Ông Trump nhiễm COVID-19: Nếu tổng thống Mỹ không thể điều hành đất nước, ai sẽ làm thay?
Nước Mỹ từ lâu đã xây dựng các kịch bản ứng phó với những biến cố khủng khiếp nhất, từ núi lửa phun trào, động đất cực mạnh, tấn công hạt nhân, dịch bệnh hoành hành, ...
Một phần quan trọng của kế hoạch này là dù trong trường hợp nào cũng phải chọn ra được người đứng đầu để điều hành nhà nước và các cơ quan chính phủ.
Trao đổi với Bloomberg, ông David Axelrod - cựu cố vấn Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Barack Obama nói: "Chính phủ Mỹ có qui trình cho mọi tình huống. Chúng tôi thường xuyên tập các kịch bản khủng bố hoặc tấn công hạt nhân".
Ngày thường, Tổng thống Mỹ đương nhiên là người nắm quyền lực điều hành chính. Nếu Tổng thống vì bất cứ lí do gì mà không thể lãnh đạo được đất nước, quyền lực sẽ được trao lại lần lượt cho những người trong danh sách "Thứ tự kế vị Tổng thống Mỹ". Theo Hiến pháp Mỹ, danh sách này bao gồm:
STT | Thứ tự kế vị Tổng thống Mỹ | Người giữ chức vụ hiện nay |
1 | Phó Tổng thống (đồng thời là Chủ tịch Thượng viện) | Mike Pence |
2 | Chủ tịch Hạ viện | Nancy Pelosi |
3 | Chủ tịch Thượng viện Tạm quyền | Chuck Grassley |
4 | Bộ trưởng Ngoại giao | Mike Pompeo |
5 | Bộ trưởng Tài chính | Steven Mnuchin |
6 | Bộ trưởng Quốc phòng | Mark Esper |
7 | Bộ trưởng Tư pháp | William P. Barr |
8 | Bộ trưởng Nội vụ | David Bernhardt |
9 | Bộ trưởng Nông nghiệp | Sonny Perdue |
10 | Bộ trưởng Thương mại | Wilbur Ross |
11 | Bộ trưởng Lao động | Eugene Scalia |
12 | Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ | Alex Azar |
13 | Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển đô thị | Ben Carson |
14 | Bộ trưởng Giao thông | Elaine Chao |
15 | Bộ trưởng Năng lượng | Dan Brouillette |
16 | Bộ trưởng Giáo dục | Betsy DeVos |
17 | Bộ trưởng Cựu chiến binh | Robert Wilkie |
18 | Bộ trưởng An ninh Nội địa | Chad Wolf |
Như vậy, nếu ông Trump bệnh nặng tới mức không thể điều hành đất nước, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ tạm nắm quyền cho đến khi ông Trump hồi phục hoặc cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo.
Đây là kịch bản đã lặp lại nhiều lần trong lịch sử. Chẳng hạn, sau khi Tổng thống Franklin D. Roosevelt qua đời vì tuổi cao sức yếu năm 1945, cấp phó của ông là Harry S. Truman đã lên thay. Tới cuộc bầu cử tổng thống năm 1948, ông Truman ra tranh cử, giành chiến thắng và tiếp tục làm tổng thống tới năm 1953.
Sau khi Tổng thống John F. Kennedy bị ám sát năm 1963, cấp phó của ông là Lyndon B. Johnson lên thay. Tới cuộc bầu cử tổng thống năm 1964, ông Johnson ra tranh cử, giành chiến thắng và tiếp tục làm tổng thống tới năm 1969.
Trong lịch sử nước Mỹ còn có ba tổng thống khác từng bị ám sát khi đang tại nhiệm là Abraham Lincoln (năm 1865), James Abram Garfield (1881) và William McKinley (1901).
Tổng thống George W. Bush (Bush con) từng hai lần tạm nhường quyền điều hành lại cho Phó Tổng thống Dick Cheney khi ông cần điều trị y tế. Tổng thống Ronald Reagan cũng có một lần nhường quyền điều hành cho cấp phó khi ông phẫu thuật ruột kết.
Nếu cả tổng thống lẫn phó tổng thống đều mất khả năng lãnh đạo đất nước, Chủ tịch Hạ viện sẽ nắm quyền điều hành. Kịch bản này từng xuất hiện trong bộ phim Hollywood năm 2013 là Olympus Has Fallen (tạm dịch: Nhà Trắng Thất Thủ).
Nếu Chủ tịch Hạ viện cũng không thể điều hành, quyền lực sẽ được giao lại lần lượt cho những cái tên tiếp sau trong danh sách. Một ngoại lệ là vị trí số 14. Bộ trưởng Giao thông hiện nay - bà Elaine Chao là người gốc Đài Loan (Trung Quốc), tức là khi sinh ra bà không phải là công dân Mỹ nên theo Hiến pháp, bà không được phép làm tổng thống hay phó tổng thống Mỹ.
18 người trong danh sách kế vị tổng thống nêu trên không được phép ở cùng một địa điểm. Chẳng hạn, khi tổng thống Mỹ đọc bài Thông điệp Liên bang hàng năm, một người trong danh sách kế vị sẽ không được tham dự trực tiếp sự kiện mà phải ngồi trong hầm trú ẩn. Nếu xảy ra trường hợp bất trắc khiến cho tổng thống và những người kế vị khác không thể điều hành, người ở trong hầm trú ẩn kia sẽ có thể lãnh đạo nước Mỹ.