3 'cá mập' cùng đầu tư vào nền tảng công nghệ y tế trong Shark Tank Việt Nam
Chỉ học đại học một năm rồi bỏ sau khi từ quê lên TP HCM, anh Vũ Thanh Long quyết định chuyển hướng sang kinh doanh ngay năm thứ hai. Với đam mê công nghệ, ý tưởng xây dựng một nền tảng công nghệ y tế dần nhen nhóm trong đầu Long. Cùng với người đồng hành Huỳnh Phước Thọ, Long đã thành lập eDoctor.
eDoctor là một nền tảng công nghệ giúp khách hàng có thể sử dụng những dịch vụ y tế như xét nghiệm ngay tại nhà rồi nhận kết quả trực tiếp qua ứng dụng di động.
Ngoài ra, khách hàng cũng có thể tham vấn trực tiếp về sức khỏe qua ứng dụng. Chức năng ấy giúp tiết kiệm tối đa thời gian đi lại và xếp hàng chờ tại phòng khám hay bệnh viện.
Về phía cung cấp dịch vụ, eDoctor đã làm việc với 500 điều dưỡng viên, 400 bác sĩ và 80 phòng khám, bệnh viện khác nhau. Ứng dụng sẽ tìm ra phòng khám trống lịch ở gần bệnh nhân nhất, nhờ đó tối ưu hóa thời gian làm việc của các nhân viên y tế.
eDoctor cung cấp thêm dịch vụ máy đo sức khỏe miễn phí cho khách hàng. Ảnh: VTV
Để đảm bảo chất lượng của bác sĩ/điều dưỡng, eDoctor yêu cầu đối tác cung cấp đầy đủ thông tin về bằng tốt nghiệp y khoa, chứng chỉ hành nghề và chứng minh nhân dân, giúp khách hàng biết rõ thông tin về người sẽ thăm khám tại nhà.
Để đáp ứng yêu cầu về pháp lí, eDoctor đã xin giấy phép, có phòng khám, có nhà thuốc tại Quận 1, TP HCM. Tuy nhiên, công ty không sử dụng nhân lực từ phòng khám bởi những cơ sở chỉ mang tính chất "giấy phép".
Về mô hình kinh doanh, eDoctor sẽ thu tiền trực tiếp từ khách hàng, đồng thời giữ lại 30% và chia 70% cho đối tác cung cấp dịch vụ y tế. Hiện tại, eDoctor đã có 70.000 lượt khám. Mức doanh thu của công ty là 10 tỉ năm 2019 (lỗ 4 tỉ). Đó là cơ sở để hai nhà đồng sáng lập kêu gọi đầu tư 500.000 USD cho 10% cổ phần.
"Nguyên nhân lỗ lớn nhất chính là chi phí marketing, chiếm từ 25-28%", anh Long giải thích rõ hơn về việc công ty chưa thể tạo ra lợi nhuận.
Khi doanh nhân Nguyễn Hòa Bình chất vấn rõ hơn, anh Long cho biết thêm các kênh marketing chính của eDoctor đang là Google và Facebook. Ông Phạm Thành Hưng và Nguyễn Hòa Bình cho rằng phương án marketing chưa phù hợp.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Dũng lại tỏ ra tin tưởng hai nhà đồng sáng lập khi đã từng sử dụng dịch vụ của eDoctor trước đó. Điều mà Giám đốc CyberAgent tại Việt Nam và Thái Lan băn khoăn chính là vấn đề nhân sự của công ty khi không có một lãnh đạo đúng nghĩa.
Nhận thấy eDoctor vẫn chưa tìm ra "công thức bí mật" thành công, shark Bình vẫn đưa ra lời đề nghị làm cố vấn cho công ty. Chủ tịch Tập đoàn NextTech cam kết sẽ giúp đỡ eDoctor tìm ra "long mạch" để đổi lấy 5% cổ phần.
Trong khi đó, Shark Dũng lại nhận thấy đây là một cơ hội đầu tư tốt. Yêu cầu đặt ra cho startup là cần phải tìm kiếm một người lãnh đạo đủ tiếng nói và năng lực để dẫn dắt công ty. Ông Nguyễn Mạnh Dũng cam kết đầu tư 500.000 USD với điều kiện có thêm một nhà đầu tư khác chấp nhận rót thêm 500.000 USD.
Shark Dũng còn có thêm yêu cầu định giá lại công ty, từ 4,5 triệu USD xuống còn 2,5 triệu USD.
2 "cá mập" Đỗ Thị Kim Liên và Phạm Thanh Hưng đều lần lượt rút lui khỏi cuộc chơi vì eDoctor chưa có dịch vụ đặt bác sĩ theo yêu cầu, và đồng thời các nhà sáng lập cũng chưa thể hiện rõ sự "quyết liệt".
Anh Vũ Thanh Long (phải) chấp nhận lời đầu tư từ ba "cá mập". Ảnh: VTV
Khi chỉ còn duy nhất một "cá mập" chưa chốt đề nghị, cả Long và Thọ đều rất kì vọng sẽ nhận đầu tư từ doanh nhân Nguyễn Thanh Việt. Tuy nhiên, để nhận về số tiền đầu tư, yêu cầu của ông Việt là rất rõ ràng khi yêu cầu các nhà sáng lập và đội ngũ công nghệ gắn bó với eDoctor ít nhất 10 năm.
"Khi có shark Việt đầu tư, các em sẽ nhận được rất nhiều sự tư vấn về chuyên môn, đặc biệt liên quan tới bệnh viện Phương Đông", ông Nguyễn Mạnh Dũng phân tích tình thế.
Shark Việt sẽ đầu tư "ké" 100.000 USD cùng với shark Dũng và shark Bình cũng muốn "ké" thêm 100.000 USD nữa.
Khúc mắc vẫn còn vì các "cá mập" muốn định giá eDoctor ở múc 2,5 triệu USD trong khi anh Long lại muốn nâng lên 3 triệu USD. Lí do là công ty đã có cam kết đầu tư của các chủ đầu tư nước ngoài với định giá là 4 triệu USD trước đó.
"Trong trường hợp các nhà đầu tư ấy vì thương vụ này mà rút lui, tôi sẽ đóng đủ tiền phần còn lại", Chủ tịch Intracom Nguyễn Thanh Việt khẳng định quyết tâm với các nhà đồng sáng lập.
Chính câu nói đó đã khiến anh Long thêm phần yên tâm và nhận 700.000 USD đầu tư từ ba "cá mập" để đổi lấy 21,87% cổ phần.
"Với vòng gọi vốn này, eDoctor sẽ có thêm tài chính để phát triển và có hi vọng để vươn xa hơn thành một startup hàng đầu về lĩnh vực y tế tại thị trường Việt Nam", anh Long bình luận.