|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn, startup sản xuất máy ép kính điện thoại nhận 15 tỉ đồng

09:12 | 03/10/2019
Chia sẻ
Mức định giá quá cao của công ty sản xuất máy ép kính điện thoại khiến 4 "cá mập" trong chương trình Shark Tank Việt Nam tối 2/10 lắc đầu, nhưng họ gặp may với nhà đầu tư cuối cùng.

Không có điều kiện hoàn thành hết chương trình phổ thông tại Việt Nam do phải đi "ở đợ" từ năm 14 tuổi, anh Nguyễn Hữu Đức vẫn quyết tâm theo con đường kinh doanh. 

Đến với Shark Tank mùa 3 cùng với đồng sự Andy Tôn Thất, anh Đức kêu gọi 15 tỉ đồng để đổi lấy 8% cổ phần của startup R2Y.

R2Y là nhà sản xuất và cung cấp máy ép kính màn hình điện thoại trên toàn quốc. Ngoài ra, R2Y cũng đang lên kế hoạch ra mắt một ứng dụng di động cho người dùng. Ứng dụng của R2Y sẽ cho phép kết nối người có nhu cầu sửa chữa điện thoại với kĩ thuật viên do công ty đào tạo.

Các kĩ thuật viên của R2Y được chính anh Đức đào tạo, và có cam kết đảm bảo đủ chất lượng chuyên môn. Theo nhà sáng lập, một người chưa biết về điện thoại chỉ cần 1 tuần để sửa chữa những lỗi cơ bản. Sau đó kĩ thuật viên có thể tự đứng ra kinh doanh hoặc làm ở nơi khác.

Cũng theo anh Đức, công việc sửa chữa điện thoại hoàn toàn có thể phù hợp với cả những người khuyết tật. Do đó, năm 2014, anh đã đến các trường khuyết tật tại TP HCM và nhận đào tạo, đồng thời tạo ra công ăn việc làm ổn định cho những người thiếu may mắn.

"Với nghề của tôi, chỉ hai cái mắt và hai cái tay là đủ, hai cái chân không liên quan. Tôi vẫn nhận họ làm việc, với nguyện vọng giúp họ có công việc, tự làm chủ bản thân", nhà sáng lập R2Y nhấn mạnh.

71685787_2438232713163681_6713604177995497472_o

Một chiếc máy ép kính do R2Y sản xuất có giá dao động 10-30 triệu đồng. Ảnh: VTV

Chi phí đào tạo của R2Y là 20 triệu/khóa. Công ty sẽ hỗ trợ những trường hợp khó khăn thông qua các công ty tài chính.

Nguồn thu nhập của R2Y đến từ 4 nguồn chính: Bán dụng cụ sửa chữa (máy ép kính), đào tạo dạy nghề, cung cấp linh kiện hành nghề và thu phí vận hành 20% trên khoản tiền mà kĩ thuật viên kiếm lời từ khách.

Giá một máy ép kính do công ty sản xuất (đã đằng kí bản quyền) là 10-30 triệu đồng. Hiện tại R2Y đã bán 150-200 máy. Yếu tố khiến anh Đức băn khoăn chính là nguồn nguyên liệu vì công ty phải nhập từ Trung Quốc.

Công ty có lợi nhuận gần 2 tỉ đồng trong quí I năm nay từ cung cấp máy ép kính. Trong khoảng thời gian từ đầu quí 2 tới thời điểm ghi hình, R2Y đang trong quá trình chạy đà và chuẩn bị cho việc tung ra thị trường ứng dụng di động để kết nối với khách hàng.

Với số vốn 15 tỉ đồng, Đức nói anh sẽ dùng 8 tỉ  đồngvào hoạt động marketing, 2 tỉ đồng vào đào tạo và 5 tỉ đồng để sản xuất máy móc dự trữ.

Đầu tư 8 tỉ đồng vào marketing, anh Đức sẽ chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang việc tìm khách hàng trực tuyến. 

Mặc dù vậy, việc vốn thực góp chỉ là 6 tỉ, đồng thời sẽ gom tất cả những hoạt động tạo ra nguồn doanh thu thành một công ty mới với vốn điều lệ 10 tỉ đồng, rồi định giá gần 170 tỉ đồng của R2Y khiến các "cá mập" băn khoăn.

71290389_2438232603163692_2799331435809341440_o

Anh Hữu Đức (phải) và Andy Tôn Thất (trái) ban đầu đưa ra mức định giá công ty tới 170 tỉ. Ảnh: VTV

Andy Tôn Thất giải thích rằng công ty mới sẽ bao gồm tất cả những tài sản từ hoạt động kinh doanh cũ, bao gồm bằng sáng chế máy ép kính. Bên cạnh đó, Andy Tôn Thất cũng khẳng định số tiền 15 tỉ của các nhà đầu tư có thể biến thành 30 tỉ vào cuối năm 2019.

Căn cứ mà Andy đưa ra là mức dự kiến tổng lợi nhuận công ty sẽ đạt mức 100 tỉ vào cuối năm 2019, trong đó 20% lợi nhuận đến từ bán máy và 80% đến từ doanh thu qua ứng dụng.

Kế hoạch ấy có nghĩa là với mức giá trung bình 15 triệu/máy, R2Y sẽ cần bán 1.400 máy và thu về từ khách hàng 400 tỉ (tương đương với khoảng 1.500 đơn hàng/ngày) qua ứng dụng để hoàn thành mục tiêu. Đây là một con số khổng lồ và khiến cho ông Nguyễn Mạnh Dũng cảm thấy phi lí.

"Một đơn hàng truyền thống phát sinh dễ hơn nhiều so với một đơn hàng trực tuyến. Tỉ lệ mua hàng trực tuyến rất thấp. Khi người ta biết đến cửa hàng của anh, có thể 9/10 người sẽ sửa điện thoại. Nhưng khi người ta dùng ứng dụng, 10 người đến mà chỉ 1 người mua hàng đã là hạnh phúc", Shark Dũng phân tích.

Đồng ý rằng đây là một mô hình kinh doanh tốt, nhưng với mức định giá công ty quá cao của các nhà sáng lập, ông Phạm Thành Hưng quyết định là người đầu tiên rút lui.

Trong khi đó, nhận thấy con đường để xây dựng mô hình kinh doanh của R2Y tăng trưởng như mức kì vọng là tương đối khó khăn, lần lượt ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Thái Vân Linh và ông Nguyễn Thanh Việt cũng quyết định không đầu tư.

Lúc này, trên "bể cá" chỉ còn duy nhất Shark Liên, nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm LIAN. Đây cũng là "cá mập" phù hợp nhất với R2Y vì bà có thể cung cấp tập khách hàng lớn cho startup.

72666034_2438232643163688_7735513756846784512_o

Shark Liên quyết định đầu tư 15 tỉ đồng để lấy 49% cổ phần R2Y. Ảnh: VTV

"Lúc đầu tôi không chú ý lĩnh vực này. Nhưng tôi có một công ty bảo hiểm cung cấp sản phẩm bảo hiểm về điện thoại di động. Khách hàng của tôi cần tìm nơi sửa chữa khi điện thoại hỏng. Nếu các bạn đáp ứng được thì tôi có thể cung cấp cho công ty một lượng khách hàng lớn", Shark Liên khẳng định.

Bà Đỗ Liên cũng muốn có sự thay đổi trong lời đề nghị đầu tư. Con số mà nữ "cá mập" đưa ra là 15 tỉ cho 50% cổ phần.

50% cổ phần của R2Y là một con số quá lớn đối với Hữu Đức và Andy Tôn Thất. Khi shark Liên cho biết R2Y có thể liên kết với trường dạy nghề của bà để đào tạo học viên, hai bên đã thống nhất lại mức tiền 15 tỉ cho 49% cổ phần.

Không những vậy, bà Đỗ Liên chấp nhận không lấy lợi nhuận 3 năm đầu tiên để tái đầu tư cho công ty. 

"Đồng hành cùng shark Liên, tôi sẽ đi đến cùng và đi thật xa, không những ở Việt Nam mà ở tất cả những nước khác áp dụng mô hình này", anh Hữu Đức nhấn mạnh quyết tâm sau khi nhận cam kết đầu tư.

Lê Quý