|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Căn hộ dịch vụ (serviced apartment) là gì?

11:09 | 26/02/2020
Chia sẻ
Căn hộ dịch vụ (tiếng Anh: serviced apartment) là loại hình dịch vụ lưu trú dài hạn được quản lí chuyên nghiệp với đầy đủ các dịch vụ khách sạn.
Căn hộ dịch vụ (serviced apartment) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: twipu.com)

Căn hộ dịch vụ

Khái niệm

Căn hộ dịch vụ trong tiếng Anh gọi là: serviced apartment.

Căn hộ dịch vụ là loại hình dịch vụ lưu trú dài hạn được quản lí chuyên nghiệp với đầy đủ các dịch vụ khách sạn như dọn phòng, giặt là, ăn uống và các yêu cầu cá nhân.

Đặc điểm căn hộ dịch vụ tại Việt Nam

Tại Việt Nam, căn hộ dịch vụ tiêu chuẩn như vậy chủ yếu phục vụ thương nhân và chuyên gia nước ngoài sống, làm việc dài hạn.

Tham gia thị trường căn hộ dịch vụ có các công ty quản lí quốc tế như The Ascott, Frasers Hospitality, Sedona, IHG, Accor, Norfolk Group, The Peninsula Properties,... 

Và một số công ty quản lí bất động sản cho thuê của Việt Nam như Công ty TNHH Kinh doanh và Quản lí bất động sản Vinhomes, Công ty Cổ phần Tập đoàn Quản lí bất động sản Windsor (WMC Group),... 

Nhằm tận dụng cơ sở vật chất và dịch vụ khách sạn sẵn có, đồng thời phục vụ tối đa các nhu cầu khác nhau của khách hàng, căn hộ dịch vụ có thể được xây dựng cùng trong một khu phức hợp với khách sạn như:

Tổ hợp khách sạn và căn hộ dịch vụ InterContinental Asiana Saigon, tổ hợp khách sạn và căn hộ dịch vụ Novotel Danang Premier Han River, tổ hợp khách sạn Daewoo Hà Nội và khu căn hộ Daeha,...

Ngày nay, việc di chuyển thuận tiện và nhanh chóng từ quốc gia đến quốc gia đã dẫn đến việc gia tăng số lượng khách hàng đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Cùng một khách sạn, cùng một nhân viên phục vụ nhưng họ đánh giá chất lượng dịch vụ khác nhau dựa trên bản sắc văn hóa của riêng mỗi khách hàng. 

Hiểu được văn hóa, hiểu được suy nghĩ, hiểu được hành vi, nắm được cách thức cung cấp dịch vụ phù hợp với sự đón nhận của những khách hàng khác nhau ấy là chìa khóa cuối cùng để ngành khách sạn Việt Nam mở ra những cơ hội tiếp cận những chuẩn mực quốc tế và hòa nhập vào sự phát triển của ngành khách sạn toàn cầu.

Những nhóm khác biệt văn hóa của khách lưu trú mà nhân viên phục vụ khách sạn cần lưu ý gồm:

- Ngôn ngữ và những biểu hiện phi ngôn ngữ như dáng điệu, cử chỉ;

- Trang phục;

- Ẩm thực và thói quen ăn uống;

- Thời gian và tốc độ phục vụ;

- Mối quan hệ, địa vị xã hội;

- Phong tục và những điều cấm kị.

(Tài liệu tham khảo: Quản trị khách sạn, Bùi Xuân Phong, NXB Lao động, 2015)

Tuyết Nhi