|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà kinh tế đoạt giải Nobel: Đề xuất thuế quan của ông Trump gây hại cho người nghèo, chỉ giúp ích cho người giàu

08:00 | 07/07/2024
Chia sẻ
Ông Donald Trump tuyên bố việc áp thuế quan lên hàng hoá nhập khẩu sẽ giúp ích cho người tiêu dùng Mỹ. Song, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel cho rằng chỉ những người Mỹ giàu có nhất mới được hưởng lợi.

Nhà kinh tế Paul Krugman. (Ảnh: New York Times).

Gần đây, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến ý tưởng thay vì đánh thuế thu nhập, chính quyền Washington có thể tăng thuế quan áp lên hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ.

Trong bài bình luận trên tờ New York Times vào đầu tuần này, ông Paul Krugman - nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel - vừa đưa ra lập luận để phản đối ý tưởng của ông Trump.

Theo vị chuyên gia, bỏ qua mức chênh lệch lớn giữa nguồn thu mà hai chính sách thuế tạo ra, việc tối đa hoá thuế quan và cắt giảm thuế thu nhập vẫn sẽ tác động xấu tới hầu hết người Mỹ.

Dẫn dữ liệu từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, ông Krugman cho hay: “Trên thực tế, đề xuất của ông Trump là tiêu cực đối với 80% dân số, đặc biệt là nhóm 60% những người có thu nhập thấp nhất”.

“Trong khi đó, kế hoạch mà vị cựu tổng thống đưa ra lại cực kỳ tích cực cho nhóm 1% dân số giàu nhất”, nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel nhấn mạnh.

Trong kịch bản đó, thu nhập sau thuế của những người tiêu dùng có thu nhập thấp và trung bình sẽ sụt giảm và họ cũng không được hưởng nhiều lợi ích từ việc cắt giảm thuế.

Tuy nhiên, những người giàu có thì khác. Trong bài viết, ông Krugman đưa ra nguyên nhân để lý giải cho sự mâu thuẫn này.

Thứ nhất, những người giàu nhất đất nước mới là những người phải đóng thuế thu nhập, trong khi một nửa dân số Mỹ không hề đóng khoản thuế này. Thay vào đó, những người nghèo hơn phải chịu các loại thuế khác.

Thứ hai, khi thuế quan áp lên các nhà nhập khẩu tăng cao hơn, những doanh nghiệp này nhiều khả năng sẽ nâng giá bán.

Nghiên cứu từ tổ chức Tax Foundation cho thấy việc nâng giá bán sẽ khiến lạm phát đi lên, thậm chí động thái đó còn có thể kéo giá của các sản phẩm sản xuất tại Mỹ bật tăng.

Và vì các gia đình có thu nhập thấp dành nhiều phần trong thu nhập để mua hàng hoá nhập khẩu hơn những người giàu, túi tiền của họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi giá cả tăng cao.

Ông Krugman lập luận: “Vậy ai sẽ trả những mức thuế quan mà ông Trump gần như chắc chắn sẽ áp dụng nếu ông ấy chiến thắng? Không phải Trung Quốc hay các nước khác. Mọi gánh nặng đều đổ dồn lên vai người Mỹ, chủ yếu là tầng lớp lao động và người nghèo”.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AP).

Ứng viên tổng thống của Đảng Cộng hoà từng nhắc đến khả năng sẽ áp thuế 10% đối với mọi hàng hoá nhập khẩu vào Mỹ. Một số quốc gia có thể phải đối mặt với mức thuế cao hơn, chẳng hạn như Trung Quốc là lên tới 60%.

Trong một ghi chú mới đây, nhà kinh tế Jan Hatzius của Goldman Sachs cho biết nếu ông Trump xúc tiến đề xuất của mình, việc gia tăng các rào cản thương mại sẽ thúc đẩy lạm phát đi lên thêm 1,1 điểm %. Giá cả đắt đỏ hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng và GDP của Mỹ có thể giảm 0,5%.

Chia sẻ với Business Insider, một nhà kinh tế từng đoạt giải Nobel khác là Joseph Stiglitz cho biết ông cũng có những lo ngại tương tự về nguy cơ lạm phát tăng vọt trở lại.

Đó là một kịch bản có thể làm giảm khả năng hạ lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Thay vào đó, Fed có thể sẽ trở nên diều hâu một lần nữa, tăng lãi suất lên tới 130 điểm cơ bản, ông Hatzius dự đoán.

Vị chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs kết luận: “Một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khuếch đại đáng kể dự đoán của chúng tôi.

Khi đó, lạm phát tại Mỹ sẽ tăng mạnh, tăng trưởng của châu Âu bị ảnh hưởng và chính sách tiền tệ giữa châu Âu và Mỹ sẽ có sự chênh lệch lớn”.

Khả Nhân

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam có thể mang về 22 tỷ USD, tạo ra thị trường xây dựng hơn 33 tỷ USD
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến các nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD và các hoạt động thương mại dự kiến sẽ mang về khoảng 22 tỷ USD. Bên cạnh đó, dự án này cũng sẽ tạo ra thị trường xây dựng 33,5 tỷ USD.