muốn hợp tác với Mỹ dưới thời ông Biden - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nâng cốc rượu chúc mừng ông Joe Biden năm 2015. Lúc bấy giờ ông Biden là phó tổng thống Mỹ. (Ảnh: AFP).

Việt Nam

Ngày 21/1 theo giờ Hà Nội, lãnh đạo Việt Nam đã gửi điện chúc mừng ông Biden nhậm chức. Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng rằng chính phủ mới của Mỹ và ông Biden sẽ đạt được nhiều thành công. Lãnh đạo Việt Nam cũng tin tưởng quan hệ hai nước sẽ ngày càng trở nên sâu sắc.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã gửi điện mừng tới Phó Tổng thống Kamala Harris.

Trung Quốc

Trung Quốc thận trọng thể hiện hy vọng về sự thay đổi trong mối quan hệ với Nhà Trắng. Ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ đăng tweet: "Trung Quốc mong muốn hợp tác với chính quyền mới để thúc đẩy sự phát triển ổn định và vững mạnh của quan hệ Trung-Mỹ. Mong rằng hai nước sẽ cùng giải quyết những thách thức toàn cầu về sức khỏe cộng đồng, biến đổi khí hậu và tăng trưởng".

Ngay sau khi ông Biden nhậm chức, Trung Quốc đã ban hành lệnh trừng phạt đối với 28 quan chức Mỹ dưới thời ông Trump bao gồm cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien.

Chính quyền ông Biden đã nhanh chóng lên án động thái của Trung Quốc.

Châu Á - Thái Bình Dương

Đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương bày tỏ kỳ vọng củng cố các liên minh đã có từ trước với Mỹ.

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn nêu bật các giá trị chung với Mỹ với tư cách các nền dân chủ. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố: "Khởi đầu mới của Mỹ sẽ giúp các giá trị dân chủ càng vĩ đại hơn".

Thủ tướng Jacinda Ardern nói ông Biden là một người bạn tốt của New Zealand và đặc biệt nhấn mạnh những lời nói trong diễn văn nhậm chức. Bà Ardern nói: "Thông điệp đoàn kết của Tổng thống Biden trong lễ nhậm chức là một những lời gây được tiếng vang với người dân New Zealand".

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng chúc mừng lễ nhậm chức lịch sử của Phó Tổng thống Kamala Harris. Bà là phụ nữ đầu tiên, người gốc Á đầu tiên và người gốc Phi đầu tiên giữ vai trò này trong chính phủ Mỹ.

Ông ngoại bà Harris là người Ấn Độ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chúc mừng hai vợ chồng Tổng thống Biden và Phó Tổng thống Harris trên Twitter.

Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định: "Đây là một thời khắc lịch sử. Với tư cách là một ông bố có con gái, lễ nhậm chức của bà Harris là sự kiện chắc chắn tôi phải chúc mừng".

Châu Âu

Theo AP, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Đức Đạt Lai Lạt Ma nằm trong số những người hoan nghênh sự quan tâm của Mỹ đến biến đổi khí hậu. Ông Biden đã đưa nước Mỹ quay lại Hiệp định Khí hậu Paris ngay trong những giờ đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống ngày 20/1.

Tổng thống Macron đăng trên Twitter: "Với Biden, thế giới sẽ mạnh mẽ hơn để đối phó với thách thức của thời đại. Có thêm sức mạnh để xây dựng tương lai, bảo vệ hành tinh của chúng ta. Chào mừng Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris!".

Các đồng minh châu Âu của Mỹ nhìn thấy cơ hội thoát khỏi mối quan hệ căng thẳng với chính quyền Trump.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận xét các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã "chịu nhiều thiệt hại trong 4 năm qua" trong khi thế giới trở nên kém ổn định hơn và khó dự đoán hơn.

Ông Michel nói thêm: "Mỹ và châu Âu có nhiều điểm khác biệt và chúng sẽ không tự nhiên biến mất. Mỹ dường như đã thay đổi và cách nhìn nhận của châu Âu và phần còn lại của thế giới về Mỹ cũng đã thay đổi".

Thị trấn Ballina, Ireland, nơi sinh sống của tổ tiên ông Biden có một bức tranh ông Biden đang cười vẽ trên tường.

Lãnh đạo thế giới vui mừng, mong muốn hợp tác với ông Biden - Ảnh 3.

Bức tranh vẽ ông Biden tại thị trấn Ballina, Ireland. (Ảnh: AP).

Thủ tướng Ireland Michael Martin tuyên bố: "Tôi biết rằng Tổng thống Biden sẽ cảm nhận được sức nặng của lịch sử - sự hiện diện của tổ tiên người Ireland, những người đã rời hai hạt Mayo và Louth trong thời kỳ đói kém để tìm kiếm sự sống và hy vọng".

Trung Đông

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, người đã thiết lập mối quan hệ thân thiết với ông Trump cũng có tình bạn cá nhân với tân tổng thống Mỹ. Ông bày tỏ mong muốn hợp tác để củng cố liên minh Mỹ-Israel.

Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, người đã cáo buộc ông Trump thiên vị Israel, kỳ vọng ông Biden sẽ công bằng hơn.

Ông Abbas thúc giục "một tiến trình hòa bình toàn diện, công bằng đáp ứng nguyện vọng của người dân Palestine về tự do và độc lập."

Mỹ Latinh

Tại Mỹ Latinh, ông Biden ngay lập tức đối mặt với thách thức về vấn đề nhập cư. Giới lãnh đạo của hai quốc gia đông dân nhất khu vực – Brazil và Mexico – có mối quan hệ thân mật với ông Trump.

Trong khi đó, chính quyền Trump mở rộng các lệnh trừng phạt nghiêm khắc lên chính phủ Cuba, Venezuela và Nicaragua.

Tại Venezuela, chính phủ của Tổng thống Nicolás Maduro thúc giục mở ra các đối thoại với chính quyền Biden. Đồng thời nước này hy vọng vị tổng thống mới sẽ bãi bỏ một loạt lệnh trừng phạt mà ông Trump đặt ra.

Cuba có lẽ có cơ hội tốt hơn để cải thiện quan hệ song phương. Ông Biden đã ngồi trong Nhà Trắng trong lúc chính phủ hai nước bắt đầu quá trình bình thường hóa quan hệ vào năm 2014. Nhiều quan chức Cuba tỏ ra sẵn lòng nối lại đối thoại với Washington nếu Mỹ coi trọng chủ quyền nước này.  

Chủ tịch Miguel Díaz-Canel phản đối ông Trump dữ dội qua Twitter, viện dẫn "hơn 200 biện pháp thắt chặt phong tỏa tài chính, thương mại và kinh tế, biểu hiện của một chính sách hèn hạ và vô nhân đạo".

Tại Mexico, Tổng thống Andrés Manuel López Obrador đọc một lá thư đã gửi cho ông Biden từ năm 2012, kêu gọi tân tổng thống Mỹ định hướng lại quan hệ hai nước theo chiều hướng phát triển. Đồng thời ông Obrador thúc giục ông Biden cải cách vấn đề nhập cư.

Giang