|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngoài dầu thô, rất nhiều thứ có giá âm nhưng không ai để ý

15:21 | 11/05/2020
Chia sẻ
Hiện tượng giá âm không vi phạm bất kì qui tắc kinh tế nào và từng xảy ra nhiều lần tại nhiều thị trường trên thế giới. Việc giá dầu thô giảm xuống dưới 0 gần đây cũng không có gì quá đặc biệt.
Ngoài dầu thô, rất nhiều thứ có giá âm nhưng không ai để ý - Ảnh 1.

Hình minh họa: Alex Chu

Giá dầu âm và lí thuyết kinh tế đơn giản đằng sau

Cuối tháng 4 vừa qua, một hiện tượng thu hút sự chú ý của toàn thế giới là giá dầu thô giảm xuống dưới 0. Những người theo dõi thị trường dầu mỏ không hề cảm thấy bất ngờ với diễn biến này và nhiều dự báo giá dầu âm đã được đưa ra từ cuối tháng 3.

Ngoài dầu thô, rất nhiều thứ có giá âm nhưng không ai quan tâm - Ảnh 1.

Những dự báo giá dầu có thể giảm về âm từng bị cho là "nhảm nhí". Ảnh chụp màn hình.

Tuy nhiên với những người không nắm rõ thị trường, việc giá dầu (hay giá của bất kì loại hàng hóa nào) xuống dưới 0 là điều không tưởng và những dự báo về giá dầu âm từng bị cho là "nhảm nhí" hay "ngáo ngơ".

Chương đầu tiên của các giáo trình kinh tế học vẫn nói rằng người bán phải trả tiền cho người mua. Khi giá giảm xuống thấp, nhu cầu mua sẽ tăng lên; nguồn cung bán ra sẽ giảm xuống, kết quả là giá sẽ bị đẩy lên cao trở lại.

Thế nhưng trong chương tiếp sau của giáo trình sẽ nói về khái niệm "độ co giãn của cung và cầu theo giá" và cần phải đọc cả chương này mới có thể hiểu được lí thuyết kinh tế đằng sau hiện tượng giá âm.

Trong một số trường hợp, giá thay đổi nhưng nguồn cung và nhu cầu không đổi.

Chẳng hạn, chính phủ Mỹ cần mua 4 triệu chiếc khẩu trang để phục vụ công tác chống dịch COVID-19 đang hoành hành và khiến cho hơn 80.000 người chết; dù giá khẩu trang có tăng gấp 5 hay 10 lần thì Mỹ vẫn phải cắn răng mà chi tiền để mua cho đủ 4 triệu chiếc.

Hiện tượng này được gọi là "nhu cầu (hoặc nguồn cung) không co giãn theo giá".

Trong trường hợp của dầu thô, các biện pháp cách li và phong tỏa diện rộng áp dụng tại nhiều quốc gia khiến cho nhu cầu với xăng dầu sụt giảm thảm hại. Nhà máy phải đóng cửa, xe cộ nằm im trong gara, người dân ở yên trong nhà.

Lúc này dù giá xăng dầu có giảm xuống thấp bao nhiêu đi chăng nữa người dân cũng không mua thêm để đi lượn phố, doanh nghiệp cũng không thể mở cửa vì làm thế là trái lệnh cách li của chính phủ. Như vậy, nhu cầu đang không co giãn theo giá, ít nhất là trong thời gian cách li phong tỏa.

Ở phía nguồn cung, một khi giếng dầu đã được khoan và đưa vào khai thác thì dầu phải liên tục được bơm ra. Giếng dầu không phải một bể chứa nước có thể đóng/mở van tùy ý. Nếu vì lí do nào đó mà nhà khai thác không muốn bơm dầu ra nữa, giếng dầu đó phải bị đóng hẳn, việc khôi phục sản xuất sau này sẽ rất khó khăn và tốn kém, đồng thời ảnh hưởng tới trữ lượng.

Vì vậy, giá dầu có thể xuống thấp, thậm chí dưới 0, nhưng nếu nhà khai thác cho rằng giá dầu sẽ hồi phục trong tương lai thì họ có thể vẫn sẽ tiếp tục bơm dầu ra thay vì đóng giếng. Ở đây đang xảy ra hiện tượng nguồn cung không co giãn theo giá, ít nhất là trong trường hợp số lỗ do bán dầu giá âm tạm thời vẫn nhỏ hơn chi phí mở lại giếng dầu.

Thông thường, khi nhu cầu sử dụng xăng dầu giảm quá mạnh mà nguồn cung không giảm theo kịp, một số quốc gia và doanh nghiệp có thể mua dầu về trữ trong kho. Nhưng khi tình trạng mất cân đối cung cầu diễn ra quá lâu, kho chứa cũng bị đầy thì giá dầu chỉ còn cách giảm xuống dưới 0.

Diễn giải theo ngôn ngữ bình dân, số tiền người bán trả cho người mua khi giao dịch dầu giá âm chính là chi phí lưu kho. Dầu đã bơm lên rồi không thể đổ xuống đất hay thải ra biển được, phải cất vào kho chuyên dụng.

Chi tiết hơn, ngày 20/4/2020 giá hợp đồng tương lai dầu thô WTI (West Texas Intermediate) giao trong tháng 5 đóng cửa ở mức -37 USD/thùng. Thông thường có rất nhiều người mua hợp đồng tương lai (HĐTL) dầu thô, không phải vì cần dùng đến loại "vàng đen" này mà chỉ là để kiếm lợi nhuận từ biến động giá.

Nếu nắm giữ hợp đồng đến ngày đáo hạn, nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị kho chứa để nhận bàn giao những thùng dầu vật chất. Vì vậy trước khi đáo hạn, các nhà đầu tư sẽ bán lại các HĐTL này cho những bên thực sự có nhu cầu về dầu (như các nhà máy lọc dầu, các quốc gia nhập khẩu, …) và chuyển sang mua HĐTL dầu đáo hạn vào tháng kế tiếp.

HĐTL dầu giao tháng 5 có giá âm vì các nhà đầu tư không có kho chứa và phải bán tháo hợp đồng đi để tránh nghĩa vụ phải nhận dầu vật chất; người mua lại rất ít vì như đã nói ở trên, nhu cầu dầu trong thời gian phong tỏa kinh tế là cực thấp.

Cùng ngày giá dầu giao tháng 5 xuống -37 USD/thùng, giá dầu giao tháng 6 vẫn dương ở mức 20 USD/thùng. Nói cách khác, nếu nhà đầu tư bán HĐTL dầu giao tháng 5 để mua HĐTL dầu giao tháng 6 thì sẽ mất tổng cộng 57 USD/thùng, con số 57 USD này chính là chi phí lưu kho một thùng dầu trong vòng một tháng (từ tháng 5 tới tháng 6).

Câu chuyện buồn với hàng hóa mùa dịch

Trong giai đoạn kinh tế đóng cửa vì đại dịch như thời gian qua, rất nhiều hàng hóa phải chịu chung số phận với dầu thô.

Hàng triệu lít bia bị đổ ra sôngvài triệu lít sữa bị đổ ra đồngnhững vựa rau quả bạt ngàn bị bỏ thối, hàng nghìn con lợn bị giết rồi ném ra bãi rác dù không hề mắc dịch bệnh gì, …

Nguyên nhân đằng sau những câu chuyện buồn và có vẻ vô lí này cũng chỉ tóm gọn lại trong hai chữ "cung-cầu", giống như với dầu thô.

Các nhà hàng, khách sạn đóng cửa nên không có ai nhập rau quả, thịt lợn nữa, tức là nhu cầu sụp đổ và không thay đổi khi giá giảm. 

Cây đã trồng xuống đất rồi đương nhiên phải lớn lên, quả đã ra đương nhiên phải chín, lợn đã nuôi đương nhiên phải đến lúc xuất chuồng, tức là nguồn cung vẫn tăng trong ngắn hạn bất kể giá xuống thấp đến đâu.

Trường học đóng cửa khiến cho nhu cầu sữa gần như biến mất, mà bò sữa thì ngày nào cũng phải được vắt sữa. Cầu vẫn giảm mà cung cứ tăng, chưa kể lệnh phong tỏa khiến việc vận chuyển sữa gặp khó khăn. 

Lí do duy nhất khiến cho giá sữa không âm là sữa có thể được đổ ra đường mà không gây ra thảm họa môi trường như dầu nên người bán không cần trả tiền cho người mua chở sữa đi.

Tuy nhiên đây chỉ là sai khác nhỏ về đặc tính kĩ thuật, bản chất kinh tế của các thị trường hàng hóa này là giống hệt nhau.

Ngoài dầu thô, rất nhiều thứ có giá âm nhưng không ai để ý - Ảnh 5.

Nông dân Mỹ đổ bỏ hàng triệu lít sữa trong thời gian phong tỏa chống dịch COVID-19. Ảnh: Wisconsin Farmer.

Năm 2019, thị trường tài chính thế giới từng xôn xao vì nhiều loại lãi suất giảm xuống dưới 0, nhà đầu tư lo sợ đây là dấu hiệu dự báo khủng hoảng đến gần. 

Lãi suất là giá của tiền tệ, lãi suất âm tức là tiền tệ có giá âm, người đi vay không phải trả lãi mà còn được bên đi vay cho thêm tiền. Hiện tượng này đã được giải thích cặn kẽ ở đây.

Như đã thấy, hiện tượng giá âm hoàn toàn có thể xảy ra trong thực tế và không hề vi phạm qui tắc kinh tế căn bản nào, tất cả đều có thể được giải thích bằng những suy luận thông thường và khái niệm cung-cầu quen thuộc.

Giá của hàng hóa được quyết định bởi quan hệ cung cầu-chứ không phải bởi công năng của hàng hóa. Một trong những phép so sánh điển hình hay xuất hiện trong các sách giáo khoa kinh tế là "Nước và Kim cương". 

Nước là thứ thiết yếu với cuộc sống, không ai có thể sống thiếu nước, thế nhưng giá nước lại rất rẻ. Kim cương là thứ ít giá trị thực tiễn, không có kim cương con người vẫn sống khỏe, nhưng giá kim cương lại đắt cắt cổ. Nguyên nhân chỉ đơn giản là cung – cầu.

Giá âm quanh ta

Giá âm còn xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày của mọi người nhưng không ai để ý đến. Hàng tháng, các gia đình – đặc biệt là ở thành phố - vẫn đóng phí thu gom rác cho công ty môi trường đô thị. Đây chẳng phải là người bán (gia đình) trả tiền để người mua (công ty thu gom) mang hàng hóa (rác) đi nơi khác hay sao?

"Nhưng rác là thứ bỏ đi. Rác không phải là thứ tiêu dùng được. Rác không phải là tài nguyên quí giá. So sánh thế là khập khiễng" … là một số lập luận phản bác nhiều người đưa ra.

Rác thực sự là một tài nguyên quí giá. Một số loại rác có thể dùng làm phân bón. Nhiều nước trên thế giới lại hoàn thiện công nghệ nhiệt điện rác, tức là đốt rác để chạy máy phát điện. Tro, sỉ sau quá trình đốt lại được dùng để ép thành gạch lát ở vỉa hè. Ngoài ra, các loại vật chất hữu cơ trong bãi rác luôn phân hủy và tạo ra khí metan (CH4) có thể dùng làm nhiên liệu. Công năng của rác không thua kém gì nhiều loại hàng hóa.

Nếu hiện tượng giá âm đã xảy ra nhiều lần với rau, quả, sữa, bia, rác, ... tại sao việc giá dầu âm tháng 4 vừa qua lại làm nhiều người bất ngờ và thu hút sự chú ý quá lớn như vậy?

Năm 1936, khí cầu Hindenburg khởi hành từ Frankfurt, Đức chở theo 97 người đến New Jersey, Mỹ. Khi tới cánh đồng Lakehurst bang New Jersey, chiếc Hindenburg bỗng nhiên bốc cháy dữ dội ở phía đuôi và khí hydro phát nổ làm 35 người trên khí cầu thiệt mạng.

Đây không phải là thảm họa khí cầu đầu tiên trên thế giới và cũng không phải vụ việc đẫm máu nhất. Điều đặc biệt về tai nạn Hindenburg là nó được một nhóm quay phim tình cờ có mặt tại hiện trường ghi lại.

Với các thảm họa trước đây, công chúng chỉ nhìn thấy hậu quả là một đống tro tàn bất động. Với Hindenburg, hình ảnh ngọn lửa hung tợn thiêu rụi chiếc khí cầu mỏng manh trong khi hàng chục hành khách bỏ chạy thục mạng đã khiến người xem khiếp đảm, đánh dấu chấm hết cho ngành công nghiệp khí cầu đang hưng thịnh.

Ngoài dầu thô, rất nhiều thứ có giá âm nhưng không ai quan tâm - Ảnh 6.

Khí hydro bên trong Hindenburg bùng cháy, nhiều người bỏ chạy tán loạn, New Jersey ngày 6/5/1937. Ảnh: AP.

Tương tự như Hindenburg, dầu thô không phải mặt hàng đầu tiên có giá âm. Sở dĩ hiện tượng giá dầu âm thu hút được nhiều sự chú ý là vì dầu thô được giao dịch bởi những tay chơi tên tuổi như JP Morgan, Goldman Sachs, Bank of America, Bank of China … trên các trung tâm tài chính lớn nổi tiếng thế giới như New York, London, ... và do vậy dễ dàng cho cả thế giới theo dõi hơn so với một đống rác hay một thùng sữa.

Song Ngọc