Những sai lầm nối tiếp đã đưa ông Trump đến giường bệnh COVID-19
Ngày 21/1, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông báo ca dương tính với COVID-19 đầu tiên, một nam thanh niên trở về từ Trung Quốc. Ban đầu, giới chức y tế chỉ phát hiện virus SARS-CoV-2 ở một số người và hầu hết là dân du lịch từ nước ngoài về.
Tuy nhiên, ba tuần trôi qua và cục diện thay đổi, New York Times đưa tin. Khi năng lực xét nghiệm tăng và virus bắt đầu lây lan, số ca xác nhận nhiễm tăng lên hàng chục, sau đó là hàng trăm và hàng nghìn người, và cuối cùng xuất hiện các ca tử vong.
Chỉ hai tháng sau, vào ngày 20/3, Mỹ đã ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm COVID-19 tại 50 bang và thủ đô Washington, cùng với hơn 200 ca tử vong.
Coi COVID-19 là trò bịp bợm của đối thủ chính trị
Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và chính quyền nhiều địa phương phải oằn mình chống đỡ, ông Trump lại hạ thấp rủi ro của đại dịch tại Mỹ.
Thậm chí, ông Trump còn cáo buộc Đảng Dân chủ "chính trị hóa" virus SARS-CoV-2 trong một sự kiện tranh cử ngày 28/2: "Bây giờ Đảng Dân chủ đang chính trị hóa virus SARS-CoV-2. Đây là trò bịp mới của phe cánh tả".
Theo NBC News, trong suốt nhiệm kì tổng thống của mình, ông Trump đã nhiều lần dùng từ "trò bịp" để tấn công và làm mất uy tín của những người mà ông bất mãn, chẳng hạn như cựu công tố Robert Mueller trong vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
"Đảng Dân chủ luôn vẽ ra viễn cảnh khủng khiếp. Họ muốn chúng tôi thất bại nặng nề", ông Trump tiếp tục.
Trong khi hệ thống y tế trên cả nước thiếu thốn thiết bị và vật tư đến mức phải tự chế đồ dùng thì ông Trump luôn tô hồng về đại dịch COVID-19 và phản ứng của chính phủ.
"Chính quyền của tôi đã thực hiện các biện pháp tích cực nhất trong lịch sử để ngăn chặn sự lây của COVID-19 tại Mỹ", ông Trump nói, hàm ý đề cập đến lệnh cấm nhập cảnh với công dân nước ngoài từ Trung Quốc đến Mỹ. Dù vậy, lệnh cấm này được cho là có lỗ hổng và không có nhiều tác dụng ngăn chặn dịch bệnh.
34 lần khẳng định virus SARS-CoV-2 sẽ tự biến mất
Tổng thống Trump liên tục so sánh COVID-19 với cúm mùa và đã 34 lần khẳng định virus SARS-CoV-2 sẽ tự biến mất, theo ước tính của tờ Washington Post.
Ngày 10/2 (hơn hai tuần sau ca dương tính đầu tiên), ông Trump chia sẻ trong họp báo: "Nhiều người tin virus SARS-CoV-2 sẽ biến mất vào tháng 4, khi thời tiết ấm lên. Tôi cũng cho là virus sẽ tự biến mất".
Ngày 28/2, ông Trump lại so sánh một cách sai lầm COVID-19 với cúm mùa. Ông khẳng định "trung bình mỗi năm có 35.000 người Mỹ chết vì cúm mùa" trong khi hiện chưa có ai chết vì COVID-19 và báo chí "đang làm quá lên".
Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) đã lên tiếng cảnh báo với quốc hội Mỹ: Đừng so sánh COVID-19 với bệnh cúm. "Bệnh cúm có tỉ lệ tử vong chỉ 0,1%. COVID-19 có tỉ lệ tử vong cao gấp 10 lần mức đó", ông Fauci nói ngày 11/3.
Trong suốt giai đoạn từ đầu tháng 2 đến giữa tháng 9, ông Trump còn khẳng định dù không có vắc xin thì virus SARS-CoV-2 cũng sẽ biến mất vào một ngày đó.
Đơn cử ngày 15/5, khi nước Mỹ đang căng mình chống dịch và thiếu thốn vật tư y tế, ông Trump lớn tiếng tuyên bố trong họp báo: "Tôi nghĩ nước Mỹ sẽ sớm có vắc xin trong tương lai gần và nếu quả thực có vắc xin, chúng ta thực sự sẽ tiến một bước lớn".
"Nếu không có vắc xin thì tương tự như nhiều trường hợp khác, vấn đề tự đến thì cũng tự đi vào một lúc nào đó, đại dịch COVID-19 rồi sẽ tự biến mất", ông Trump nói.
Bây giờ đã là tháng 10 và đại dịch COVID-19 hiện chưa có dấu hiệu lắng dịu tại Mỹ. Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới với hơn 7,4 triệu ca dương tính và gần 210.000 ca tử vong. Ngoài ra, Mỹ vẫn chưa chính thức phê chuẩn một loại vắc xin hay thuốc điều trị nào.
Bất ngờ vào ngày 9/9, nước Mỹ dậy sóng khi truyền thông đưa tin Tổng thống Trump từng thừa nhận mức độ nguy hiểm của đại dịch trong các cuộc phỏng vấn riêng với nhà báo Bob Woodward của Washington Post.
"Tôi luôn muốn hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, đến giờ vẫn thế vì tôi không muốn người dân hoảng sợ", ông Trump thừa nhận với ông Woodward vào ngày 19/3 năm nay.
Về sau, ông Trump khẳng định bản thân đã đúng khi làm như thế. Ông nói: "Chúng tôi không muốn kích động tâm lí hoảng loạn, càng không muốn nhảy dựng lên và la hét rằng chính phủ đang đối mặt với một vấn đề lớn khủng khiếp để mọi người sợ hãi".
Tuy nhiên, đến ngày 15/9, khi Mỹ sắp chạm cột mốc đau thương 200.000 ca tử vong vì COVID-19, ông Trump lại một lần nữa tỏ thái độ xem nhẹ dịch bệnh khi cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ "biến mất" ngay cả khi không có vắc xin hiệu quả. Điều này mâu thuẫn với lời thừa nhận chỉ vài ngày trước của ông chủ Nhà Trắng.
Phớt lờ khuyến nghị đeo khẩu trang
Tổng thống Trump đã dành nhiều tháng để hạ thấp tầm quan trọng của khẩu trang, từ chối đeo khẩu trang khi chụp ảnh và thậm chí chế nhạo cựu Phó Tổng thống Joe Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên tối ngày 29/9 vừa qua.
Dù hiện tại ông Trump đã đảo chiều thái độ và thỉnh thoảng đeo một chiếc khẩu trang có con dấu của tổng thống, các tuyên bố của ông trước công chúng vẫn làm xáo trộn thông điệp của quan chức y tế về sản phẩm này.
Ngày 3/4 tại Nhà Trắng, ông Trump bình luận: "CDC khuyến nghị sử dụng khăn che mặt như một biện pháp y tế cộng đồng tự nguyện. Rõ ràng, họ chỉ nói tự nguyện nên bạn không cần phải làm theo. Tôi không nghĩ tôi sẽ tuân theo!"
Quả thật sau tuyên bố đó, ông Trump gần như không hề đeo khẩu trang trong các chuyến công tác. Thậm chí, ông chủ Nhà Trắng còn không đeo khẩu trang khi đến thăm nhà máy sản xuất khẩu trang Honeywell ở bang Arizona.
Tuy nhiên, chia sẻ với Fox Business vào đầu tháng 7, ông Trump đã dịu giọng về việc đeo khẩu trang. "Tôi cực kì ủng hộ việc đeo khẩu trang. Tôi nghĩ đeo khẩu trang là điều nên làm".
Cuối tháng 7, khi số ca nhiễm và tử vong tăng nóng tại nhiều bang trên cả nước, Tổng thống Trump mới thực sự thay đổi quan điểm qua dòng tweet: "Nhiều người nói khi không thể giãn cách xã hội, đeo khẩu trang là yêu nước. Không ai yêu nước hơn tôi, vị Tổng thống Mỹ đáng mến của các bạn!" Đi kèm bài viết là một tấm ảnh trắng đen ghi cảnh ông Trump đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, khi xuất hiện tại các sự kiện tranh cử và gây quĩ đông người, ông Trump vẫn không đeo khẩu trang và người ủng hộ tại các cuộc gặp mặt này phần đông đều không đeo khẩu trang hay giãn cách xã hội.
Sáng kiến "uống thuốc sốt rét" và "tiêm thuốc khử trùng vào cơ thể"
Giữa tháng 5, ông Trump cho biết ông đang sử dụng hydroxychloroquine - một loại thuốc chống sốt rét, để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 dù có một số bằng chứng cho thấy loại thuốc này không mang lại hiệu quả.
Ngày 18/5, ông Trump cho hay: "Tôi đang dùng hydroxychloroquine. Tôi sử dụng loại thuốc này vì cho rằng nó hiệu quả. Tôi đã nghe nhiều trường hợp tích cực. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên về số lượng người đang dùng nó".
Trên Twitter, Tổng thống Trump từng chia sẻ một video tuyên bố hydroxychloroquine là "phương pháp điều trị COVID-19" và "bạn không cần phải đeo khẩu trang" để làm chậm tốc độ lây lan của virus. Sau đó, đoạn video được gắn nhãn là chứa thông tin sai lệch và bị gỡ xuống.
Khi được hỏi về video trên, ông Trump nói ông không đưa ra khẳng định nào và chỉ đang truyền đạt lại khuyến nghị từ người khác, trong đó có các bác sĩ.
Ngày 28/5, Tổng thống Mỹ chia sẻ: "Tôi đã dùng hydroxychloroquine 2 tuần qua. Thuốc an toàn, không gây ra vấn đề gì. Tôi không cảm thấy khác lạ gì". Dù vậy, một số nghiên cứu cho thấy hydroxychloroquine không hữu ích và thậm chí còn gây ra vấn đề tim mạch ở một số bệnh nhân.
Ông Trump còn có lần nảy ra ý tưởng tiêm thuốc khử trùng vào cơ thể người để diệt virus SARS-CoV-2.
"Chất khử trùng hạ gục virus corona chủng mới chỉ trong một phút. Một phút thôi. Liệu có cách nào để chúng ta làm điều tương tự bằng cách tiêm chất này vào trong cơ thể hay không?" ông Trump nói trong một cuộc họp báo ngày 23/4.
"Bởi vì, các bạn thấy đấy, virus corona chủng mới đi vào phổi, lây lan với số lượng lớn trong phổi. Tiêm chất khử trùng sẽ là một biện pháp thú vị đáng để thử".
Các nhà khoa học đã nhanh chóng chỉ trích kịch liệt phát biểu của ông Trump, nếu người dân tiêm chất sát trùng thì sẽ có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Nhiễm bệnh và nhập viện
Đêm 1/10, ông Trump đăng tweet thông báo ông cùng Đệ nhất Phu nhân Melania Trump đã nhiễm COVID-19, chỉ vài giờ sau khi cố vấn thân cận Hope Hicks xác nhận dương tính.
Rõ ràng uống thuốc sốt rét là không đủ để phòng ngừa COVID-19. Theo các nhà khoa học, không biện pháp nào có thể thay thế được việc đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì giãn cách.
Sau khi nhập viện, ông Trump không được điều trị bằng thuốc sốt rét hydroxychloroquine và cũng không được tiêm thuốc khử trùng như ông từng đề xuất. Thay vào đó, các bác sĩ cho Tổng thống Mỹ dùng remdesivir - một loại thuốc do hãng dược Gilead Sciences nghiên cứu và phát triển. Remdesivir đã được Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho các bệnh nhân nặng.
Nhà Trắng giờ đây trở thành một cụm dịch với ít nhất 12 người liên quan tới ông Trump đã xác nhận nhiễm COVID-19 trong vài ngày qua. Không chỉ Nhà Trắng xáo trộn sau ca bệnh của ông Trump mà các sự kiện tranh cử ông tổ chức khoảng một tuần qua cũng nháo nhác.
Đơn cử ngày 2/10, Sở Y tế Cộng đồng bang Minnesota đã kêu gọi bất kì ai tiếp xúc trực tiếp với ông Trump vào ngày 30/9 nên tự cách li 14 ngày và xét nghiệm COVID-19.