Việt Nam xếp thứ 63 thế giới về hệ thống hỗ trợ startup kỹ thuật số
Mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố chỉ số Toàn cầu về Hệ thống Khởi nghiệp Kỹ thuật số. Chỉ số của về hệ sinh thái startup của từng quốc gia được ADB đánh giá dựa trên các tiêu chí như văn hóa, thể chế chính trị, điều kiện thị trường, tài chính, nguồn lực lao động, cơ sở hạ tầng, trí tuệ và mạng lưới kết nối.
Theo bảng xếp hạng của ADB, có tới 1/5 nền kinh tế mới nổi ở khu vực châu Á đứng ở phía cuối bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường kỹ thuật số và hệ thống hỗ trợ cho doanh nhân khởi nghiệp.
Tuy nhiên, vẫn có một số quốc gia châu Á có hệ thống hỗ trợ thuộc vào hàng tốt nhất thế giới, tiêu biểu như Singapore, quốc gia có hệ thống hỗ trợ và môi trường kỹ thuật số tốt nhất thế giới. Đứng ở các vị trí tiếp theo trong top ba lần lượt là Mỹ và Thụy Điển.
Danh sách của ADB được tìm hiểu và đo lường trên 113 nền kinh tế khác nhau trên thế giới. Trong số đó, châu Á có 23 nền kinh tế được ADB xếp trong bảng xếp hạng mới nhất này. Dù vậy, có tới 17/23 nền kinh tế châu Á đang đứng ở những vị trí cuối cùng trên bảng xếp hạng, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc nuôi dưỡng và đào tạo hệ thống để xây dựng tinh thần kinh doanh kỹ thuật số.
Theo danh sách của ADB, Việt Nam hiện xếp ở thứ 63/113 nền kinh tế có hệ thống hỗ trợ startup tốt nhất thế giới. Vị trí của Việt Nam thấp hơn một số nền kinh tế khác trong khu vực Đông Nam Á như Singapore (1), Malaysia (27) hay Thái Lan (59), song cũng cao hơn một số nền kinh tế khác như Indonesia (71), Philippines (79) hay Campuchia (101).
Nhìn rộng ra, vị trí của Việt Nam cũng cao hơn một số nền kinh tế đáng chú ý khác trong khu vực châu Á như Ấn Độ (75), Sri Lanka (82), Bangladesh (96) hay Pakistan (97).
Theo ADB, số hóa mang lại cơ hội phát triển lớn cho các doanh nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đó là động lực của sự đổi mới, là chìa khóa cho các nền kinh tế đang phấn đấu đạt được mức thu nhập cao. Số hóa cũng có thể làm cho các nền kinh tế trở nên linh hoạt hơn, như những gì đã xảy ra khi công nghệ kỹ thuật số giúp nhiều doanh nghiệp sống sót sau đại dịch COVID-19 và cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng toàn diện bằng cách giảm chi phí startup.
“Tinh thần kinh doanh kỹ thuật số đã giúp các nền kinh tế trụ vững trong đại dịch COVID-19 và nó có thể trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, đổi mới trong thế giới hậu đại dịch”, chuyên gia kinh tế Albert Park của ADB cho biết.
“Để điều này xảy ra, cần có một môi trường hỗ trợ được kích hoạt bởi các chính sách có lợi. Mặc dù môi trường dành cho các doanh nhân kỹ thuật số của châu Á đã đạt được những bước tiến đáng kể trong vài năm qua, nhưng vẫn còn rất nhiều chỗ cần phải cải thiện”.
Ngoài việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số như mạng lưới băng thông rộng, ADB cho rằng chính phủ các nước cần thúc đẩy sự ổn định về chính trị, hệ thống luật pháp đáng tin cậy, thị trường mở cùng tỷ lệ cạnh tranh và quyền sở hữu.
Đối với toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một nền văn hóa hỗ trợ không đầy đủ là một trong những điểm yếu lớn nhất khi nói đến việc nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh kỹ thuật số. Một ví dụ là sự thiếu đánh giá chung của công chúng đối với vai trò quan trọng của các doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế. Một cách để thay đổi điều này là nâng cao nhận thức của công chúng về tinh thần kinh doanh thông qua giáo dục.