Phân tích vòng đời sản phẩm (Life Cycle Analysis – LCA) là gì? Lợi ích
Phân tích vòng đời sản phẩm
Khái niệm
Đánh giá hay phân tích vòng đời sản phẩm trong tiếng Anh được gọi là Life Cycle Analysis – LCA hay Life Cycle Assessment.
Phân tích vòng đời sản phẩm là qui trình phân tích các tác động toàn diện đến môi trường của sản phẩm bắt đầu từ quá trình sản xuất cho tới khi sản phẩm được sử dụng và tạo thành các loại chất thải.
Nội dung
Đánh giá vòng đời sản phẩm bao gồm bốn thành phần bổ sung cho nhau: sự khởi đầu, kiểm kê, tác động và cải thiện.
Trong quá trình đánh giá, người đánh giá phải cố gắng tìm ra và định lượng hoá mọi nguồn năng lượng và vật liệu đầu vào, đầu ra trong toàn bộ thời gian tồn tại của sản phẩm: sản xuất – lưu thông – phân phối – sử dụng – tiêu huỷ.
Khó khăn
Khó khăn lớn nhất, đồng thời là nội dung chủ yếu của LCA là định lượng hoá các tác động môi trường tại từng công đoạn và thời điểm di chuyển của sản phẩm;
Khó khăn thứ hai là mức độ tác động của sản phẩm đến môi trường, phụ thuộc vào người sử dụng môi trường tồn tại và hoạt động của sản phẩm.
Tuy nhiên, việc lựa chọn các nhóm sản phẩm điển hình về đánh giá, hoặc việc đánh giá các sản phẩm chính của các nhà sản xuất là nội dung có thể thực hiện được.
Nhu cầu môi trường tăng không ngừng, nhưng chúng cũng trở nên linh hoạt hơn. Việc thực thi chính sách môi trường chuyển từ các công cụ điều chỉnh sang công cụ kinh tế thông qua thị trường.
Những khó khăn trong quản lí nhu cầu thường liên quan tới: mức độ nhận thức các vấn đề môi trường ở các cấp khác nhau trong cơ quan; trình độ kiến thức môi trường và năng lực; cấu trúc cơ quan và các thói quen bên trong; công cụ cho xử lí các vấn đề môi trường trong toàn bộ dây chuyền công việc.
Lợi ích
Lợi ích của LCA là khả năng giảm bớt các tác động môi trường của sản phẩm, thông qua việc giảm năng lượng và nguồn nhiên liệu trong quá trình sản xuất, lưu thông, phân phối và sử dụng.
Các biện pháp thực hiện giảm thiểu có thể là thay đổi công nghệ, thiết bị, qui trình bảo quản và sử dụng. Ngoài ra còn có khả năng giảm thiểu các chi phí năng lượng và nguyên liệu không cần thiết, thiết kế và phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn.
(Tài liệu tham khảo: Giáo trình Kinh tế Chất thải, GS. TS. Nguyễn Đình Hương, NXB Giáo dục)