|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Nhà nước kiến tạo phát triển (Developmental state) là gì?

15:07 | 04/06/2020
Chia sẻ
Nhà nước kiến tạo phát triển (tiếng Anh: Developmental state) được sử dụng để chỉ một mô hình phát triển kinh tế rất thành công ở một số quốc gia Đông Á.
Nhà nước kiến tạo phát triển (Developmental state) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: Blog.gdi.manchester)

Nhà nước kiến tạo phát triển

Khái niệm

Nhà nước kiến tạo phát triển trong tiếng Anh gọi là: Developmental state.

“Nhà nước kiến tạo phát triển” là thuật ngữ mới được sử dụng gần đây ở Việt Nam để chuyển dịch ý nghĩa của từ “developmental state”.

Thuật ngữ lần đầu tiên được nêu ra bởi Chalmers Johnson, trong cuốn “MITI và Sự thần kì Nhật Bản: Chính sách tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 1925-1975” (Ministry of International Trade and Industry - Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế của Nhật Bản).

Và sau đó thuật ngữ này được giới học thuật quốc tế sử dụng một cách phổ biến để chỉ một mô hình phát triển kinh tế rất thành công ở một số quốc gia Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Trong tác phẩm nêu trên và một số tác phẩm khác về cùng chủ đề, Chalmers Johnson xác định: “nhà nước kiến tạo phát triển là một mô hình phát triển nằm giữa hệ thống kinh tế tư bản thị trường tự do (free market capitalist economic system) và hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung (centrally planned economic system).

Đặc điểm

Mô hình này có những đặc điểm cụ thể sau đây:

- Có các qui tắc quản trị ổn định và vững chắc do giới tinh hoa chính trị - quan liêu thiết lập nên, tạo ra vị thế tương đối tự chủ của nhà nước trước các sức ép chính trị từ xã hội mà có thể gây trở ngại đến việc thực hiện các chính sách kinh tế.

- Có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư (nhà nước và doanh nghiệp). Sự hợp tác đó được bảo đảm và giám sát thực hiện bởi một cơ quan chuyên trách (ví dụ: MITI của Nhật Bản).

- Nhà nước đầu tư mạnh vào giáo dục, y tế và thực hiện các chính sách nhằm bảo đảm công bằng xã hội.

- Có một Chính phủ mạnh, thậm chí chuyên chế, song nắm rõ và vận dụng tốt các qui luật của kinh tế thị trường.

Từ những đặc điểm nêu trên, có thể khẳng định nhà nước kiến tạo phát triển không phải là một kiểu nhà nước, tuy nhiên, từ góc độ quản trị quốc gia, hoàn toàn có thể coi đó là một mô hình nhà nước, giống như mô hình nhà nước thị trường tự do (hay nhà nước điều tiết), nhà nước kế hoạch hóa tập trung, nhà nước phúc lợi.

(Tài liệu tham khảo: Những thuận lợi và thách thức với việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam, PGS.TS. Vũ Công Giao, Tạp chí Công thương, 2017)

Tuyết Nhi