Một con số quyết định dịch đang được kiểm soát hay đang bùng phát
Theo số liệu của Viện Y tế công cộng Robert Koch (RKI), hệ số lây nhiễm của dịch COVID-19 tại Đức đột ngột tăng từ 1,06 ngày 19/6 lên 1,79 vào ngày 20 rồi tiếp tục nhảy vọt lên 2,88 hôm 21/6.
Hệ số lây nhiễm (hay viết tắt là R0) bằng 2,88 có nghĩa là cứ 100 người mắc bệnh sẽ lây nhiễm cho 288 người khác. Để khống chế được dịch, R0 cần phải nhỏ hơn 1, tức là số ca nhiễm mới giảm dần theo thời gian.
Việc R0 cao tới 2,88 đồng nghĩa dịch COVID-19 tại Đức đang rất khó kiểm soát.
Thời gian qua, Đức vẫn được coi là câu chuyện thành công điển hình tại châu Âu trong cuộc chiến chống virus corona chủng mới. Tuy nhiên số ca lây nhiễm mới đã bắt đầu tăng trở lại.
Gần đây, chính quyền Đức đã huy động tới lực lượng cảnh sát để thắt chặt các biện pháp phong tỏa ở thành phố Goettingen nơi 700 người đang bị cách li. Bạo động đã nổ ra vào ngày 20/6. Khoảng 200 người cố tìm cách thoát ra nhưng 500 người vẫn tuân thủ qui định cách li.
Tại khu vực North Rhine Westphalia, hơn 1.000 lao động tại nhà máy chế biến thịt Toennies được xét nghiệm dương tính với COVID-19. Quan chức địa phương đã khẩn thiết kêu gọi công nhân nhà máy thịt và người thân trong gia đình hãy thực hiện nghiêm yêu cầu cách li.
Viện Y tế công cộng Robert Koch (RKI) cho biết COVID-19 đã được phát hiện tại các bệnh viện, nhà dưỡng lão, trại tị nạn, nhà máy thịt, công ty kho vận, lao động thu hoạch theo mùa vụ và các sự kiện tụ tập tôn giáo cũng như gia đình. Theo RKI, Đức đến nay đã xác nhận 189.822 ca nhiễm COVID-19 và 8.882 ca tử vong.
Hệ số lây nhiễm R0 của bệnh sởi là khoảng từ 12 đến 18, tức là một người mắc bệnh sởi có thể lây cho 12-18 người. Với bệnh do virus Zika, R0 rơi vào khoảng 3-6,6. Với bệnh cúm mùa thông thường, R0 khoảng 1,3. Còn với COVID-19, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), R0 thường trong khoảng 2–2,5.
Số liệu về R0 thường là một khoảng dao động chứ ít khi là một con số chính xác vì R0 phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ngoài đặc tính của virus còn phải kể đến điều kiện môi trường và các biện pháp phòng ngừa được áp dụng.
Chẳng hạn hệ số R0 của virus corona chủng mới trên toàn cầu trung bình là 2-2,5 nhưng với riêng ổ dịch trên du thuyền Diamond Princess, R0 lên tới 11.
Nếu tạm thời chỉ xét số R0 trung bình, khả năng lây nhiễm của COVID-19 có vẻ không ghê gớm hơn quá nhiều so với cúm mùa thông thường, đặc biệt là khi so với khoảng 12-18 của bệnh sởi.
Tuy nhiên câu chuyện hoàn toàn thay đổi khi quá trình lây nhiễm lặp lại nhiều lần. Từ một người bị cúm, với hệ số R0 bằng 1,3, sau 10 vòng lây nhiễm sẽ có thêm 56 người mắc bệnh.
Từ một người nhiễm COVID-19, với hệ số R0 bằng 2, sau 10 vòng lây nhiễm sẽ có thêm tới 2.047 người nhiễm.
Khả năng lây nhiễm chính là một điểm khác biệt căn bản giữa COVID-19 và bệnh cúm.
Mặc dù các triệu chứng ban đầu khá giống nhau như sốt, ho, đau mỏi người, … COVID-19 lại dễ có khả năng biến chứng nặng thành viêm phổi hơn bệnh cúm, nhu cầu nhập viện do đó cũng lớn hơn.
Và vì COVID-19 dễ lây hơn và có số người nhiễm bệnh lớn hơn, hệ thống y tế rất dễ vỡ trận vì thiếu giường bệnh, máy thở như thế giới từng chứng kiến cảnh tượng lặp đi lặp lại ở Vũ Hán, New York, bắc Italy, …
Một cách gián tiếp, hệ số lây nhiễm R0 đã tác động tới tỉ lệ tử vong của bệnh. R0 cao dễ khiến cho bệnh viện quá tải, dẫn tới nhiều người tử vong hơn.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến hôm nay 22/6, nước Mỹ đã ghi nhận xấp xỉ 2,28 triệu ca dương tính và 120.000 ca tử vong vì COVID-19, tỉ lệ tử vong tương ứng là 5,3%.
Trong khi đó, theo thống kê của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm nước Mỹ có khoảng 60.000 người chết vì bệnh cúm mùa, tỉ lệ tử vong chỉ là 0,1%.
Ngày 11/3/2020 khi dịch COVID-19 mới bùng phát tại Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci – Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) đã lên tiếng cảnh báo với quốc hội Mỹ: Đừng so sánh COVID-19 với bệnh cúm.
"Bệnh cúm có tỉ lệ tử vong chỉ 0,1%. COVID-19 có tỉ lệ tử vong cao gấp 10 lần mức đó", ông Fauci nói ngày 11/3.
Từ sau phát biểu của Tiến sĩ Fauci đến nay, dịch COVID-19 lan rộng tại nhiều nơi đã khiến cho tình trạng quá tải của hệ thống y tế thêm trầm trọng, tỉ lệ tử vong của COVID-19 không còn cao gấp 10 lần bệnh cúm mà là cao gấp hơn 50 lần.
Tương tự, việc hệ số lây nhiễm R0 của Đức tăng từ 1,06 lên 2,88 chỉ trong hai ngày 20-22/6 làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ vỡ trận trong cuộc chiến kiểm soát dịch tại quốc gia châu Âu này.
Một nguyên nhân khiến COVID-19 dễ lây lan hơn so với cúm mùa là thời gian ủ bệnh dài hơn. Người có virus cúm thường biểu hiện triệu chứng sau 2 ngày và do vậy mọi người có thể biết và phòng tránh.
Người có virus corona chủng mới có thời gian ủ bệnh dài 1-2 tuần và có thể lây nhiễm cho người khác dù chưa xuất hiện triệu chứng.
Đến nay chưa có thuốc điều trị hiệu quả hay vắc xin phòng ngừa COVID-19, và do ngay cả những người không có triệu chứng cũng có thể lây bệnh nên cách kiểm soát dịch tốt nhất vẫn là đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và thực hành giãn cách.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/