|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tổng thống Trump dương tính với COVID-19, điều gì sẽ xảy ra với nước Mỹ?

15:41 | 02/10/2020
Chia sẻ
Trong lịch sử Mỹ từng có tiền lệ chuyển giao quyền lực tạm thời cho phó tổng thống khi tổng thống Mỹ không thể điều hành đất nước, tuy nhiên Mỹ cũng có khả năng rơi vào khủng hoảng thể chế.

Thông qua Twitter đêm ngày 1/10, Tổng thống Trump thông báo: "Tối nay, vợ tôi và tôi đã được xét nghiệm dương tính với COVID-19. Chúng tôi sẽ bắt đầu quá trình cách li và hồi phục ngay lập tức. Chúng tôi sẽ vượt qua khó khăn này cùng nhau!"

Chỉ vài giờ trước, bà Hope Hicks - nữ cố vấn 32 tuổi của ông Trump, cũng được xác định dương tính với COVID-19.

Trước đó, một số cố vấn Nhà Trắng khác từng nhiễm virus SARS-CoV-2 có bà Katie Miller - trợ lí báo chí của Phó Tổng thống Mike Pence, ông Robert O'Brien - cố vấn an ninh quốc gia,...

Tổng thống Trump dương tính với COVID-19, điều gì sẽ xảy ra với nước Mỹ? - Ảnh 1.

Nhân viên đưa cho Tổng thống Trump một chiếc khẩu trang khi ông đi tham quan nhà máy sản xuất khẩu trang Honeywell ở thành phố Phoenix, bang Arizona hồi tháng 5 năm nay. (Ảnh: Getty Images)

Kịch bản xấu

Từ lâu, thông tin các cố vấn thân cận của ông Trump và "phó tướng" Mike Pence dương tính với COVID-19 đã khiến Nhà Trắng lo sợ. Sự việc làm dấy lên một khả năng đáng lo ngại: Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump hay ông Pence, hoặc cả hai nhà lãnh đạo đất nước cùng nhiễm virus?

Hoạt động của chính phủ Mỹ có thể gián đoạn một thời gian hoặc có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng thể chế khi các bên liên quan tìm người thay thế chỗ trống của ông Trump hay ông Pence.

Trường hợp tương tự từng xảy ra tại Anh, khi Thủ tướng Boris Johnson xác nhận dương tính với COVID-19 vào cuối tháng 3 và London phải lập kế hoạch dự phòng để duy trì hoạt động của chính phủ, đặc biệt là khi Anh còn đang lao đao vì đại dịch. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Dominic Raab được chọn làm người thay thế ông Johnson.

Ngoài ra, cuộc chạy đua vào Nhà Trắng giữa Tổng thống Trump và đối thủ Joe Biden đang đi đến giai đoạn nước rút, chỉ còn khoảng một tháng nữa là đến ngày cử tri toàn quốc đi bỏ phiếu.

Ông Trump nhiều khả năng không thể tham gia hai cuộc tranh luận tổng thống còn lại cũng như khó có mặt tại các sự kiện tranh cử. Theo đó, người dân Mỹ chưa chắc có một tổng thống mới sau ngày 3/11.

Bloomberg dẫn lời các cố vấn Nhà Trắng cùng một số chuyên gia bên ngoài nhận định, mức độ bất ổn kinh tế và địa chính trị sẽ phụ thuộc nhiều vào diễn biến bệnh của ông Trump, đặc biệt là liệu bản thân ông Trump có mất khả năng lãnh đạo hay không.

Ông David Axelrod - cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama, cho hay: "Chính phủ Mỹ có một qui trình mẫu cho mọi tình huống".

"Chúng tôi thường xuyên tập dượt cho khả năng khủng bố hoặc tấn công hạt nhân, tuy nhiên thành thật mà nói thì tôi chưa bao giờ lường trước được tình huống Nhà Trắng phải đối mặt với một đại dịch như hiện nay", ông Axelrod lí giải.

Phản ứng của thị trường khi ông Trump nhiễm COVID-19

Từ tháng 5 năm nay, ông Ian Bremmer - Chủ tịch công ty tư vấn Eurasia Group, đã nhận định thị trường tài chính chắc chắn sẽ đi xuống nếu có tin ông Tổng thống Trump nhiễm bệnh. 

Trên thực tế, hợp đồng tương lai của các chỉ số chứng khoán Mỹ đều đồng loạt lao dốc sau tin ông Trump xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2 đêm 1/10.

Theo CNBC, hợp đồng tương lai chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones có lúc lao dốc 555 điểm, tức khoảng 1,8%. Hợp đồng tương lai chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 cũng chìm trong sắc đỏ khoảng 2%.

Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kì hạn 10 năm giảm xuống còn 0,6578%. Lợi suất giảm đồng nghĩa với giá tăng và cho thấy nhà đầu tư đang dồn tiền vào các tài sản an toàn như trái phiếu kì hạn dài thay vì cổ phiếu.

Tuy nhiên, ông Bremmer hi vọng nhà đầu tư sẽ rút ra bài học tích cực từ trường hợp Thủ tướng Anh. Dù ông Johnson từng chỉ định Ngoại trưởng Raab giải quyết một số nhiệm vụ nhất định khi ông vào phòng chăm sóc đặc biệt, tuy nhiên ông Johnson chưa bao giờ chính thức chuyển giao quyền lực và sau đó phục hồi để trở về lãnh đạo đất nước.

Ông Bremmer lập luận thêm: "Khi ông Trump tự cách li và tiếp nhận điều trị nhưng vẫn nắm quyền điều hành chính phủ và tích cực đăng tweet nhiều như bình thường thì tôi nghĩ tác động đến thị trường tài chính sẽ rất nhỏ".

Hiến pháp Mỹ qui định gì?

Ngay cả khi ông Trump quá yếu và không thể đăng tweet sôi nổi như trước thì chính phủ Mỹ vẫn có một qui trình mà các tổng thống tiền nhiệm từng áp dụng để tạm thời chuyển giao quyền lực.

Tu chính án 25 của Hiến pháp Mỹ cho phép ông Trump trao quyền kiểm soát cho Phó Tổng thống và sau đó tiếp quản lại chính phủ khi ông tuyên bố mình đã đủ sức. Tổng thống George W. Bush (Bush con) áp dụng phương thức này hai lần trong nhiệm kì khi tiếp nhận điều trị y tế, trong khi Tổng thống Ronald Reagan sử dụng một lần khi phẫu thuật ruột kết.

Nếu bệnh tình của ông Trump trở nặng hoặc ông phải tiêm thuốc an thần để đặt nội khí quản, Tu chính án 25 cũng cho phép Phó Tổng thống Pence và nội các thực hiện chuyển giao quyền lực tổng thống.

Trong trường hợp cả ông Trump lẫn Phó Tổng thống Pence đều không thể nắm quyền, ông Ilya Somin - giáo sư luật tại Đại học George Mason, lập luận: "Rõ ràng, Washington sẽ công bố thứ tự kế vị tổng thống. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi là ứng viên nhiều khả năng thay thế ông Trump nhất".

Tuy nhiên, các chuyên gia hiến pháp cảnh báo về nguy cơ xảy ra hỗn loạn nếu cả ông Trump lẫn ông Pence đều mất khả năng điều hành do nhiễm COVID-19, vì Hiến pháp Mỹ không qui định rõ ràng về hướng giải quyết trong kịch bản này.

Ông Brian Kalt - giáo sư luật tại Đại học bang Michigan, bình luận: "Trường hợp đó thực sự rất tồi tệ, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng thể chế toàn diện".

"Chính phủ Mỹ sẽ ngay lập tức lôi nhau ra tòa và quyết định nhanh chóng các bước cần làm vì việc không biết ai là tổng thống, dù chỉ trong vài giờ có thể là tin tức cực kì nguy hiểm cho đất nước", ông Kalt lí giải.

Nếu cả Tổng thống Trump và "phó tướng" Pence đều không thể thực hiện nhiệm vụ của mình, cả hai không thể viện dẫn Tu chính án thứ 25.

Ông Kalt cảnh báo, vấn đề là Hiến pháp Mỹ không đưa ra qui trình để xác định một tổng thống "mất khả năng điều hành" là như thế nào. Do đó, có khả năng xảy ra tranh chấp khi bà Pelosi tuyên bố mình là quyền tổng thống, dù ông Trump và ông Pence (cùng luật sư của hai ông) khẳng định họ có đủ khả năng điều hành chính phủ.

Trong khi giới chuyên gia đưa ra cảnh báo, Nhà Trắng từng cho biết không có lí do gì để lo ngại. Hồi tháng 5, một phát ngôn viên Nhà Trắng cho biết chính phủ liên bang luôn có kế hoạch để duy trì hoạt động liên tục, tuy nhiên người này từ chối nêu rõ kế hoạch dự phòng.

Yên Khê