|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bị chê 'rối loạn ham muốn', nhóm sáng lập Bất động sản Sạch từ chối 100.000 USD trên Shark Tank Việt Nam

06:53 | 06/09/2019
Chia sẻ
Vì “xung đột lợi ích” nên startup bất động sản công nghệ ra về tay trắng dù doanh nhân Phạm Thanh Hưng đề nghị rót vốn.

Giải quyết "nỗi đau" trong ngành bất động sản

Đến Shark Tank Việt Nam với lời kêu gọi 100.000 USD cho 10% cổ phần, Thảo Nguyễn – Giám đốc đầu tư của công ty Bất động sản Sạch - mở đầu phần thuyết trình bằng loạt dẫn chứng về những bất cập trong ngành bất động sản.

"Hàng ngàn vụ lừa đảo, tranh chấp bất động sản xảy ra hàng năm và phần thiệt lòi luôn thuộc về người mua. Việc bảo vệ quyền lợi người mua bất động sản sẽ là một nhu cầu rất lớn của xã hội", Thảo phát biểu.

Nhóm sáng lập Bất động sản Sạch từ chối 100.000 USD trên Shark Tank Việt Nam - Ảnh 1.

Thảo Nguyễn – Giám đốc đầu tư Bất động sản Sạch (ngoài cùng bên phải), Trần Duy Phong – người đồng sáng lập & Giám đốc điều hành (ngoài cùng bên trái), Luật sư Trần Hạnh Trinh (ở giữa) trên Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Công ty Bất động sản Sạch xây dựng và phát triển hệ sinh thái bao gồm: cấp chứng nhận bất động sản sạch cho dự án bất động sản đạt tiêu chí sạch, cung cấp dịch vụ pháp lí để bảo vệ quyền lợi cho người mua bất động sản, đưa ra giải pháp kết nối hỗ trợ dữ liệu dựa trên nền tảng bất động sản sạch để tra cứu pháp lí các dự án bất động sản sạch.

Thảo tin Bất động sản Sạch có thể phát triển rất tốt dựa trên thế mạnh công nghệ: nền tảng Big Data, nền tảng luật sư AI và Smart Contract. Dự án đã đăng kí bản quyền. 

"Tổng giá trị giao dịch của thị trường ước đạt 15 tỉ USD/ năm, kỳ vọng đến năm 2021 công ty chiếm lĩnh 5% tổng giá trị giao dịch của thị trường bất động sản, tương ứng trên 500 triệu USD", nữ doanh nhân tuyên bố.

Định nghĩa "bất động sản sạch"

Khi nhà đầu tư hỏi về sâu về định nghĩa bất động sản sạch, Thảo Nguyễn phải cầu cứu sự xuất hiện của hai thành viên trong đội ngũ là Trần Duy Phong – người đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành; luật sư Trần Hạnh Trinh.

Startup đặt ra các tiêu chí để xét chứng nhận bất động sản sạch, bao gồm: hồ sơ pháp lý, tư cách của chủ sở hữu, nghĩa vụ thuế tài chính, sự bình đẳng của hợp đồng. 

Về cách xác minh bất động sản sạch, nhóm sáng lập cho hay, công ty đã liên kết với 60 tổ chức hành nghề luật sư trên toàn quốc và có hơn 80 luật sư trong lĩnh vực bất động sản. Khi nhận hợp đồng, doanh nghiệp sẽ cử luật sư đến để kiểm tra tính minh bạch về pháp lý của dự án.

Cách giải thích ấy không thể làm thỏa mãn tò mò của hai "cá mập" Đỗ Liên và Phạm Thanh Hưng.

Nhóm sáng lập Bất động sản Sạch từ chối 100.000 USD trên Shark Tank Việt Nam - Ảnh 2.

"Một năm tôi giao dịch hàng vạn bất động sản tại Việt Nam. Lỗi mà thẩm định viên của tôi thường xuyên mắc phải khi làm việc cùng các cơ quan pháp lý, cơ quan nhà nước là sổ một nơi, đất một nẻo", ông Hưng chia sẻ. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

"Ngáo thuật ngữ"

Quay trở lại phần thuyết trình, Thảo Nguyễn nói thêm, dự án vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm được bắt đầu từ năm 2018. Sau 2 năm hoạt động, các nhà sáng lập đã bỏ vào 6 tỉ đồng. Trong đó, cổ đông lớn nhất chiếm 95% cổ phần, Giám đốc điều hành Trần Duy Phong chiếm 5% cổ phần còn lại .

Dù là người quản lý công nghệ, nhưng Duy Phong tỏ ra lúng túng trước những câu hỏi về cốt lõi các công nghệ được sử dụng trong sản phẩm.

"Các startup Việt Nam lên shark Tank thông thường mắc hai bệnh, đầu tiên là bệnh 'ngáo giá', mơ mộng viễn vông về giá. Thứ hai là 'ngáo thuật ngữ', lạm dụng thuật ngữ công nghệ", doanh nhân Nguyễn Hòa Bình thốt lên.

Đồng quan điểm cho rằng đội ngũ Bất động sản Sạch nói quá nhiều thuật ngữ công nghệ, "cá mập công nghệ" Nguyễn Mạnh Dũng tuyên bố rút lui. Hai nhà đầu tư là Nguyễn Thanh Việt, Đỗ Liên cũng ra khỏi cuộc chơi vì doanh nghiệp chưa chứng minh được cơ sở chứng nhận bất động sản sạch.

Nhóm sáng lập Bất động sản Sạch từ chối 100.000 USD trên Shark Tank Việt Nam - Ảnh 3.

Nhà đầu tư sử dụng thử nền tảng công nghệ Bất động sản Sạch. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Từ chối lời đề nghị rót vốn duy nhất

Muốn giúp startup, ông chủ bất động sản Phạm Thanh Hưng đề nghị 100.000 USD cho 36% cổ phần.

"Ý định của các bạn là tốt nhưng cách tiếp cận của các bạn chưa đúng. Cách tiếp cận của bạn liên quan đến cấp chứng nhận bất động sản sạch nhưng nhiều tiêu chí lại mang tính định tính. Nếu các bạn vào hệ sinh thái của tôi, tôi sẽ cùng các bạn xây dựng lại định hướng", Shark Hưng chia sẻ.

Thương vụ bất thành khi Thảo Nguyễn bày tỏ mong muốn nhà đầu tư rót vốn với danh nghĩa độc lập vì không muốn "xung đột lợi ích" giữa các bên. Bất động sản Sạch cung cấp giải pháp về chứng nhận bất động sản cho những dự án đạt tiêu chí nhưng đồng thời lại cấp chứng nhận bất động sản cho chính doanh nghiệp của nhà đầu tư.

Bùi Mến