Người thất nghiệp (The unemployed) là ai? Đặc trưng
Người thất nghiệp
Khái niệm
Người thất nghiệp trong tiếng Anh được gọi là The unemployed.
Người thất nghiệp cũng có những quan điểm và nhận thức khác nhau; tuỳ theo mục đích và hoàn cảnh của mỗi nước, chẳng hạn:
- Luật bảo hiểm thất nghiệp của Cộng hoà liên bang Đức định nghĩa: Người thất nghiệp là người lao động tạm thời không có quan hệ lao động hoặc chỉ thực hiện những công việc ngắn hạn.
- Ở Thái Lan người ta cho rằng: Người thất nghiệp là người lao động không có việc làm, muốn làm việc, có năng lực làm việc.
- Nhật Bản lại quan niệm: Người thất nghiệp là người không có việc làm trong tuần lễ điều tra, có khả năng làm việc, đang tích cực tìm việc làm hoặc chờ kết quả xin việc làm.
- Tổ chức lao động quốc tế (ILO) thì cho rằng: Người thất nghiệp là người lao động không có việc làm, không làm kể cả 1 giờ trong tuần lễ điều tra đang đi tìm việc làm và có điều kiện là họ làm ngay.
Đặc trưng
Như vậy, dù quan niệm thế nào đi chăng nữa thì một người lao động được coi là thất nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc trưng sau:
- Là người lao động, có khả năng lao động;
- Đang không có việc làm;
- Đang đi tìm việc làm.
Ai có thể là người thất nghiệp?
Người thất nghiệp có thể là công nhân trong các doanh nghiệp, có thể là học sinh, sinh viên các trường chuyên nghiệp đã tốt nghiệp ra trường hoặc là bộ đội xuất ngũ.
Những người ngoài độ tuổi lao động hoặc trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động nhưng không lao động, không có nhu cầu việc làm thì không được coi là người thất nghiệp.
Chẳng hạn, những người đang có việc làm nhưng tạm thời không làm việc vì một lí do nào đó như: nghỉ phép, nghỉ ốm, nghỉ tạm thời vì tai nạn lao động, hoặc học sinh sinh viên còn đang theo học tại các trường, những người nội trợ... không phải là những người thất nghiệp.
Ở các nước đang phát triển, tỉ lệ người lao động bị thất nghiệp ở thành thị thường cao hơn nông thôn, phụ nữ cao hơn nam giới, độ tuổi từ 16 đến 24 cao hơn độ tuổi trên 24. Thất nghiệp có quan hệ chặt chẽ với công tác giáo dục và đào tạo, với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, với lạm phát và với tỉ lệ tăng dân số của mỗi quốc gia.
(Tài liệu tham khảo: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, Đại học Kinh tế Quốc dân)