|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Shark Liên đầu tư 4 tỉ đồng cho cô gái muốn biến cỏ thành 'sản phẩm quốc dân' trong Shark Tank Việt Nam

23:22 | 11/09/2019
Chia sẻ
Dù không có thông số tài chính ấn tượng trong quá khứ, Nguyên Võ vẫn gọi vốn thành công 4 tỉ đồng từ Shark Liên cho startup sản xuất ống hút cỏ thân thiện môi trường.

Xu thế sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường đang dần trở nên phổ biến khi ý thức của nhân loại về môi trường đang dần tăng lên. Nắm bắt điều đó, Nguyên Võ, nhà sáng lập của Greenjoy đã có ý tưởng xây dựng một startup góp phần bảo vệ môi trường.

Greenjoy sản xuất ống hút từ cỏ để ống hút nhựa trong tương lai. Ống hút cỏ phân hủy nhanh, thân thiện với môi trường và sẽ là sự lựa chọn cho tương lai. Ngoài ra, sản xuất ống hút cỏ sẽ tạo thêm việc cho người nông dân vùng Tây Nam Bộ.

69816983_2418967505090202_8906100238603780096_o

Nguyên Võ muốn xây dựng một startup đi kèm với mục tiêu bảo vệ môi trường. Ảnh: VTV

Đến với Shark Tank Việt Nam, nhà sáng lập Greenjoy hi vọng sẽ kêu gọi 2 tỉ để đổi lấy 20% cổ phần, dù những con số về tài chính trong quá khứ không thật sự ấn tượng.

Sau 8 tháng vận hành, Greenjoy chỉ đạt mức doanh thu 830 triệu. Khách hàng của Greenjoy là 100 nhà hàng, khách sạn ở thị trường nội địa. 

Ngay khi Nguyên vừa dứt lời, ông Nguyễn Hòa Bình lên tiếng. Thế nhưng, shark Bình không từ chối phũ phàng như những tập trước, mà anh đồng ý đầu tư ngay. Lời đề nghị của chủ tịch tập đoàn NextTech là 2 tỉ cho 25% cổ phần.

Đây rất có thể sẽ là một bản hợp đồng nhanh nhất của Shark Tank Việt Nam. Tuy nhiên, anh Bình không phải là "cá mập" duy nhất muốn rót vốn vào Greenjoy vì cả ông Nguyễn Mạnh Dũng và bà Đỗ Kim Liên đều quan tâm.

70345247_2418967591756860_7347776620603637760_o

Cả Shark Dũng và Shark Bình đều muốn đầu tư vào Greenjoy. Ảnh: VTV

Greenjoy ước tính doanh thu hết năm 2019 là 13 tỉ đồng. Tham vọng của Nguyên Võ là đạt doanh thu 150 tỉ đồng vào năm 2020 và lần lượt các năm 2021, 2022 là 350 tỉ và 600 tỉ. 

Với cơ sở vật chất hiện tại, Nguyên Võ tính toán công ty sẽ đạt năng suất 1 tỉ ống hút trong 5 năm tới.

Mức doanh thu dự kiến xây dựng trên việc Greenjoy đã có những đơn đặt hàng từ Mỹ va châu Âu. Ngoài ra, Nguyên Võ cũng đã xin giấy kiểm nghiệm vi sinh, đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường EU.

Dù có mức doanh thu dự kiến cao, nhưng Greenjoy đang gặp nhiều khó khăn. Trước mắt, 6 công ty nhảy vào lĩnh vực sản xuất ống hút cỏ. Ngoài ra, Greenjoy cũng chưa dây chuyền hóa sản xuất khi vẫn có những ông hút kích cỡ khác nhau trong cùng một hộp.

Ngoài ra, chi phí đắt đỏ cũng là rào cản lớn của Greenjoy. Các dòng ống hút nhựa trên thị trên thị trường có giá chỉ 50-100 đồng/ống trong khi ống hút cỏ của Greenjoy có giá bán sỉ lên tới 630 đồng/ống. Trong trường hợp mở rộng qui mô sản xuất, giá ống hút cỏ sẽ có thể giảm xuống còn 300 đồng/ống.

Chính vì lí do đó, ông Nguyễn Thanh Việt và ông Phạm Thanh Hưng đồng loạt rút lui vì dự đoán Greenjoy không thể cạnh tranh về giá với các dòng sản phẩm thay thế.

Trái lại, ông Dũng và bà Liên lại nhìn ra một cơ hội cho Greenjoy. Cả hai cùng muốn rót vốn vào startup ống hút cỏ.

Ông Dũng đưa ra lời đề nghị 2 tỉ cho 20% cổ phần, kèm với điều kiện Nguyên Võ phải đạt ít nhất 80% doanh thu dự kiến trong năm 2019. Tuy nhiên trong trường hợp thất bại, Shark Dũng sẽ nắm 40% cổ phần và đây là điều kiện bắt buộc.

70694560_2419107961742823_7907324070868287488_o

Shark Liên chốt thành công sau khi chấp nhận lời đề nghị 4 tỉ cho 33% cổ phần. Ảnh: VTV

Bà Liên tỏ ra "thoáng" hơn khi quyết định đầu tư mà không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Ngoài ra Shark Liên sẵn sàng giành toàn bộ lợi nhuận từ Greenjoy chuyển vào quĩ "Môi trường xanh Việt Nam".

Với 3 lời đề nghị, Nguyên Võ buộc phải đưa ra lựa chọn khó khăn vì mỗi "cá mập" đều có những lợi thế riêng. 

Shark Bình đảm bảo hỗ trợ về công nghệ, giảm giá thành sản xuất và tự động hóa. Ngoài ra với hệ sinh thái NextTech, anh Bình cũng khẳng định anh sẽ nhanh chóng đưa Greenjoy ra thị trường quốc tế. Nếu không hoàn thành, anh sẽ trả lại 5% cổ phần.

Nhà đầu tư Đỗ Kim Liên cũng khẳng định bà có thể thực hiện những việc mà anh Bình cam kết. Ngoài ra, bà còn sẵn sàng viết séc tại chỗ để tạo nên thương vụ xuống tiền nhanh nhất Shark Tank Việt Nam.

Sau thời gian suy nghĩ, dường như Nguyên Võ đã nghiêng về Shark Bình nhưng bất ngờ cô đổi hướng sang Shark Liên sau khi nhận lời đề nghị sẽ hỗ trợ về tìm khách hàng. 

"Chúng ta là phụ nữ. Và tôi muốn bạn trở thành một phụ nữ mạnh mẽ, lan tỏa đến cho phụ nữ Việt Nam", Shark Liên chốt lại.

Cũng chính vì câu nói đó, nhà sáng lập Greenjoy đã chấp nhận lời đầu tư của "cá mập" nữ duy nhất của chương trình. Số tiền cuối cùng hai bên chốt là 4 tỉ cho 33% cổ phần của Greenjoy.



Lê Quý