Bắc Kinh chống ổ dịch mới nhờ kinh nghiệm đau thương từ Vũ Hán
Sau khi xuất hiện ổ dịch tại chợ nông sản lớn nhất thành phố cuối tuần trước, Bắc Kinh đã tái thiết lập các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Theo South China Morning Post (SCMP), hiện Trung Quốc đã phát hiện 137 ca nhiễm có liên quan tới chợ Tân Phát Địa. Bắc Kinh cũng đã nâng mức cảnh báo COVID-19 từ cấp độ 3 lên cấp độ 2 vào tối 15/6, chỉ 5 ngày sau khi ca nhiễm mới đầu tiên được báo cáo.
Người dân sống trong khu vực "rủi ro cao hoặc trung bình" bị cấm rời khỏi Bắc Kinh. Những người khác muốn rời khỏi thành phố phải có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 7 ngày đổ lại trước khi khởi hành.
Trên khắp Bắc Kinh, mọi người phải kiểm tra thân nhiệt, hiển thị mã QR trên điện thoại để chứng minh bản thân không bị bệnh và cung cấp thẻ ra vào trước khi được phép đi vào khu dân cư.
Những biện pháp này được thông báo vào tối 15/6 bởi bà Chen Bei, phó bí thư Thành ủy Bắc Kinh.
Bắc Kinh khác với Vũ Hán
Tình hình ở Bắc Kinh hiện nay rất khác so với Vũ Hán, nơi trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên xuất hiện.
Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng biện pháp phong tỏa hà khắc lên Vũ Hán suốt từ ngày 23/1 đến ngày 4/4: hạn chế di chuyển, đóng cửa đường cao tốc và người dân không được phép rời khỏi khu dân cư. Hàng hóa thiết yếu được vận chuyển bởi các nhân viên cộng đồng và tình nguyện viên.
Kể cả sau khi lệnh phong tỏa được gỡ bỏ, cư dân tại một số khu vực vẫn phải trình mã y tế trên điện thoại và đo thân nhiệt trước khi vào khu dân cư.
Ông Liang Qidong, Phó Chủ tịch Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh nói rằng đợt bùng phát mới ở Bắc Kinh thuộc diện có thể kiểm soát được nên chính phủ không cần áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như Vũ Hán.
Ông Liang nói: "Bắc Kinh đã tích lũy kinh nghiệm từ Vũ Hán nên đã có các biện pháp đề phòng cụ thể hơn".
Ông Yang Zhanqiu, Phó Giám đốc khoa sinh học mầm bệnh tại Đại học Vũ Hán nói với tờ Thời báo Toàn cầu rằng kinh nghiệm từ Vũ Hán khiến cho phần lớn mọi người đều tin tưởng rằng đợt bùng phát mới có thể được kiểm soát.
Giáo sư Xie Maosong của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc cho biết hai trong số bài học Trung Quốc rút ra từ quá khứ là truy dấu người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 và hệ thống "quản lí mạng lưới". Quản lí mạng lưới có nghĩa là giao người giám sát từng khu vực nhỏ trong cộng đồng.
Cả hai biện pháp này đều đã giúp Bắc Kinh nhanh chóng xác định được người nhiễm bệnh và hạn chế sự lây lan của virus.
Ông Xie cho biết ngay trong khi ca nhiễm mới đầu tiên được báo cáo, một số cộng đồng tại quận Hải Điến đã yêu cầu những ai từng đến chợ Tân Phát Địa báo cáo với chính quyền.
Ông Xie nói: "Bắc Kinh đã phản ứng nhanh nhẹn và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm chính xác".
Chính quyền Bắc Kinh cũng tiến hành xét nghiệm COVID-19 hàng loạt. Phát ngôn viên của Ủy ban Y tế Bắc Kinh cho biết hơn 76.000 người ở các khu vực bị ảnh hưởng đã được xét nghiệm vào ngày 14/6, với 59 kết quả dương tính.
Hôm 17/6, ông Zhang Qiang, quan chức trong bộ phận trực thuộc Thành ủy Bắc Kinh cho biết kể từ ngày 13/6, hơn 365.000 người ở Bắc Kinh đã được xét nghiệm COVID-19.
Ông Robin Xing, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Morgan Stanley khu vực châu Á cho biết: "Chúng tôi nghĩ làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ dễ kiểm soát hơn làn sóng thứ nhất. Năng lực xét nghiệm được cải thiện, truy dấu tiếp xúc và giám sát tích cực hơn trước nhiều khả năng sẽ giúp Bắc Kinh tránh được phong tỏa trên qui mô lớn mà chỉ cần tiến hành phong tỏa chọn lọc".
Giáo sư Xie cũng nói rằng Bắc Kinh đã tiến hành xét nghiệm nhanh chóng và rộng rãi, "khác với Vũ Hán, nơi mà virus đã có thời kì ủ bệnh và lây lan" trước khi bị phát hiện.
Phải mất đến 22-23 ngày sau khi trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được báo cáo, tỉnh Hồ Bắc mới nâng cấp độ cảnh báo dịch lên mức như Bắc Kinh hiện nay. Ngoài ra còn có tình trạng thiếu hụt các cuộc xét nghiệm trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát.
Nhưng Phó Chủ tịch Liang của Viện Khoa học Xã hội Liêu Ninh cho biết hiện có những lo ngại về nguồn cung thực phẩm tại Bắc Kinh do chợ Tân Phát Địa bị đóng cửa. Tân Phát Địa là chợ bán buôn thực phẩm lớn nhất ở đông bắc Trung Quốc.
Ông Liang nói: "Các tỉnh lân cận đã bắt đầu chuyển rau củ tới Bắc Kinh. Điều này có thể gây tác động tới giá thực phẩm trong những ngày tới".