|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nhà quản trị cấp trung gian (Middle managers) là ai?

14:57 | 20/09/2019
Chia sẻ
Nhà quản trị cấp trung gian (tiếng Anh: Middle managers) là người đứng đầu một bộ phận, một đơn vị trong doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm duy nhất trước nhà quản trị cấp cao.
Middle managers

Hình minh họa

Nhà quản trị cấp trung gian (Middle managers)

Định nghĩa

Nhà quản trị cấp trung gian trong tiếng Anh là Middle managers. Nhà quản trị cấp trung gian là người đứng đầu một bộ phận, một đơn vị trong doanh nghiệp, là người chịu trách nhiệm duy nhất trước nhà quản trị cấp cao.

Bản chất

- Nhà quản trị cấp trung gian bao gồm quản đốc phân xưởng, trưởng phòng, ban chức năng.

- Nhà quản trị cấp trung gian bao gồm những nhà quản trị ở cấp chỉ huy trung gian, họ là cấp trên của các nhà quản trị cấp cơ sở và là cấp dưới của các nhà quản trị cấp cao.

- Nhà quản trị cấp trung gian có nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch và chính sách của tổ chức, họ vừa quản trị các quản trị viên cấp cơ sở vừa điều khiển các nhân viên khác. Các chức danh của họ thường là trưởng phòng, trưởng ban…

Nhiệm vụ của nhà quản trị cấp trung gian

- Nghiên cứu, nắm vững những quyết định của nhà quản trị cấp cao về nhiệm vụ của đơn vị, bộ phận mình trong từng thời kì, mục đích, yêu cầu, phạm vi quan hệ với các bộ phận, đơn vị khác.

- Đề nghị những chương trình, kế hoạch hoạt động, đưa ra mô hình tổ chức thích hợp, lựa chọn, đề bạt những người có khả năng vào những công việc phù hợp, chọn nhân viên kiểm tra, kiểm soát.

- Giao việc cụ thể cho từng nhân viên, tránh bố trí một người đảm nhận nhiều công việc không liên quan gì với nhau

- Dự trù kinh phí trình cấp trên phê duyệt và chịu trách nhiệm về việc sử dụng kinh phí ấy.

- Thường xuyên rà soát kết quả và hiệu quả của từng công việc.

- Báo cáo kịp thời với nhà quản trị cấp cao về kết quả, vướng mắc theo sự ủy quyền và chịu trách nhiệm hoàn toàn về mọi công việc của đơn vị và việc làm của nhân viên cấp dưới.

Những điều cần chú ý đối với nhà quản trị cấp trung gian

- Phải nắm chắc, nắm vững mục đích, ý định của cấp trên; báo cáo kịp thời cho cấp trên biết về các hoạt động của đơn vị mình.

- Tìm hiểu, xác minh mối liên hệ của đơn vị mình với đơn vị khác và tìm cách phối hợp hoạt động nhiệt tình, chặt chẽ với các đơn vị khác có liên quan.

- Phải nắm vững lí lịch từng người trong đơn vị; hướng dẫn công việc cho mọi người và đánh giá đúng mức kết quả của từng người, động viên, khích lệ họ làm việc.

(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Quản trị doanh nghiệp, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân; Giáo trình Quản trị kinh doanh, NXB Tài chính)

Minh Lan