|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chi phí vòng đời sản phẩm (Life cycle cost - LCC) là gì? Tính toán chi phí vòng đời sản phẩm

21:25 | 14/05/2020
Chia sẻ
Chi phí vòng đời sản phẩm (tiếng Anh: Life cycle cost - LCC) là tổng của tất cả các chi phí liên quan đến hàng hóa, như xe hơi hoặc nhà, trong suốt tuổi thọ dự kiến của sản phẩm.
Chi phí vòng đời (Lifetime cost) là gì? Đặc điểm - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Chargify.

Chi phí vòng đời sản phẩm

Khái niệm

Chi phí vòng đời sản phẩm trong tiếng Anh là Life cycle cost, viết tắt là LCC, hoặc Lifetime cost.

Chi phí vòng đời sản phẩm là tổng của tất cả các chi phí liên quan đến hàng hóa, như xe hơi hoặc nhà, trong suốt tuổi thọ dự kiến của sản phẩm. Tổng chi phí vòng đời sản phẩm bao gồm số tiền phải trả để mua sản phẩm.

Các doanh nghiệp sẽ thường xuyên tính toán chi phí vòng đời sản phẩm trước khi thực hiện các khoản chi tiêu lớn, nâng cấp và cải tạo. Mặt khác, hầu hết các cá nhân hiếm khi ước tính chi phí này trước khi mua nhà, thuyền, ô tô hoặc các mặt hàng đắt tiền khác. Bên cạnh giá mua gốc, chi phí vòng đời sản phẩm bao gồm:

- Chi phí duy trì sản phẩm luôn ở trạng thái tốt hoặc hoạt động.

- Chi phí bảo hiểm để bảo vệ sản phẩm.

- Chi phí cải tạo hoặc nâng cấp theo yêu cầu của sản phẩm.

Đặc điểm của chi phí vòng đời sản phẩm

Chi phí vòng đời sản phẩm bao gồm chi phí lập kế hoạch, thiết kế, mua lại và hỗ trợ và bất kì chi phí nào khác liên quan trực tiếp đến việc sở hữu hoặc sử dụng tài sản.

Lí do chính để mua một chiếc xe của hầu hết mọi người là để vận chuyển. Họ sẽ thường so sánh giá cả, tính năng mong muốn và các ưu đãi khác nhau giữa các đại lí trước khi mua. Tuy nhiên, chi phí của chiếc xe không dừng lại ở chi phí mua ban đầu.

Một người cần phải xem xét các chi phí liên quan như tiền đổ xăng hàng tuần, thay dầu định kì, bảo hiểm, cấp giấy phép và phí kiểm tra xe. Tuy nhiên, vẫn có các chi phí khác như hỗ trợ trên đường, rửa xe, thuê xe hoặc nhà để xe. Chủ xe có thể dễ dàng chi tiêu nhiều hơn đáng kể so với giá trị mua xe. Một người tiêu dùng khôn ngoan sẽ kiểm tra cân nhắc các chi phí phát sinh hàng năm của mặt hàng trước khi cam kết mua nó.

Như vậy về bản chất, chi phí vòng đời sản phẩm ước tính tất cả các chi phí liên quan đến mua sắm, vận hành, bảo trì và cuối cùng là xử lí một sản phẩm trong suốt vòng đời của nó.

Tính toán chi phí vòng đời sản phẩm (Life cycle costing)

Việc tính toán chi phí vòng đời sản phẩm khác với hệ thống kế toán chi phí truyền thống, ghi lại các mức chi phí theo khung thời gian cố định (ví dụ hàng tháng, hàng quí và hàng năm), trong khi tính toán chi phí vòng đời sản phẩm liên quan đến việc tính chi phí của một sản phẩm hoặc dự án cho đến khi sản phẩm hoặc dự án đó kết thúc.

Do đó, việc tính toán chi phí vòng đời sản phẩm của một sản phẩm là một cách tiếp cận được sử dụng để cung cấp một bức tranh dài hạn về lợi nhuận của sản phẩm đó, đồng thời đưa ra phản hồi về hiệu quả của kế hoạch sử dụng sản phẩm để làm rõ tác động kinh tế đối với những lựa chọn thay thế khác trong thiết kế, giai đoạn kĩ thuật,...

Nó cũng được coi là một cách để tăng cường kiểm soát chi phí sản xuất. Điều quan trọng là phải theo dõi và đo lường chi phí trong từng giai đoạn của vòng đời sản phẩm.

Lợi ích của việc tính toán chi phí vòng đời sản phẩm

Sau đây là những lợi ích chính của việc tính toán chi phí vòng đời sản phẩm sản phẩm:

- Tính toán chi phí vòng đời sản phẩm sản phẩm giúp doanh nghiệp hành động sớm hơn để tạo doanh thu hoặc giảm chi phí so với các sản phẩm thay thế khác. 

- Tính toán chi phí vòng đời sản phẩm giúp đưa ra quyết định sáng suốt hơn nhờ có sự đánh giá chính xác và thực tế hơn về doanh thu và chi phí trong một giai đoạn vòng đời cụ thể.

- Tính toán chi phí vòng đời sản phẩm giúp tăng trưởng lợi nhuận dài hạn hơn ngắn hạn.

- Tính toán chi phí vòng đời sản phẩm cung cấp một cái nhìn tổng thể về tổng chi phí gia tăng trên toàn bộ khoảng thời gian của sản phẩm.

(Theo Investopedia)

Hoàng Vy

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.