Chuyên gia y tế lo cuộc vận động tranh cử của ông Trump biến thành 'sự kiện siêu lây nhiễm'
Các cuộc biểu tình nổ ra sau cái chết của người đàn ông da đen George Floyd chưa làm thổi bùng lên làn sóng COVID-19 mới như lo sợ ban đầu. Các quan chức y tế chưa kịp thở phào nhẹ nhõm thì đã phải căng thẳng chờ đợi điều gì sẽ xảy ra khi ông Trump tái khởi động chiến dịch tranh cử.
Theo kế hoạch, sự kiện tranh cử của ông Trump sẽ được tổ chức tại Trung tâm BOK tại thành phố Tulsa, bang Oklahoma vào ngày 20/6. Đây sẽ là sự kiện trong nhà lớn đầu tiên tại Mỹ kể từ khi nước này phải phong tỏa để hạn chế sự lây lan của đại dịch từ giữa tháng 3.
Do vậy, sự kiện tranh cử của ông Trump có thể được xem như là phép thử để đánh giá việc tổ chức lại các trận thi đấu thể thao và buổi biểu diễn ca nhạc lớn. Vấn đề còn trở nên nghiêm trọng hơn do số ca nhiễm COVID-19 tại thành phố Tulsa và toàn bang Oklahoma đã tăng vọt kể từ đầu tháng 6.
Bloomberg dẫn lời ông Eric Topol, Giám đốc một viện nghiên cứu y khoa tại California: "Nếu nó không biến thành một sự kiện siêu truyền nhiễm thì mới là điều ngạc nhiên đáng ngạc nhiên đấy. Mọi người ngồi sát cạnh nhau và hò hét" liên tục trong một không gian chật hẹp.
Trung tâm BOK ở Tulsa có sức chứa lên đến 19.000 người. Ông Trump đã thể hiện ý định lấp đầy tất cả mọi chỗ trống, bất chấp lời các quan chức y tế thành phố kêu gọi ông hãy đi mà tổ chức sự kiện ở nơi khác.
"Đám đông kỉ lục"
Ông Trump tuyên bố hôm 15/6: "Chúng tôi kì vọng sẽ có một đám đông kỉ lục. Chúng tôi chưa từng có một ghế trống nào, và chắc chắn điều đó sẽ không xảy ra ở Oklahoma".
Bản thân ông Trump sẽ là người có ít nguy cơ bị nhiễm COVID-19 nhất. Trong các cuộc vận động tranh cử khác, ông Trump thường tránh tiếp xúc với đám đông trực tiếp mà chỉ đứng trên sân khấu, nói chuyện và rời đi. Ông Trump sẽ duy trì khoảng cách an toàn trước những người ủng hộ.
Rủi ro đối với những người tham dự cuộc vận động cao hơn nhiều. Họ phải đồng ý miễn mọi trách nhiệm cho đội ngũ tranh cử của ông Trump và đo thân nhiệt trước khi tiến vào trung tâm BOK. Họ được phát khẩu trang nhưng không bắt buộc phải đeo.
Giám đốc Topol nói: "Việc đo thân nhiệt trước khi bước vào chẳng có giá trị gì cả. Hoàn toàn không. Còn việc đeo khẩu trang tùy ý – kể cả nếu tất cả mọi người đều đeo khẩu trang thì vẫn có khả năng virus phát tán trong môi trường đó. Đây là viễn cảnh xấu nhất. Một thảm họa chỉ chực chờ phát nổ".
Giáo sư Joshua Weitz tại Viện công nghệ Georgia cho biết theo dữ liệu thống kê thì kể cả có sàng lọc, gần như chắc chắn rằng sẽ có ít nhất một người dương tính với COVID-19 nhưng vẫn vượt qua phép thử đo thân nhiệt.
Theo tính toán của Giáo sư Weitz, xác suất có người mắc COVID-19 tham gia sự kiện tranh cử tại Tulsa là hơn 99%. "Tôi đoán rằng sẽ có hàng chục người nhiễm COVID-19 có mặt tại đó".
Bà Leana Wen, Giáo sư tại Đại học George Washington cũng đồng tình: "Có thể có hàng chục người mang mầm bệnh nhưng không biết bản thân đã mắc COVID-19. Đồng nghĩa với với gần như chắc chắn rằng sẽ có người bị nhiễm bệnh do tham sự cuộc vận động của ông Trump".
Hò hét và hô vang
Cuộc vận động tranh cử của ông Trump có rủi ro cao lây nhiễm cao vì sẽ có rất nhiều người ở cạnh nhau, và đám đông phấn khích nhiều khả năng sẽ hò hét và hô vang khẩu hiệu. Theo ông Amesh Adalja, một học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkin thì sự kiện này có rủi ro lây nhiễm cao.
"Sự lây truyền có nhiều khả năng xảy ra trong môi trường ở trong nhà", do những nơi này thông gió kém, khó duy trì giãn cách xã hội và không có ánh sáng tia cực tím để giúp tiêu diệt virus.
Hơn nữa, những người tham dự cuộc vận động tại Tulsa sẽ không bị bắt phải đeo khẩu trang.
Chính bản thân ông Trump đã nhiều lần xuất hiện trước công chúng mà không đeo khẩu trang và thậm chí còn chế giễu đối thủ Joe Biden vì đã tuân theo chính sách giữ an toàn này. Nhiều người ủng hộ của ông Trump cũng sẽ "học tập" theo ông.
Đối với một sự kiện lớn như vận động tranh cử, việc theo dõi và phát hiện ai trong số họ từng có tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 là bất khả thi. Điều này khiến các quan chức y tế lo lắng, do họ biết virus có thể lan truyền rất nhanh trong một khu vực hoặc cộng đồng.
Ông Trump đã nói về việc tổ chức các cuộc vận động khác ở Florida, Texas, Arizona và North Carolina. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu đều gần như nhất trí khi lên tiếng về mức độ nguy hiểm của sự kiện vận động tại Tulsa.
Giáo sư Wen tại Đại học George Washington nói: "Những sự kiện lớn kiểu này không nên được tổ chức giữa lúc đại dịch đang hoành hành. Nó cực kì nguy hiểm".