|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nợ phải trả (Liabilities) là gì? Các loại nợ phải trả chủ yếu trong Báo cáo tài chính

10:41 | 26/08/2019
Chia sẻ
Nợ phải trả (tiếng Anh: Liabilities) là một bộ phận trong Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, phản ánh các khoản nợ phải trả phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp phải trả, phải thanh toán cho các chủ nợ.

debt

Hình minh họa (nguồn: bitcoinfacile.org)

Nợ phải trả (Liabilities)

Khái niệm

Nợ phải trả trong tiếng Anh gọi theo một số cách là liabilities hay account payable.

Chuẩn mực kế toán Việt Nam VAS 01 định nghĩa, "Nợ phải trả là nghĩa vụ hiện tại của doanh nghiệp phát sinh từ các sự kiện và giao dịch đã qua mà doanh nghiệp phải thanh toán từ các nguồn lực của mình". Nợ phải trả của một doanh nghiệp bao gồm các khoản nợ phải trả thông thường, dự phòng nợ phải trả và nợ tiềm tàng.

Các khoản nợ phải trả thông thường được phản ánh trên bảng cân đối kế toán là các khoản nợ được xác định chắc chắn về thời gian và giá trị, như mua hàng hóa chưa trả tiền cho người bán, vay ngân hàng hay phải trả công nhân viên.

Dự phòng nợ phải trả là khoản nợ phải trả chưa có sự chắc hắn về giá trị và thời gian nhưng đã có những ước tính đáng tin cậy, còn nợ tiềm tàng là khoản nợ phải trả chưa có sự chắc chắn về thời gian, giá trị và không có ước tính tin cậy.

Ví dụ, theo quy định hiện hành, các công ty xây dựng phải trích lập dự phòng bảo hành các công trình xây dựng không vượt quá 5% tổng giá trị công trình.

Phân loại nợ phải trả

Nợ phải trả được trình bày trên bảng cân đối kế toán theo thời hạn nợ, bao gồm nợ ngắn hạn và nợ dài hạn.

Nợ ngắn hạn là các khoản nợ có thời hạn trả vòng một năm. Nợ ngắn hạn thường bao gồm các khoản nợ phát sinh trong quá trình hoạt động kinh doanh hàng ngày của doanh nghiệp, như nợ phải trả người bán, nợ phải trả công nhân viên, thuế và các khoản phải nộp nhà nước, ứng trước của khách hàng, chi phí phải trả,…

Nợ dài hạn là các khoản nợ có thời hạn trả trên một năm. Nợ dài hạn của doanh nghiệp thường bao gồm vay dài hạn ngân hàng, trái phiếu phát hành và nợ thuế tài sản tài chính.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Báo cáo tài chính phân tích – dự báo và định giá, NXB Đại học Kinh tế quốc dân)

T.H