|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Suy thoái kinh tế lan xa vạn dặm trong một ngày: Câu chuyện về một nhà hàng thời đại dịch

10:40 | 22/04/2020
Chia sẻ
Một nhà hàng sáng đèn liên tục trong gần hai thập kỉ đột nhiên phải đóng cửa khi COVID-19 ập đến. Từ đây, hiệu ứng dây chuyền nhanh chóng lây lan ra những công ty khác trong chuỗi cung ứng cách xa hàng chục nghìn cây số.

Meiwah là một nhà hàng được ưa thích tại khu ngoại ô Maryland, khá gần Nhà Trắng và Tòa Quốc hội - nơi mà các chính trị gia Mỹ đang tranh luận về phương án giải cứu nền kinh tế.

Nhà hàng này chuyên phục vụ đồ ăn Trung Quốc cho nhiều khách hàng, bao gồm cả những tên tuổi lừng lẫy trong chính giới như cựu Tổng thống Bill Clinton.

Tháng trước, ông chủ Larry La đã phải đóng cửa Meiwah vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, sa thải hơn ba chục nhân viên, thương lượng hoãn trả tiền thuê nhà và lần mò tìm hiểu xem gói cứu trợ doanh nghiệp nhỏ của chính phủ có thể giúp được ông hay không.

Suy thoái kinh tế lan xa vạn dặm trong một ngày: Câu chuyện về một nhà hàng và chuỗi cung ứng - Ảnh 1.

Ông Larry La - Chủ nhà hàng Meiwah. Ảnh: Larry La/Bloomberg.

Việc nhà hàng của ông đóng cửa cũng mở đầu cho một loạt phản ứng dây chuyền dọc chuỗi cung ứng trải khắp nước Mỹ. Thực tế, không chỉ một nhà hàng như của ông La mà hàng vạn doanh nghiệp cùng sập tiệm vì dịch bệnh. Nói vậy để thấy "cơn địa chấn kinh tế" mà COVID-19 gây ra thảm khốc tới mức nào.

Nhà hàng đóng cửa: Quân domino đầu tiên ngã xuống

Ông chủ Larry La là người gốc Hoa nhưng từ nhỏ sống ở Việt Nam. "Tôi được sinh ra và lớn lên trong vùng chiến sự", ông kể lại. Xung quanh tôi khi đó đầy rẫy hiểm nguy, nhưng ít nhất đó cũng là loại hiểm nguy mà tôi trông thấy được, không phải "kẻ thù vô hình" như virus corona chủng mới gây dịch COVID-19. "Đây là một cuộc chiến hoàn toàn khác biệt".

Suy thoái kinh tế lan xa vạn dặm trong một ngày: Câu chuyện về một nhà hàng và chuỗi cung ứng - Ảnh 2.

Ông Larry La sinh ra và lớn lên tại Việt Nam. Ảnh: Larry La/Bloomberg.

Năm 20 tuổi, ông La cùng gia đình chuyển đến thị trấn Erwin bang Tennessee, Mỹ. "Tôi là người duy nhất có vẻ ngoài khác biệt và nói một thứ tiếng xa lạ". Sau đó ông chuyển đến Washington khi một người anh rể nghe tin ở thủ đô đang tuyển người làm trong nhà hàng. Dần dần, ông tích cóp được vốn và mở tiệm riêng.

"Thử nghĩ mà xem, ngành kinh doanh nhà hàng thực ra rất phức tạp", ông La nói. Ngành này cũng có thể rất thú vị và hào nhoáng. Ở website của nhà hàng Meiwah có những bức ảnh chụp hình ông La với ban nhạc Rolling Stones nổi tiếng.

Ông La còn cho biết cựu Tổng thống Bill Clinton từng thường xuyên gọi món thịt bò giòn, sau đó chuyển sang thịt gà, bông cải xanh và trong khoảng 5 năm trở lại đây là đậu phụ và sushi rau quả.

"Nhà hàng của tôi sáng đèn trong 18 năm liền", ông La nói. "Trong suốt 31 năm làm trong ngành nhà hàng của mình, từ lúc làm thuê đến khi làm chủ, đây là lần đầu tiên tôi phải đóng cửa vì bất kì lí do gì".

Ông cho rằng nhà hàng Meiwah của ông có thể đóng cửa tạm thời thêm hai hoặc ba tháng nữa. Nếu tình hình phong tỏa kéo dài hơn thì có thể Meiwah sẽ phải đóng cửa vĩnh viễn. "Tôi rất tin tưởng vào nước Mỹ, tôi nghĩ chúng tôi sẽ vượt qua được. Nhưng tình hình hiện nay rất khó đoán, không có gì là chắc chắn cả".

Công ty phân phối cũng đổ theo

Sau khi đóng cửa, Meiwah gọi điện cho ông Charlie Chan – Tổng Giám đốc công ty phân phối thực phẩm SBC Food Corporation và thông báo hủy đơn đặt hàng. Đối với SBC, diễn biến này không có gì xa lạ, trong khoảng một tháng trở lại đây, hoạt động phân phối rau củ, gạo và các nông sản khác của công ty này đã sụt giảm tới 80%.

Suy thoái kinh tế lan xa vạn dặm trong một ngày: Câu chuyện về một nhà hàng và chuỗi cung ứng trong đại dịch - Ảnh 3.

Ảnh: Charlie Chan/Bloomberg.

"Tình hình ngày một xấu đi", ông Chan nói và cho biết thêm rằng ông chủ nhà hàng Larry La là một người bạn thân và khách hàng lâu năm. Cha mẹ của ông Chan thành lập công ty từ hơn 40 năm trước. Nhà kho của SBC ở phía đông bắc Washington thường cung cấp thực phẩm cho hàng chục nhà hàng Trung Quốc trong khu vực.

"Đây là kiểu hiệu ứng dây chuyền. Nếu các nhà hàng không bán được thì cũng sẽ không nhập hàng từ chúng tôi, thế rồi chúng tôi cũng không mua từ các nông trại và các nhà phân phối khác".

Ông nói thêm: "Chúng tôi đã phải vứt bỏ rất nhiều rau và thịt vì tồn đọng lâu ngày? Bao nhiêu ư? Hàng xe tải cơ".

"Chúng tôi đang cố gắng cắt giảm chi phí". Ông Chan hiện nay chỉ sử dụng ba xe tải thay vì 10 xe như trước, chuyển 10 chuyến hàng thay vì 50 và thuê 5 lao động so với con số 12 trước đây. "Giờ hầu như chỉ có người nhà làm việc với nhau".

Nông dân điêu đứng

Công ty nông sản Fortune Growers có trụ sở tại bang Illinois thường sản xuất khoảng 1.400 tấn bông cải xanh mỗi tuần. Tuần trước, Fortune chỉ xuất bán 1.000 tấn.

Một số hãng bán lẻ lớn như Walmart hay Kroger mua nhiều hơn nhưng các nhà hàng – đối tượng đóng góp đa số trong cơ cấu doanh thu – lại cắt giảm mạnh đơn hàng.

Suy thoái kinh tế lan xa vạn dặm trong một ngày: Câu chuyện về một nhà hàng và chuỗi cung ứng trong đại dịch - Ảnh 4.

Anh Mark Sato và thùng bông cải xanh (súp lơ xanh). Ảnh: Mark Sato/Bloomberg.

Khi anh Mark Sato làm việc ở Fortune nhận được cuộc gọi từ Tổng Giám đốc Chan của SBC để hủy đơn hàng, anh buộc phải dùng đến tư duy nhanh nhạy được rèn luyện đặc biệt trong vài tuần gần đây.

"Biên lợi nhuận của chúng tôi quá mỏng nên luôn phải đảm bảo mọi thứ đều được tận dụng tối đa", anh Sato nói. "Chúng tôi đã chuẩn bị hàng để chất lên xe tải nhưng vào phút chót SBC hủy đơn hàng, vậy là chúng tôi phải hủy đặt xe và tính toán lại".

Theo lời kể của anh Sato, khi đại dịch ập đến nước Mỹ vào cuối tháng 3, lượng mua của các nhà hàng cắm đầu lao dốc và Fortune phải dừng đóng gói hàng trong suốt một tuần. Tại Mexico – nơi bông cải xanh được trồng và đóng gói, hàng trăm công nhân được dặn ở yên trong nhà, nhiều héc ta rau quả bị bỏ thối ở ngoài cánh đồng.

Kể từ đó, nông dân Mexico đã thu hẹp diện tích gieo trồng đi 10%, tuy nhiên đây chỉ là con số áng chừng và không ai biết chính xác là bao nhiêu. "Chúng tôi trồng những loại cây với dự tính thu hoạch sau ba tháng. Đến lúc đó, liệu hoạt động kinh doanh đã ổn định trở lại hay chưa? Hay là mọi người vẫn phải ở yên trong nhà? Hay là chúng tôi sẽ phải đóng cửa hẳn luôn? Không ai biết trước".

Lái xe tải lỗ vốn

Bông cải xanh của Fortune được chuyển đi khắp nước Mỹ bằng những người lái xe tải như anh Yosmell Lemus. Anh có một chiếc xe đông lạnh chuyên dùng để chở các loại hàng thực phẩm tươi như rau củ. Thông thường cước vận chuyển trên xe đông lạnh sẽ cao hơn xe tải thường, nhưng hiện tại thì không.

"Giá cước hiện nay rất rẻ, cánh lái xe chúng tôi chẳng kiếm được là bao, thậm chí không đủ tiền xăng dầu", anh Lemus nói. Anh đang trên đường từ thành phố Dallas đến McAllen gần biên giới Mexico để nhận một chuyến hàng – mới chỉ là chuyến thứ hai trong tuần.

Trong suốt quãng đường dài 800 km này, xe của anh chạy rỗng – điều không tưởng khi hoạt động kinh doanh diễn ra bình thường. Trước đây, anh chỉ cần nhấc điện thoại lên gọi và sẽ đón được một chuyến hàng tiện trên đường đi. Giờ đây, anh phải tự bỏ tiền túi ra để trả tiền xăng xe khi không có hàng.

Suy thoái kinh tế lan xa vạn dặm trong một ngày: Câu chuyện về một nhà hàng và chuỗi cung ứng trong đại dịch - Ảnh 5.

Anh Yosmell Lemus. Ảnh: Yosmell Lemus/Bloomberg.

"Cước vận tải đi xuống theo tình hình thị trường, nhưng tiền nhà, tiền hóa đơn điện nước thì vẫn vậy" anh Lemus nói. Tất cả gánh nặng đều đè lên đôi vai người lái xe này. Anh và vợ đã thống nhất rằng vợ anh nên nghỉ công việc dọn phòng ở khách sạn Aria Hotel tại Las Vegas để tránh nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Anh Lemus lo chính anh cũng có thể lây nhiễm COVID-19. Mỗi lần rời xe, anh đều đeo khẩu trang và găng tay. Việc xếp hàng lên xe hoặc xuống xe hiện nay có thể mất tới 6 giờ đồng hồ vì những qui định mới về an toàn y tế. Khi lên xe, anh dùng miếng gạc tẩm cồn để lau sạch mọi bề mặt.

"Lái xe tải như tôi bây giờ chính là những người trên tuyến đầu của cuộc chiến với COVID-19. Tôi luôn cố gắng giữ an toàn nhưng cũng không thể biết được khi nào mình có thể đổ bệnh. Với những gì mà chúng tôi đang làm hiện nay, chúng tôi cần được trả công xứng đáng hơn", người lái xe Lemus chia sẻ.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền