Những câu nói ấn tượng của các 'cá mập' trong Shark Tank mùa 3 tập 11
Tập 11 Shark Tank mùa 3 chào đón sự trở lại của doanh nhân Thái Vân Linh sau một thời gian vắng bóng.
Ngay câu đầu tiên sau khi người mẫu Phi Thanh Vân trình bày về công ty AZLOVE với Lớp học hạnh phúc nhằm giúp phụ nữ tìm được hạnh phúc trong hôn nhân , Shark Linh liền chất vấn về ý tưởng kinh doanh của cô.
"Tại sao em nói là chỉ có trách nhiệm của phụ nữ để tạo ra hạnh phúc trong gia đình. Tại sao không có trách nhiệm của người chồng để làm người vợ hạnh phúc?", Giám đốc Vingroup Ventures thắc mắc.
Cũng trong phần thuyết trình của mình, Phi Thanh Vân và người đồng sự Kiều Ngoan khẳng định nền tảng AZLOVE có sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để phân tích khách hàng, qua đó lựa chọn phương pháp tốt nhất để cung cấp giáo án cho người học. Tuy nhiên, ý kiến này lập tức vấp phải sự phản đối của ông Nguyễn Mạnh Dũng.
"Trí tuệ nhân tạo cần có người dạy thì AI mới hiểu, mới thông minh dần lên. Câu hỏi là thông tin dữ liệu ở đâu, ai dậy AI để nó có thể nghe câu hỏi để biết người ta có nhu cầu gì?", Giám đốc CyberAgent tại Việt Nam và Thái Lan băn khoăn.
"Chúng ta là con người mà. Chúng ta có trí tuệ, tại sao phải gắn trí tuệ nhân tạo?", Shark Phạm Thành Hưng chất vấn các nhà sáng lập của AZLOVE đang sử dụng công nghệ vào mô hình kinh doanh.
Tiếp sau lớp học hạnh phúc của AZLOVE là phần thuyết trình của nhà khoa học Lại Bá Ất. Tới với Shark Tank, ông muốn các "cá mập" đầu tư vào sản phẩm turbin gió của mình. Theo ông, các turbin hiện nay vẫn chưa tối đa hóa hiệu suất sản xuất điện từ gió.
Tuy nhiên, số tiền mà nhà khoa học Bá Ất kêu gọi lên tới 6 triệu USD, lại dùng vào việc sản xuất 1 chiếc turbin để chứng minh cho cả thế giới thấy khiến các nhà đầu tư phải e dè.
"Chứng minh mình đúng thì tức là mình đã sai rồi", Shark Nguyễn Thanh Việt khẳng định. Đồng thời Chủ tịch Intracom cũng cho rằng mỗi nhà máy sản xuất turbin thủy điện cũng có công thức tính khác nhau. Do đó ông khẳng định những gì mà nhà khoa học Bá Ất nghiên cứu mới chỉ dừng ở mức lí thuyết.
"Những phát minh trên thế giới này, 80% do những người điên đưa lại. Bởi vì anh chỉ có điên mới làm được những việc người khác không làm được", Shark Việt tiếp tục góp ý cho nhà phát minh turbin gió.
Trong khi đó, ông Phạm Thành Hưng dù tỏ ra tương đối hiểu biết về sản phẩm so với các "cá mập" khác, nhưng vẫn quyết định từ chối đầu tư khi tua bin gió của ông Lại Bá Ất vẫn chưa thể áp dụng ra thực tiễn.
"Anh đến đây là quá sớm. Shark Tank là một chương trình mà chúng tôi mong đợi những sản phẩm đã hình thành, đã có thị trường, đang trên đà tăng trưởng.
Startup có nghĩa là chúng tôi đầu tư vào để có thể cất cánh, mở rộng qui mô, toàn cầu hóa. Chúng tôi không phải là nơi đầu tư vào ý tưởng", Phó chủ tịch CENGROUP khẳng định.
Kết thúc Shark Tank mùa 3 tập 11 là startup của bộ đôi Hữu Đức - Andy Tôn Thất. Hai nhà đồng sáng lập mang đến công ty sản xuất máy ép kính điện thoại R2Y.
Bên cạnh sản xuất máy ép kính, R2Y còn đang trên đà xây dựng nền tảng ứng dụng di động, qua đó có thể tiếp cận khách hàng dễ dàng hơn. Ngoài ra, hai nhà đồng sáng lập còn trực tiếp đào tạo học viên, qua đó bổ sung vào đội ngũ kĩ thuật viên của công ty.
Thắc mắc về mô hình kinh doanh, ông Nguyễn Mạnh Dũng phân tích về mô hình truyền thống so với việc số hóa dịch vụ kinh doanh qua ứng dụng di động.
"Để có một đơn hàng truyền thống, dễ hơn rất nhiều so với đơn hàng trực tuyến. Tỉ lệ mua hàng trên mạng rất thấp. Khi người ta tìm ra cửa hàng của anh, 9 trên 10 người đến sẽ sửa điện thoại.
Tuy nhiên khi người ta biết đến ứng dụng của anh, 1 trong số 10 người mua hàng của anh đã là hạnh phúc", shark Dũng cho rằng R2Y chưa cần tung ra ứng dụng ở thời điểm hiện tại.
Ông Phạm Thành Hưng cũng không đầu tư vào R2Y. Theo ông, mức lợi nhuận dự kiến của các nhà sáng lập quá cao và ông muốn để cơ hội đó lại cho họ.
"Dự kiến lợi nhuận năm 2020 là 900 tỉ đồng. Lợi nhuận như vậy là quá cao và dựa trên toàn bộ lịch sử đầu tư và kinh doanh, các bạn đã tạo ra mô hình kinh doanh quá tuyệt vời và không nên đánh mất cơ hội chia sẻ cho các shark. Tôi nhường lại các bạn", shark Hưng phân tích.
Trong khi đó, bà Đỗ Liên lại nhận thấy R2Y là một doanh nghiệp có khả năng lan tỏa và tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Do đó, bà sẽ chấp nhận đầu tư 15 tỉ đồng, nhưng để lấy 49% chứ không phải 8% như mong muốn ban đầu của hai nhà sáng lập.
"Tôi sẵn sàng ba năm đầu không nhận lợi nhuận để quay trở lại tái đầu tư cho các bạn", shark Đỗ Liên thể hiện sự cam kết với R2Y.