Doanh nghiệp lo ngại những bất cập về cơ chế hoạt động, quản lý Quỹ Bảo vệ môi trường trong dự thảo mới
Tại hội thảo “Tham vấn dự thảo Thông tư ban hành quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải”, cộng đồng doanh nghiệp đã chỉ ra nhiều bất cập xoay quanh các quy định về văn phòng EPR (đơn vị giúp việc cho Hội đồng EPR - cơ quan giải ngân Quỹ Bảo vệ môi trường).
12 hiệp hội, ngành hàng cho rằng các quy định về văn phòng EPR có nhiều điểm chưa được làm rõ, trong đó việc sử dụng không đúng mục đích khoản đóng góp của doanh nghiệp nộp để tái chế sản phẩm, bao bì.
Cụ thể, chỉ có 1/11 loại chi phí của văn phòng EPR dùng để hỗ trợ tái chế; còn lại 10/11 loại là cho mục đích khác.
Mặt khác, cơ cấu tổ chức gây tăng biên chế, trái với Nghị định 08 quy định chỉ làm kiêm nhiệm. Quyền hạn lớn nhưng không rõ trách nhiệm, không đạt kế hoạch vẫn được thưởng tối đa hai tháng lương.
Nghị định 08 quy định Hội đồng EPR quản lý khoản đóng góp của doanh nghiệp nhưng trong Thông tư không thấy quy định thành phần của hội đồng EPR. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị cần phải có quy định rõ và cho phép doanh nghiệp tham gia để quản lý cho minh bạch.
Góp ý dự thảo, đại diện Hiệp hội thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem lại quy định các khoản chi phí cho hoạt động của Văn phòng EPR Việt Nam.
Theo đó, một số mục chi chưa rõ ràng như chi phí cho hoạt động nghiệp vụ khác, hay khoản chi thực tế không phát sinh, như các khoản chi liên quan đến hoạt động gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, các chi phí tiền lương, trích nộp quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp…
Thực tế, Văn phòng giúp việc Hội đồng EPR Quốc gia làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, nên các chi phí này đã được Ngân sách Nhà nước đài thọ.
“Quy định Văn phòng EPR Việt Nam được tự chủ quyết định các khoản chi, tự chủ về biên chế và tài chính trái với Nghị định số 08, gây phát sinh biên chế", đại diện AmCham cho biết.
Ngoài ra, AmCham đề nghị ban soạn thảo quy định cụ thể hơn các tiêu chí lựa chọn và quy trình xét duyệt, giải ngân để để đảm bảo sự minh bạch, công bằng cho các đối tượng được hỗ trợ, tránh phát sinh cơ chế “xin-cho” trong quá trình thực hiện sau này.
Sau khi nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổ trưởng Tổ soạn thảo Thông tư, khẳng định khoản đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế, xử lý chất thải được quản lý, sử dụng công khai, minh bạch và đúng mục đích; không sử dụng vào các mục đích khác.
Đồng thời, khoản đóng góp tài chính này được phân loại, hoạch toán và sử dụng riêng biệt theo hai hoạt động: tái chế và hỗ trợ xử lý chất thải.
Theo ông Hùng, áp lực ban hành Thông tư đến cuối năm là rất lớn nhưng Vụ Pháp chế sẵn sàng tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện.