Không còn lựa chọn, startup cung cấp phần mềm quản lí công việc vẫn từ chối 100.000 USD trên Shark Tank Việt Nam
Đến với Shark Tank mùa 3, anh Ninh Gia Hạnh mang tới nền tảng giao tiếp và quản lí công việc My X Team. Đây là một nền tảng giúp tổng hợp và kết nối đầy thủ thông tin cho doanh nghiệp.
Theo anh Hạnh, đa số nhà quản lí rất bận rộn, không có thời gian để nắm bắt quá nhiều những thông tin nhỏ từ nhân viên khi chúng ta có quá nhiều các nền tảng giao tiếp như Viber, Facebook hay Zalo.
My X Team sẽ tổng hợp toàn bộ những thông tin trên nhiều nền tảng, giúp người dùng rút ngắn tối đa những khoảng thời gian "chết" không cần thiết.
Những chức năng chính của My X Team bao gồm lập kế hoạch những việc cần làm, tương tác nội bộ trong doanh nghiệp và lưu trữ tất cả dữ liệu ở đám mây (cloud) để tránh tình trạng phân mảnh thông tin.
Ninh Đức Hạnh khẳng định sản phẩm My X Team của anh là sản phẩm tốt nhất. Ảnh: VTV
Qua 4 năm khởi nghiệp và 2 năm tung ra thị trường, My X Team đã có 1.200 lượt khách hàng thanh toán và 500 khách hàng thường xuyên. Đó chính là lí do để CEO của My X Team đưa ra lời đề nghị 100.000 USD đổi lấy 1% cổ phần.
Lời đề nghị ban đầu tương đương với định giá công ty lên tới 9,9 triệu USD khiến tất cả "cá mập" bất ngờ. Họ nhận định đó là mức định giá quá cao khi My X Team vẫn chưa có lợi nhuận ở thời điểm hiện tại.
Về doanh thu, My X Team cũng chỉ đạt mức 400 - 450 triệu/tháng. Một khách hàng doanh nghiệp có thể sử dụng 100 GB dữ liệu chỉ với 750.000 đồng/tháng. Với dung lượng ấy, một doanh nghiệp với qui mô 100 người có thể sử dung thoải mái, anh Hạnh chia sẻ.
Khi một nhà đầu tư so sánh My X Team với phần mềm quản lí dự án Trello, Hạnh khẳng định Trello chỉ phù hợp với một nhóm làm việc nhỏ, trong khi sản phẩm My X Team có thể hỗ trợ doanh nghiệp có số lượng nhân viên nhiều hơn.
Anh Hạnh nêu một lợi thế nữa của My X Team: Đây là sản phẩm của người Việt. Công ty hiểu rõ rõ văn hóa của người Việt để có giao diện và tính năng khác biệt so với những nền tảng do nước ngoài sản xuất.
Ngoài ra, anh Hạnh còn khẳng định thông tin của My X Team hoàn toàn được mã hóa và bảo mật, và ở Việt Nam My X Team đang dẫn đầu.
"Hiện tại tính bảo mật trên nền tảng công nghệ trên thế giới là SAAS. Chúng tôi sử dụng hoàn toàn công nghệ của Azure và Micorsoft. Tính bảo mật của My X Team dựa hoàn toàn trên mã hóa và chúng tôi là người đi tiên phong", anh Hạnh tự tin chia sẻ.
Luận điểm của vị giám đốc ngay lập tức vấp phải sự phản đối của nhà đầu tư Nguyễn Hòa Bình. Chủ tịch của Tập đoàn NextTech nói MISA cũng đang sản xuất các phần mềm quản lí doanh nghiệp.
Đáp lại Shark Bình, anh Hạnh cho rằng My X Team sẽ mang xu thế "xã hội" nhiều hơn so với các dòng sản phẩm tương đương. My X Team sẽ tạo ra sự liên kết giữa những người dùng khác nhau để hình thành sự tương tác qua lại.
Dù Hạnh giới thiệu sản phẩm là có rất nhiều ưu điểm, nhà đầu tư Nguyễn Mạnh Dũng băn khoăn khi tỉ lệ khách hàng rời bỏ sản phẩm sau 1 lần dùng khá cao (700/1.200).
Với tư cách Giám đốc quỹ đầu tư mạo hiểm Cyber Agent tại thị trường Việt Nam và Thái Lan, ông Dũng cũng từng rót vốn vào một dự án tương tự cách đây 6 năm.
"Mô hình của My X Team cần rất nhiều thời gian và công sức để phát triển", ông Dũng nhận định.
Shark Việt và Shark Dũng đều không đầu tư vào startup My X Team. Ảnh: VTV
Cũng theo Shark Dũng, ở thị trường Việt Nam có giá nhân công rẻ hơn rất nhiều. Do đó, đầu tư vào đội ngũ bán hàng mới chính là hướng đi đúng đắn. Đây là điều mà My X Team không có. Dù vậy, CEO của My X Team vẫn tin tưởng vào đường lối mà anh vạch ra.
"Anh đầu tư vào mô hình này 6 năm trước. Đó là thời điểm anh đã đi quá xa so với thị trường. Nếu bây giờ anh đầu tư, đó mới là quyết định đúng đắn", anh Hạnh khẳng định.
Giữ im lặng từ đầu, doanh nhân Phạm Thanh Hưng và Nguyễn Thanh Việt đều tỏ rõ sự quan ngại khi những thông số tài chính đều không quá ấn tượng, bất chấp việc CEO của My X Team luôn khẳng định sản phẩm của anh là thứ tốt nhất ở thời điểm hiện tại.
Chính vì lí do, bô đôi "cá mập" lần lượt rời bỏ cuộc chơi.
Doanh nhân Bình, với kinh nghiệm làm việc lâu năm trong lĩnh vực công nghệ, cho rằng việc định giá công ty lên tới 9,9 triệu USD là quá cao và từ chối đầu tư. Ngay sau đó, ông Dũng cho rằng đây chưa phải là thời điểm phù hợp nên cũng lắc đầu.
Chỉ còn lại một "cá mập" cuối cùng trên sàn, gần như anh Đức Hạnh đã không còn sự lựa chọn nào khác khi bà Đỗ Thị Kim Liên bất ngờ đưa ra lời đề nghị rất chênh lệch so với mong muốn ban đầu.
"Tôi đưa ra đề nghị 100.000 USD cho 20%. Tôi và bạn sẽ cùng xây dựng. Nếu bạn muốn, sau này tôi có thể trẻ lại cổ phần cho bạn và sau này bạn trả lại tiền cho tôi, không tính lãi", bà Liên đề xuất.
Tuy nhiên, anh Hạnh từ chối, và quyết định không bàn bạc thêm, bất chấp lời khuyên tiếp tục "ngã giá" của các nhà đầu tư còn lại.
"Dù có đề nghị ngược lại bao nhiêu thì cũng không thể lên đến 200.000 USD. Khách hàng của chúng tôi đang chờ sẵn để đầu tư vào sản phẩm của chính họ sử dụng. Cảm ơn tất cả các Shark", anh Hạnh nói.