|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Ngoại ứng tích cực (Positive Externalities) là gì?

11:47 | 11/01/2020
Chia sẻ
Ngoại ứng tích cực (tiếng Anh: Positive Externalities) là những lợi ích mang lại cho bên thứ ba (không phải là người mua và người bán), và lợi ích đó cũng không được phản ánh vào giá bán.
Ngoại ứng tích cực (Positive Externalities) là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa. Nguồn: Intelligente Conomist

Ngoại ứng tích cực (Positive Externalities)

Định nghĩa

Ngoại ứng tích cực trong tiếng Anh là Positive Externalities.

Ngoại ứng tích cực là những lợi ích mang lại cho bên thứ ba (không phải là người mua và người bán), và lợi ích đó cũng không được phản ánh vào giá bán.

Hiểu theo cách đơn giản, ngoại ứng tích cực xảy ra khi việc tiêu thụ hoặc sản xuất hàng hóa tạo ra lợi ích cho bên thứ ba.

Ví dụ, sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin không chỉ mang lại lợi nhuận khổng lồ cho các công ty máy tính và sự tiện lợi cho người sử dụng, mà nó còn góp phần cải tiến năng suất lao động hoặc tạo ra những cuộc cách mạng trong mọi mặt đời sống của nhân dân.

Ý nghĩa và tác động của ngoại ứng tích cực

Mặc dù nói về ngoại ứng chủ yếu đề cập đến ngoại ứng tiêu cực, điển hình nhất là hiện tượng gây ô nhiễm môi trường, nhưng cũng phải thấy rằng nhiều khi ảnh hưởng lan tỏa của một hoạt động lại có lợi chứ không phải gây thiệt hại cho người khác.

Chẳng hạn, tiêm chủng phòng bệnh thường được coi là tạo ra ngoại ứng tích cực vì ngoài việc những người được trực tiếp tiêm chủng sẽ giảm được nguy cơ bị nhiễm bệnh, cả những người không được tiêm chủng cũng được lợi vì khả năng lây lan sang họ sẽ giảm đi nếu số người nhiễm bệnh giảm.

Do đó, lợi ích của việc tiêm chủng đã vượt ra ngoài những đối tượng được trực tiếp tiêm chủng.

Ngoại ứng tích cực (Positive Externalities) là gì? - Ảnh 2.

Hình 2-8: Ngoại ứng tích cực. Nguồn: Giáo trình Kinh tế công cộng, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân

Hình 2-8 minh họa vì sao nếu việc tiêm chủng phòng bệnh được bán trên thị trường cạnh tranh thì kết quả mà thị trường tạo ra không hiệu quả.

Cân bằng thị trường cạnh tranh diễn ra tại U, với Q1 trường hợp tiêm chủng được thực hiện trong một năm vì tại đó đường lợi ích cận biên (MPB) đối với các cơ sở y tế bằng chi phí biên (MC).

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, hoạt động tiêm chủng mang lại lợi ích ngoại ứng biên cho cả những đối tượng không được tiêm chủng (MEB), và lợi ích này không được các cơ sở y tế tính đến. Nếu xét trên giác độ xã hội thì lợi ích biên xã hội (MSB) phải là MPB + MEB.

Như vậy, mức tiêm chủng tối ưu xã hội là Q0 đạt tại điểm V khi MSB = MC, chứ không phải Q1.

Tóm tắt, khi xuất hiện ngoại ứng tích cực thì thị trường luôn tạo ra một mức sản lượng thấp hơn mức tối ưu xã hội. Khi không có sự điều chỉnh của Chính phủ, xã hội sẽ bị tổn thất một khoản phúc lợi bằng tam giác chấm UVZ. 

(Tài liệu tham khảo: Economics help; Giáo trình Kinh tế công cộng, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)

Thanh Tùng

Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng phiên VN-Index tăng điểm diện rộng
NĐT nước ngoài có phiên mua ròng thứ hai liên tục với quy mô 294 tỷ đồng. Giao dịch giải ngân chủ yếu tập trung trên HOSE với hơn 243 tỷ đồng.