Cựu nhân viên Goldman Sachs chia sẻ bí quyết xây dựng và bán startup TMĐT thành công cho gã khổng lồ Alibaba
Sau 6 năm làm việc tại ngân hàng Goldman Sachs trong bộ phận ngân hàng đầu tư, Bjarke Mikkelsen đã phải đối mặt với một tình huống khó xử, theo CNBC Make It.
“Tôi đã có một cuộc sống rất thoải mái, nhưng tôi không thực sự cảm thấy mình có mục đích trong cuộc sống. Trong lĩnh vực ngân hàng, bạn luôn là một cố vấn. Tôi biết tôi muốn thử và điều hành một doanh nghiệp. Tôi muốn làm một cái gì đó trong lĩnh vực công nghệ và tôi cũng rất thích xây dựng mọi thứ”, theo Bjarke Mikkelsen.
Chính khát vọng đó đã đưa Bjarke Mikkelsen đến Pakistan, nơi anh đã xây dựng một nền tảng thương mại điện tử có tên Daraz. “Ý tưởng luôn là xây dựng thứ gì đó được lấy cảm hứng từ Amazon và Alibaba, nơi có ba yếu tố, gồm thương mại điện tử, logistics và cơ sở hạ tầng thanh toán”, cựu nhân viên Goldman Sachs chia sẻ.
Vào năm 2018, ba năm sau khi hoạt động kinh doanh ra đời, Daraz đã được Alibaba mua lại trong một thỏa thuận không được tiết lộ như một phần trong nỗ lực của gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc nhằm mở rộng thị trường ở Nam Á. Daraz hiện hoạt động tại Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal và Myanmar, phục vụ 40 triệu khách hàng.
Mikkelsen nói: “Một trong những điều tôi yêu thích nhất về thương mại điện tử là tính công bằng. Không quan trọng bạn là nam hay nữ, bạn sống ở thành phố lớn hay vùng nông thôn, bạn là khách hàng hay người mua, mọi người đều có cơ hội như nhau”.
Vậy làm thế nào để một người đàn ông từng có nhiều năm làm việc tại một trong những ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới lại quyết định nghỉ việc để xây dựng startup thương mại điện tử, và thành công trong việc bán lại nó cho một trong những gã khổng lồ lớn nhất ngành, Alibaba?
Tự thực hiện thẩm định
Mikkelsen rời ngân hàng đầu tư Goldman Sachs vào năm 2015, thời điểm mà “có quá nhiều sự cường điệu xung quanh các công ty khởi nghiệp công nghệ”. “Rất dễ dàng để gọi vốn đầu tư cho một ý tưởng gì đó”, nhà sáng lập Daraz chia sẻ.
Tuy nhiên, anh cho biết điều quan trọng là phải thực hiện trách nhiệm giải trình của mình trong việc đánh giá các cơ hội và tìm kiếm người tiêu dùng mục tiêu. “Tôi đã dành rất nhiều thời gian chỉ để nghiên cứu thị trường và hiểu đâu là cơ hội tiềm năng. Tôi bắt đầu nhìn vào Nam Á và nhận ra đó là một phần chính của thế giới, nhưng nơi đó vẫn chưa có thương mại điện tử. Đó là một thị trường có nửa tỷ người sinh sống, một cơ hội không thể bỏ qua”, Mikkelsen thừa nhận.
Mikkelsen đã chuyển đến Pakistan, nơi anh sống trong ba năm và dành phần lớn thời gian để đi đến các vùng nông thôn và tìm hiểu con người, văn hóa cũng như nhu cầu của họ.
“Nếu tôi cố gắng xây dựng một doanh nghiệp thương mại điện tử trông giống như Amazon ở Đan Mạch, thì điều đó sẽ không thành công. Chúng tôi cần gia tăng giá trị để cuối cùng có thể xây dựng một công việc kinh doanh có lãi”, nhà sáng lập Daraz cho biết
Chậm mà chắc
Đối với Mikkelsen, có thể đưa doanh nghiệp đạt hiệu quả “100%” là một điều kỳ diệu. “Bạn đánh giá thấp nỗ lực để tung ra một sản phẩm tuyệt vời và xây dựng một dịch vụ tuyệt vời. 90% thực ra chẳng là gì cả, bạn phải đạt được 100%”, Mikkelsen cho biết.
Đó là điều mà anh đã học được một cách khó khăn trong những ngày đầu của Daraz, vì Mikkelsen không có kinh nghiệm trong việc xây dựng một trang web thương mại điện tử.
Theo Mikkelsen, cách đi chậm mà chắc là chìa khóa đạt được thành công. “Thương mại điện tử có nhịp độ rất nhanh và mọi người luôn phải chịu áp lực phải thực hiện dự án tiếp theo hoặc mục tiêu tiếp theo hoặc chiến dịch tiếp theo. Nhưng điều tôi thực sự đã thực hiện là làm mọi thứ chậm lại, tạm dừng và biết rằng mọi thứ vẫn đang diễn ra tốt đẹp”, nhà sáng lập Daraz chia sẻ
Không bao giờ có khái niệm hoàn thành công việc
Mặc dù Daraz đang trên “con đường dẫn đến lợi nhuận” với tỷ suất lợi nhuận gộp dương, Mikkelsen cho biết công việc của mình vẫn chưa hoàn thành. “Tôi đã từng nghĩ rằng tại một thời điểm nào đó, một khi chúng tôi xây dựng được doanh nghiệp tỷ USD, chúng tôi sẽ có một quy trình ổn định. Tuy nhiên, tôi nhận ra rằng ngay cả với những gã khổng lồ như Alibaba, sẽ không có chuyện họ xong việc và dừng lại”, Mikkelsen nói.
Tuy nhiên, hiện tại, Mikkelsen hài lòng với ý thức về mục đích mà anh đã tìm thấy. “Chúng tôi có hơn 40 triệu khách hàng hoạt động trên ứng dụng mỗi tháng và hơn 100.000 người bán trên nền tảng của mình, nơi chúng tôi thực sự đang tạo ra cơ hội và làm cho cuộc sống của họ trở nên tốt đẹp hơn”, ông nói thêm.
Nổi hoặc chìm
Lời khuyên cuối cùng mà Mikkelsen dành cho các founder là hãy tiếp cận cuộc hành trình của họ với tư duy “nổi hoặc chìm”. “Tôi thực sự chỉ khuyến khích mọi người hãy cố gắng và đừng sợ thất bại. Đôi khi bạn thất bại và điều đó không sao cả. Thông thường, bạn phải học cách nổi lên và bơi đi ngay trên hành trình cảu mình, nhưng đến một ngày nào đó, bạn có thể làm được điều đó và không sợ bị chìm”, nhà sáng lập Daraz cho biết, đồng thời thừa nhận việc chuyển từ một công việc có thu nhập ổn định để khởi nghiệp là điều gì đó “rất đáng sợ”, nhưng là một quyết định không bao giờ khiến ông hối tiếc.