|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn 10 tỉ, startup nhận kết ‘đắng’ vì định giá không tưởng

14:07 | 19/09/2019
Chia sẻ
Muốn gọi vốn 10 tỉ đồng để mở khu phức hợp giải trí cho công nhân, nhà sáng lập Rubik Zoo ra về tay trắng vì định giá phi lý và mô hình kinh doanh quá rủi ro.

Biến container cũ thành "chợ"

Tham gia Shark Tank Việt Nam vào tối 18/9, Nguyễn Thị Tâm Thơ – người đồng sáng lập Rubik Zoo kêu gọi 10 tỉ đồng cho 10% cổ phần. Mở đầu phần thuyết trình, Tâm Thơ mô tả Rubiz là khu phức hợp vui chơi mua sắm bằng container.

Lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn 10 tỉ, startup nhận kết ‘đắng’ vì định giá không tưởng - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Tâm Thơ – người đồng sáng lập Rubik Zoo trên Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Rubiz sử dụng 90% vật liệu xây dựng từ những container cũ và vật liệu tái chế. Khu phức hợp bao gồm: 200 gian hàng thời trang, ẩm thực, sân khấu, biểu diễn ngoài trời, khu vui chơi thiếu nhi.

Chia sẻ về bức tranh tài chính, Tâm Thơ cho hay sau 2,5 năm hoạt động, doanh thu năm đầu tiên đạt 9,5 tỉ đồng, năm thứ hai tăng 12 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 đạt 6,6 tỉ đồng. Lãi ròng 2017 tầm 1,3 tỉ đồng, năm 2018 là 2,5 tỉ đồng và 6 tháng đầu năm 2019 là 1,3 tỉ đồng.

Với 10 tỉ đồng kêu gọi đầu tư, nhà sáng lập dùng 60% nhân rộng dự án hướng đến là các khu công nghiệp mà công nhân đang thiếu thốn khu vui chơi giải trí, 20% để đầu tư vào marketing, 20% cho mô hình quản lý vận hành.

Người nắm 1% cổ phần gọi vốn thay người nắm 98% cổ phần

Thương vụ trở nên gay cấn khi Tâm Thơ bất ngờ tiết lộ Rubiz hiện có 4 cổ đông chính. Tuy nhiên, nhà sáng lập Rubiz đang chiếm đến 98% cổ phần, còn các nhà đồng sáng lập, bao gồm cả Tâm Thơ, chỉ chiếm 2% cổ phần còn lại.

Thông tin ấy khiến các "cá mập" phẫn nộ, cảm thấy phi lý khi người nắm 1% cổ phần gọi vốn thay kẻ nắm 98%". Vì thế, Hoàng Tuấn Anh - nhà sáng lập của Rubiz - phải tiến vào phòng thương thuyết để đối mặt với các chất vấn từ nhà đầu tư.

"Chúng tôi đầu tư phải biết chủ là ai. Con người mới là yếu tố quyết định thành công còn cổ phần chiếm bao nhiêu không quan trọng", nữ doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên lên tiếng.

Với các câu hỏi từ nhà đầu tư, Tuấn Anh trình bày mô hình Rubiz đã xuất hiện ở các nước như Malaysia, Thái Lan trong nhiều năm qua. Startup giúp nạn bán hàng rong dồn về một chỗ, đảm bảo mĩ quan đô thị và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn 10 tỉ, startup nhận kết ‘đắng’ vì định giá không tưởng - Ảnh 2.

Hoàng Tuấn Anh - nhà sáng lập của Rubiz (bên trái) trên tập 9,. mùa 3 Shark Tank Việt Nam. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.

Nhà sáng lập từ chối 10 tỉ đồng 

Đánh giá ý tưởng của Rubiz hợp lý, song các nhà đầu tư e ngại về tính rủi ro của dự án vì phải di dời mặt bằng. Hơn nữa, nhà sáng lập định giá quá cao khi lợi nhuận mới chỉ dừng lại ở mức 3 tỉ đồng/năm.

Do Rubiz định giá là 90 tỉ đồng, tức gấp 6 lần so với tiềm năng thực sự, nên lần lượt các doanh nhân Nguyễn Thanh Việt, Phạm Thanh Hưng, Nguyễn Mạnh Dũng tuyên bố không thể mạo hiểm hơn.

Cùng quan điểm, Chủ tịch NextTech đánh giá mô hình của Rubiz là ngắn hạn không muốn đầu tư. Tuy nhiên vào phút chót, ông Nguyễn Hòa Bình bất ngờ thay đổi ý kiến.

"Nhiều startup đình đám làm mô hình kinh doanh theo trends (xu hướng) nhưng một vài năm cũng chết, lên nhanh mà xuống cũng nhanh. Chính vì vậy, mô hình kinh doanh này tôi đánh giá là ngắn hạn. Lúc đầu tôi dự kiến không đầu tư rồi, nhưng các bạn đưa ra hướng đi về các khu công nghiệp lo giải trí cho công nhân thì tôi cảm thấy hợp lý. Định giá bạn đưa ra là con số không tưởng. Tôi đề nghị 10 tỉ đồng cho 40% cổ phần với điều kiện các bạn đầu tư số tiền này cho ít nhất 2 địa điểm khu công nghiệp phục vụ đời sống tinh thần cho công nhân", ông Bình nói.

Chia sẻ làm 10 khu khu phức hợp thì cần số vốn lên đến 100 tỉ đồng, nên trường hợp nhà đầu tư rót 10 tỉ đồng cho 40% sẽ là rào cản bất lợi cho Rubiz trong vòng gọi vốn sau. Hoàng Tuấn Anh mong muốn thương lượng ở mức 20% cổ phần cho 10 tỉ đồng đầu tư.

Thương vụ diễn ra bất thành khi nhà sáng lập và nhà đầu tư không tìm ra tiếng nói chung ở mức % cổ phần sở hữu. Shark Bình cho rằng, chỉ đầu tư vào một dự án và chia doanh số như đề xuất của Tuấn Anh là quá rủi ro.

Bùi Mến

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.