Muôn vàn trở ngại với những tham vọng ‘ngày đầu tiên’ của ông Biden
Tổng thống Donald Trump đã từng hứa sẽ "hành động trong ngày đầu tiên" nhưng có những mục tiêu phải mất gần 4 tháng mới hoàn thành.
Một số cam kết của Tổng thống Joe Biden có thể được thực hiện chỉ sau một chữ ký nhưng số khác lại đòi hòi cả hệ thống chính trị phải đồng thuận. Một số phụ thuộc vào khả năng của ông Biden trong việc thuyết phục Đảng Cộng hòa trong Quốc hội. Số khác nhiều khả năng sẽ không bao giờ trở thành hiện thực.
Quyền lực lãnh đạo của ông Biden được củng cố sau khi hai ứng viên Đảng Dân chủ thắng cuộc bầu cử thượng nghị sĩ tại bang Georgia. Cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa hiện nay đều có 50 ghế tại Thượng viện nhưng phó tướng của ông Biden là bà Kamala Harris sẽ là người nắm lá phiếu quyết định.
Dù vậy, Quốc hội đầu nhiệm kỳ của ông Biden vẫn còn chưa hết sốc vì cuộc tấn công của đám đông bạo lực vào Điện Capitol hôm 6/1 và còn phải bận bịu lo cho phiên tòa luận tội Tổng thống Trump cũng như xác nhận nhân sự nội các. Tiến độ ban hành chính sách của ông Biden sẽ phần nào bị ảnh hưởng, bao gồm việc phê duyệt đề xuất cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD mới được công bố hôm 14/1.
Theo Bloomberg, dưới đây là những cam kết chính của ông Biden và điều kiện cần để hoàn thành:
Nền kinh tế và chính sách thuế
Chỉ Quốc hội mới có quyền ban hành luật về thuế và chi tiêu ngân sách liên bang, vì vậy ông Biden sẽ cần hợp tác với Điện Capitol bất cứ khi nào cần tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế.
Lời hứa của ông Biden | Tính khả thi |
"Trong ngày đầu tiên làm tổng thống, tôi sẽ chấm dứt chính sách cắt giảm thuế mà Donald Trump dành cho top 0,1% người giàu nhất nước Mỹ", ông Biden nói vào tháng 9/2019. | Muốn thay đổi luật thuế cần phải có văn bản dự luật. Những thay đổi lớn rất khó được thông qua trong ngắn hạn vì đây không phải là ưu tiên lớn nhất của Đảng Dân chủ trong đại dịch. |
"Chính sách thương mại sẽ không bao giờ quay lại như trước … Ông Biden sẽ đảm bảo rằng nước Mỹ đàm phán từ vị thế mạnh mẽ nhất có thể". (Tuyên bố tại website chiến dịch tranh Biden). | Ông Biden chưa từng tuyên bố sẽ đảo ngược chính sách của ông Trump về thương mại như với các lĩnh vực khác. Vị tân tổng thống từng hứa sẽ tham vấn với các tổ chức về môi trường và lao động khi đàm phán thỏa thuận thương mại mới. Các thỏa thuận mới muốn có hiệu lực đều phải được sự đồng ý của Quốc hội. |
"Hãy trả cho người lao động một mức lương phù hợp, ít nhất là 15 USD/giờ … tăng các khoản phụ cấp để người lao động có thể sống một cuộc sống trung lưu đúng nghĩa", theo kế hoạch phục hồi kinh tế Biden – Harris. | Đa phần nội dung trong kế hoạch việc làm của ông Biden đều cần được Quốc hội thông qua – trong đó có việc nâng lương tối thiểu, mở rộng quyền đàm phán và các luật liên quan tới chấm dứt phân biệt tiền lương. Ông Biden cũng có một số công cụ có thể tùy ý sử dụng như bổ nhiệm thành viên Hội đồng Quan hệ Lao động Quốc gia, các quy định về thuê nhà thầu liên bang và quy định về bảo hiểm y tế Medicaid. |
Khí hậu, năng lượng và môi trường
Tổng thống có ảnh hưởng đáng kể đến chính sách môi trường, nhưng tác động thường chậm và gián tiếp. Ông Biden có thể đàm phán các thỏa thuận không ràng buộc với các quốc gia khác. Ông cũng có thể ra lệnh thay đổi quy định nhưng nhìn chung sẽ mất thời gian.
Lời hứa của ông Biden | Tính khả thi |
"Chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc và mang lại kết quả ngay trong ngày đầu tiên. Chúng tôi sẽ khôi phục 100 quy tắc về sức khỏe cộng đồng và môi trường mà ông Trump từng hủy bỏ. Sau đó chúng tôi sẽ còn tiến trên con đường tham vọng hơn". (Bài phát biểu tại Wilmington, Delaware, ngày 14/7/2020) | Ông Biden có thể bắt đầu quá trình vào ngày đầu tiên, nhưng kết quả có thể mất vài tháng hoặc vài năm. Đạo luật Không khí sạch trao cho cơ quan hành pháp quyền áp đặt giới hạn phát thải, nhưng những quy định đó có thể phải tuân theo một quá trình nghiên cứu khoa học và lấy ý kiến cộng đồng kéo dài. |
"Mỹ sẽ tham gia lại vào Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi." (Phát biểu nhân kỷ niệm 5 năm Hiệp định Khí hậu Paris, ngày 12/12/2020) | Hiệp định Paris là một thỏa thuận hành pháp, có nghĩa là nó không yêu cầu Thượng viện phê chuẩn. Ông Biden đã ký ban hành lệnh vào trưa 20/1 ngay sau khi nhậm chức nhưng việc tái gia nhập sẽ chỉ có hiệu lực sau 30 ngày. |
"Trong 100 ngày đầu tiên nắm quyền, ông Biden sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh thế giới về khí hậu để trực tiếp thảo luận với các nhà lãnh đạo quốc gia phát thải khí nhà kính lớn trên thế giới để thuyết phục những nước này tham gia cùng Mỹ thực hiện các cam kết quốc gia tham vọng hơn trước đây". (Tuyên bố tại webiste Joe Biden ngày 22/4/2020) | Sự tập trung của ông Biden về khí hậu trở nên rõ ràng trong những ngày sau cuộc bầu cử, khi chủ đề này được đưa ra trong các cuộc điện thoại chúc mừng với các nhà lãnh đạo của mọi quốc gia ngoại trừ Israel. Nhưng thuyết phục các cường quốc khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, sẽ rất khó khăn và ông Biden sẽ phải chịu áp lực đưa ra các mục tiêu giảm thiểu carbon thậm chí còn tham vọng hơn hiện nay. |
"Ông Biden từng cực lực phản đối đường ống Keystone và đã cùng với Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Kerry bác bỏ dự án này vào năm 2015. Ông sẽ chấm dứt dự án này vĩnh viễn bằng cách tịch thu giấy phép". (Tuyên bố của cố vấn Stef Feldman, ngày 18/5/2020) | Việc cấp giấy phép của tổng thống cho các đường ống xuyên biên giới là một quá trình mang tính hành chính. Ông Obama từng từ chối cấp giấy phép, sau đó ông Trump đắc cử và đã đảo ngược quyết định. Ông Biden có thể ra lệnh xem xét lại hoặc đơn giản là tước giấy phép. |
Nhập cư
Tổng thống có thẩm quyền về cách thức thực thi luật nhập cư. Ví dụ, ông Obama đã ưu tiên trục xuất những kẻ tội phạm bạo lực và hoãn hành động đối với những người nhập cảnh bất hợp pháp khi còn nhỏ vì cha mẹ dẫn đi. Những thay đổi toàn diện về cấp quốc tịch sẽ thuộc thẩm quyền của Quốc hội, nhưng ông Biden có thể hủy bỏ các lệnh hành pháp của ông Trump về việc thực thi.
Lời hứa của ông Biden | Tính khả thi |
"Vào ngày đầu tiên, Joe Biden sẽ hủy bỏ lệnh cấm nhập cảnh và tị nạn với người Hồi giáo .... Biden sẽ tái thiết lập Mỹ như một điểm đến chào đón những người muốn theo đuổi giấc mơ Mỹ, bao gồm cả những người nhập cư từ thế giới Ả Rập". (Tuyên bố trên website ngày 29/8/2020) | Ông Trump đã ra lệnh cấm nhập cảnh từ 13 quốc gia có dân số chủ yếu là người Hồi giáo. Sau khi nhậm chức, ông Biden có thể đơn giản hủy bỏ lệnh cấm này. Việc cho phép nhiều người tị nạn hơn cần được tham vấn với Quốc hội vào tháng 9 hàng năm. |
"Vào ngày đầu tiên, tôi sẽ gửi một dự luật tới Quốc hội nhằm vạch ra lộ trình giúp 11 triệu người nhập cư không giấy tờ đang sống ở Mỹ được nhập quốc tịch". (Tuyên bố trên website ngày 21/10/2020) | Mọi tổng thống kể từ thời George W. Bush đều cố gắng đại tu luật nhập cư, nhưng tất cả đều thất bại khi Quốc hội bị chia rẽ. Ông Biden hôm 15/1 cho biết ông sẽ giới thiệu kế hoạch của mình "ngay lập tức" sau khi nhậm chức nhưng không nêu chi tiết. Trao quốc tịch cho những người nhập cư không có giấy tờ có thể là một trở ngại. |
"Việc xây dựng một bức tường sẽ chẳng giúp ích gì nhiều trong việc ngăn chặn tội phạm và các băng đảng ma túy đang tìm cách lợi dụng biên giới của chúng ta …. Ông Biden sẽ không lấy bớt tiền ngân sách cho các trường học và tiền hỗ trợ Puerto Rico để xây tường, thay vào đó ông sẽ hướng các nguồn lực liên bang vào các dự án thực thi biên giới thông minh, như đầu tư vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng sàng lọc tại các điểm nhập cảnh của Mỹ, điều đó sẽ thực sự giữ cho nước Mỹ an toàn hơn " (Tuyên bố trên trang web chiến dịch Biden.) | Việc ông Trump sử dụng quyền lực khẩn cấp hiếm khi được viện dẫn để chuyển ngân sách cho việc xây bức tường biên giới Mỹ-Mexico có nghĩa là ông Biden có thể dễ dàng khai tử dự án chỉ bằng cách chấm dứt tình trạng khẩn cấp. |
Y tế
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự quan tâm lớn chưa từng có đối với quyền lực của tổng thống trong vấn đề y tế. Dù vậy, y tế công cộng chủ yếu vẫn thuộc thẩm quyền của các bang, vì thế nên vai trò của liên bang phần lớn chỉ giới hạn trong việc khuyến khích các biện pháp an toàn cá nhân và phát triển vắc xin.
Lời hứa của ông Biden | Tính khả thi |
"Vào ngày đầu tiên, chúng tôi sẽ hành động để kiểm soát COVID-19 bằng nhiều biện pháp như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, xét nghiệm, truy vết và một kế hoạch phân phối đầy đủ và công bằng thuốc, vắc xin khi đã nghiên cứu xong". (Bài phát biểu tại Pittsburgh, ngày 2/11/2020) | Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã ký lệnh hành pháp phát động "Thử thách 100 ngày đeo khẩu trang" trên toàn nước Mỹ. Nhóm chuyển tiếp của ông Biden cho biết ông sẽ thay đổi chính sách của chính quyền Trump về việc giữ lại một nửa số liều vắc xin dự trữ để mọi người yên tâm là sẽ có mũi tiếm thứ 2. Một phát ngôn viên cho biết: "Chính phủ nên dừng ngay việc hạn chế nguồn cung vắc xin, hãy để thêm người dân Mỹ được tiêm chủng luôn và ngay lúc này". |
"Người dân Mỹ an toàn hơn khi Mỹ tham gia vào việc củng cố hệ thống y tế toàn cầu. Vào ngày đầu tiên của tôi với tư cách là tổng thống, tôi sẽ gia nhập lại WHO và khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế". (Tweet của ông Biden, ngày 7/7/2020) | Tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một việc dễ dàng, nhưng các chuyên gia cho rằng sẽ cần nhiều nỗ lực kéo dài để hàn gắn các mối quan hệ và tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Sau khi nhậm chức vào trưa 20/1, ông Biden đã lập tức ký ban hành lệnh tái tham gia WHO. |
"Tôi sẽ thông qua Obamacare với một tùy chọn công khai và biến nó thành Bidencare". | Quốc hội đã sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách để thông qua Obamacare, vì vậy Quốc hội có thể làm điều tương tự với các đề xuất y tế của ông Biden. Nhưng vị tân tổng thống có thể sẽ vấp phải một số phản đối từ cả cánh tả và cánh hữu do kế hoạch của ông chưa phải là chính sách "Bảo hiểm Y tế cho mọi người" mà phe cấp tiến mong đợi. Thay vào đó, ông Biden sẽ áp dụng một kế hoạch của chính phủ bên cạnh các chương bảo hiểm y tế tư nhân mà không loại bỏ chúng hoàn toàn. |
An ninh quốc gia
Vai trò tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang mang đến cho tổng thống Mỹ những quyền lực rộng lớn trong việc điều hành quân đội và xử lý các mối quan hệ đối ngoại. Quốc hội cũng đã giao cho tổng thống Mỹ nhiều quyền áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia khác.
Lời hứa của ông Biden | Tính khả thi |
"Chúng tôi tuyệt đối không muốn khu vực Trung Đông phát triển năng lực hạt nhân. Với sự tham vấn của các đồng minh và đối tác, chúng tôi sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán và các thỏa thuận tiếp theo để thắt chặt và kéo dài các hạn chế hạt nhân của Iran cũng như giải quyết chương trình tên lửa". (Phỏng vấn với New York Times, ngày 2/12/2020) | Thỏa thuận đầu tiên ký vào năm 2015 sẽ khó có thể được hồi sinh. Iran bắt đầu vi phạm giới hạn làm giàu uranium sau khi ông Trump tái áp đặt các lệnh trừng phạt. Tehran tuyên bố có thể đảo ngược những nỗ lực đó, nhưng đổi lại các biện pháp trừng phạt kinh tế với Iran phải bị gỡ bỏ. |
"Ông Biden sẽ chỉ đạo Bộ Quốc phòng Mỹ cho phép các quân nhân chuyển giới được công khai phụng sự tổ quốc, được điều trị y tế cần thiết và không bị phân biệt đối xử." (Trang web của chiến dịch Biden) | Ông Trump đã ra lệnh hành pháp cấm người chuyển giới tham gia quân đội. Ông Biden có thể đảo ngược mệnh lệnh của ông Trump bằng cách phục hồi chính sách từ thời Obama. |
Chính sách trong nước
Chính sách đối nội phần lớn thuộc về chức trách của Quốc hội, nhưng tổng thống cũng có một số công cụ để điều hành.
Lời hứa của ông Biden | Tính khả thi |
"Một số người sở hữu súng nói rằng chính quyền Biden sẽ đến lấy súng của tôi. Nếu bạn có vũ khí tấn công thì đúng vậy, chúng tôi sẽ đến lấy"(Phỏng vấn trên đài CNN, ngày 6/8/2019) | Ông Biden từng giúp thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công kéo dài 10 năm với tư cách là thượng nghị sĩ vào năm 1994. Ông cũng đã nói rõ rằng hầu hết các nỗ lực kiểm soát súng đều cần có Quốc hội ủng hộ. "Không ai đấu tranh mạnh mẽ hơn tôi để loại bỏ vũ khí tấn công, nhưng bạn không thể làm điều đó theo lệnh hành pháp," ông nói với các nhà hoạt động dân quyền trong tháng 1/2021. Tuy nhiên, ông Biden có thể mở rộng việc thực thi và thắt chặt kiểm tra lý lịch khi mua súng. |
"Tổng thống Obama sử dụng quyền lực khoan hồng của mình nhiều hơn bất kỳ ai trong số 10 tổng thống tiền nhiệm. Ông Biden sẽ tiếp tục truyền thống này và sử dụng rộng rãi quyền khoan hồng của mình cho một số tội phạm bất bạo động và ma túy". (Tuyên bố về chính sách tư pháp hình sự Biden.) | Quyền khoan hồng của tổng thống là một trong những quyền tuyệt đối nhất - cả Quốc hội và tòa án đều không có quyền kiểm soát việc sử dụng quyền lực này. Số đơn đề nghị khoan hồng chính thức đang chờ Bộ Tư pháp xử lý là 14.282 - một con số cao kỷ lục. |
"Đây là một khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử nước Mỹ. Chúng ta phải thực hiện những thay đổi quan trọng ngay bây giờ. Sự thay đổi trong cảnh sát Mỹ lẽ ra phải diễn ra từ lâu. Nhưng câu chuyện không chỉ là cải cách trong lực lượng cảnh sát. Chúng ta phải thay đổi việc thực thi luật dân quyền". (Ông Biden phát biểu tại NAACP Town Hall, ngày 10/6/2020) | Việc đảm bảo an ninh nội địa ở Mỹ phần lớn vẫn do các bang và địa phương tiến hành. Dù vậy, Quốc hội có thể sử dụng luật dân quyền để xác định và cấm sử dụng vũ lực quá mức. Về phần mình, ông Biden cũng có thể khôi phục một số chính sách của ông Obama, như lệnh cấm chuyển giao thiết bị dư thừa cho cảnh sát địa phương và gắn liền một số khoản trợ cấp của Bộ Tư pháp với các cải cách địa phương. |
"Theo kế hoạch Biden, các cá nhân có thu nhập từ 25.000 USD trở xuống mỗi năm sẽ không phải thanh toán tiền nợ sinh viên đến hạn". (Tuyên bố ngày 31/3/2020) | Những người theo chủ nghĩa cấp tiến đang thúc giục tân tổng thống xóa các khoản vay sinh viên theo lệnh hành pháp, nhưng ông Biden nói rằng ông không có quyền đó. Dù vậy, ông Biden cũng đã công khai kế hoạch gia hạn việc hoãn thanh toán các khoản nợ sinh viên trong thời kỳ đại dịch như một phần của gói cứu trợ tổng trị giá 1.900 tỷ USD. |
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/