Biến động nhóm 'tỷ phú COVID-19': Tài sản ròng tăng giảm liên tục, nhiều người mất danh tỷ phú sau mùa dịch
Trong vòng chưa đầy ba năm, đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi thứ. Những tỷ phú làm giàu trong đại dịch hóa ra cũng có thể mất đi phần lớn khối tài sản ròng chỉ trong vài năm ngắn ngủi, nhanh hơn tưởng tượng của nhiều người, theo Bloomberg.
Sự giàu có không bền vững
Việc tung ra vắc xin của Moderna Inc. đã giúp giá trị khối tài sản ròng của nhà khoa học Stephane Bancel tăng lên 15 tỷ USD khi cổ phiếu công ty tăng gần 2.400%. Eric Yuan, người từng bị từ chối thị thực Mỹ 8 lần trước khi chuyển đến từ Trung Quốc, chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của mình đạt 29 tỷ USD khi Zoom Video Communications Inc. trở thành công cụ họp trực tuyến phổ biến trong đại dịch. Bộ đôi cha con đứng sau công ty bán ô tô đã qua sử dụng trực tuyến Carvana Co. cũng tích lũy được khối tài sản ròng trị giá 32 tỷ USD ở thời kỳ đỉnh cao.
Những người này thuộc vào một nhóm gồm 58 tỷ phú, những người chứng kiến giá trị khối tài sản ròng tăng lên theo cấp số nhân nhờ những thay đổi do đại dịch COVID-19 gây ra trong suốt những năm qua.
Giá trị khối tài sản ròng gia tăng và sụt giảm nhanh chóng của nhóm tỷ phú này khác với 131 người khác theo Bloomberg Billionaires Index, những người cũng chứng kiến giá trị tài sản ròng tăng hơn gấp đôi trong những năm qua, song họ không phụ thuộc vào đại dịch COVID-19.
Cùng nhau, nhóm 58 tỷ phú này đã trở thành biểu tượng cho thời kỳ tài chính lạ lùng trong mùa dịch. Tất cả họ đã gặp may mắn nhờ dịch bệnh COVID-19. Khi đại dịch được kiểm soát, dường như mọi thứ đang quay trở về đúng quỹ đạo.
Đối với Kim Forrest, người sáng lập công ty đầu tư Bokeh Capital Partners, những gì diễn ra trong ba năm qua giống với thời kỳ bong bóng công nghệ hai thập kỷ trước, khi tiền có thể dễ dàng chảy vào mọi thứ có chữ “dot-com” trong tên.
“Họ có thể kiếm tiền nhanh chóng trong mùa dịch, song điều đó không bền vững. Các nhà đầu tư đang tìm kiếm sự tăng trưởng lâu dài, và điều này sẽ không xuất hiện nếu như mọi người cứ tiếp tục làm việc tại nhà”, bà Kim Forrest chia sẻ.
Nhóm tỷ phú làm giàu nhờ đại dịch COVID-19 được so sánh với những người khác hưởng lợi nhờ các khoản đầu tư tài chính, gọi vốn, lãi suất chạm đáy sau đợt dịch,… chẳng hạn như Elon Musk của Tesla, Masayoshi Son của SoftBank, Sam Bankman-Fried của FTX,…
Làm giàu nhờ những lĩnh vực có liên quan tới lối sống trong mùa dịch
Trong số 58 tỷ phú làm giàu nhờ dịch COVID-19, có 26 người đến từ khu vực châu Á, 18 người đến từ Mỹ và Canada, và 10 người từ châu Âu. Chỉ có hai người là nữ, gồm Falguni Nayar, người sáng lập kỳ lân Nykaa của Ấn Độ và Denise Coates, đồng CEO và cổ đông lớn nhất của Bet365 Group Ltd. có trụ sở tại Vương quốc Anh.
Nhìn chung, 58 tỷ phú này làm giàu nhờ vào 7 lĩnh vực kinh doanh. Những thay đổi về lối sống trong thời kỳ đại dịch đóng một vai trò lớn tác động tới sự giàu có của những người này. Cụ thể, hơn một nửa trong số 58 tỷ phú này làm giàu nhờ vào những mảng kinh doanh liên quan tới hình thức làm việc từ xa hoặc mua sắm thương mại điện tử. Khoảng 1/3 còn lại có liên kết với các công ty trong thế giới dược phẩm và chăm sóc sức khỏe, sản xuất mọi thứ từ vắc xin đến máy thở.
Paige Ouimet, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Carolina, cho biết: “Không thể phủ nhận những đóng góp mà nhóm tỷ phú này đã làm được trong vài năm qua. Họ hoàn toàn nên được khen thưởng”.
Giá trị tài sản ròng trung bình của các tỷ phú làm giàu nhờ dịch COVID-19 vẫn tăng đáng kể so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng những khoản lợi nhuận khổng lồ đã sụp đổ. Sự tăng trưởng giá trị tài sản ròng đã chậm lại trong từng phân nhóm, dẫn đầu là thương mại điện tử. Khối tài sản ròng của những tỷ phú làm giàu nhờ ngành này đã giảm trung bình 58% so với mức đỉnh do sự quan tâm của nhà đầu tư đã nguội đi và người đân bắt đầu quay trở lại các trung tâm thương mại, cửa hàng truyền thống khi dịch bệnh dần được kiểm soát.
Bóng đen mới bao phủ tương lai của giới "tỷ phú COVID-19"
Sự biến động giá trị tài sản ròng của nhóm tỷ phú này đến vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang ở giai đoạn bất ổn. Nhiều yếu tố khác nhau đã khiến cuộc sống của người tiêu dùng bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, đã có thêm khoảng 97 triệu người sống với mức thu nhập dưới 1,90 USD/ngày vì đại dịch COVID-19.
Các gói viện trợ đại dịch đã mang tới một số nguồn cứu trợ, song chưa thể bù đắp được những gì đã mất. Năm nay, khi giai đoạn tồi tệ nhất của dịch COVID-19 dường như đã đi xa, lại có những đám mây đen mới bao phủ, chẳng hạn như áp lực từ lạm phát, tăng lãi suất, nguy cơ suy thoái rình rập,…
Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo rằng chi phí sinh hoạt tăng đồng nghĩa với việc các hộ gia đình có thu nhập thấp sẽ gặp khó trong mùa đông tới. Đại dịch COVID-19 cũng khiến nhiều năm nỗ lực thoát nghèo của các quốc gia nghèo hơn đối mặt với nguy cơ “đổ bể” và cản trở khả năng phát triển của những quốc gia đó, Ngân hàng Thế giới cho biết.
Khi triển vọng của nhiều gia đình trở nên ảm đạm, sự ủng hộ đằng sau các sáng kiến tăng thuế tài sản doanh nghiệp và cá nhân đang tăng lên. Năm ngoái, các nhà lãnh đạo tài chính từ Nhóm G7 đã ủng hộ việc áp mức thuế sàn toàn cầu đối với thu nhập doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, Tây Ban Nha đã áp dụng mức thuế mới đối với những người có tài sản ròng hơn 2,9 triệu USD, trong khi tổng thống Colombia mới đắc cử đã công bố mục tiêu tăng thuế đối với những người giàu nhất khoảng 200%.
Những động thái như vậy có thể không đủ mạnh để xóa nhòa ranh giới giàu nghèo, song ít nhất nó cũng cho thấy các cấp lãnh đạo đã bắt đầu chú ý đến việc này. “Chúng ta đã chứng kiến người giàu ngày càng giàu lên và người nghèo càng lúc càng nghèo đi trong mùa dịch. Tôi không nghĩ rằng tất cả mọi người đều chú ý tới điều này”, Max Lawson, người đứng đầu chính sách bất bình đẳng xã hội tại Oxfam International cho biết.