|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chơi khốc liệt trên thị trường xe điện Trung Quốc: Ba startup nổi tiếng bán nhiều nhưng vẫn lỗ, các đơn vị mới chạy đua công nghệ

07:18 | 19/09/2022
Chia sẻ
Trung Quốc đang là thị trường xe điện số một thế giới, nhưng khi chính phủ nước này cắt giảm các gói hỗ trợ, cục diện của thị trường cũng đang thay đổi.

Khi chính quyền Trung Quốc cắt giảm các gói hỗ trợ để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng xe điện, cục diện thị trường đang có sự thay đổi, theo Asia Nikkei.

Trong khi những ông lớn như gã khổng lồ Tesla hay công ty được tỷ phú Warren Buffett đầu tư BYD có khả năng giữ vững vị trí trong top đầu, thì những công ty khác đang đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, bộ ba công ty đang được niêm yết tại Mỹ gồm Nio, Xpeng và Li Auto đang chứng kiến lợi thế của những người đi đầu bị xóa nhòa. Trước đó, trong năm 2021, cả ba đều đã để lại tiếng vang nhất định trên thị trường xe điện Trung Quốc.

Bộ ba startup xe điện gặp khó

Khi thị trường xe điện Trung Quốc nhanh chóng mở rộng trong những năm gần đây, Nio, Xpeng và Li Auto đã trở thành những startup hàng đầu trong nước. Năm 2021, cả ba đã bán được tổng cộng 90.000 xe điện.

Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc (CPCA), các thương hiệu xe điện địa phương rất phổ biến ở nước này, chiếm khoảng 4/5 thị trường trong 7 tháng đầu năm nay. Nhưng bất chấp dấu ấn đáng kể của họ và sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường, cả ba startup trên vẫn gặp khó trong việc kiếm lời.

Nio, từng được coi là kẻ thách thức Tesla của Trung Quốc, chỉ là doanh nghiệp bán xe điện lớn thứ 5 tại Trung Quốc trong tháng 7, chưa thể lọt vào top ở bất kỳ thời điểm nào trong năm nay. Cùng với việc tụt hạng, danh tiếng của công ty đã bị sụt giảm vào tháng 6 do các cáo buộc đã phóng đại doanh thu của mình.

Công ty có trụ sở tại Thượng Hải đạt doanh thu 9,9 tỷ nhân dân tệ trong quý I và lỗ ròng 1,78 tỷ nhân dân tệ. Từ năm 2019 đến năm 2021, khoản lỗ của Nio lần lượt là 11,3 tỷ nhân dân tệ, 5,3 tỷ nhân dân tệ và 4 tỷ nhân dân tệ.

Xpeng đã tự định vị mình là một lựa chọn hợp túi tiền so với các đối thủ như Nio, song công ty vẫn phải giảm giá xe điện vào tháng 7 để giữ doanh số bán hàng cao hơn Li Auto và Nio. Một người trong ngành nói với tờ Caixin rằng Xpeng định vị xe điện của mình là đối thủ cạnh tranh với xe truyền thống, nhưng chiến lược này không mang lại kết quả như mong đợi. Mặc dù bán chạy hơn Nio và Li Auto trong nửa đầu năm, Xpeng vẫn lỗ 1,7 tỷ nhân dân tệ và có doanh thu cũng như tỷ suất lợi nhuận thấp nhất trong ba công ty.

Li Auto cùng với Xpeng và Nio là bộ ba startup xe điện nổi tiếng nhất Trung Quốc. (Ảnh: Asia Nikkei).

Trong quý I, Li Auto đạt doanh thu 9,56 tỷ nhân dân tệ với khoản lỗ ròng 10,9 triệu nhân dân tệ. Vào tháng 6, công ty đã cho ra mắt chiếc xe điện mới nhất mang tên L9. Chiếc xe này đã được đón nhận một cách tích cực khi nhận được 30.000 đơn đặt hàng vào ngày 1/8 và sẽ bắt đầu việc giao hàng trong tháng 9.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông đưa tin đã có những trục trặc trong mẫu xe mới với các vấn đề tiềm ẩn đã được tìm thấy trên hệ thống treo của chiếc xe. Li Auto đã sớm thông báo họ đã gia hạn điều khoản bảo hành để bao gồm việc sửa chữa miễn phí cho bất kỳ hệ thống treo bị lỗi nào trên L9.

Tương lai ô tô thông minh

Mặc dù gặp khó, song bộ ba startup xe điện nổi tiếng Trung Quốc đã tạo ra sự lo lắng cho các nhà sản xuất ô tô truyền thống. Các công ty ô tô truyền thống nhận ra rằng chỉ quá trình điện khí hóa ô tô của họ là không đủ. Họ cũng cần có khả năng cạnh tranh khi nói đến các tính năng thông minh và khả năng tự chủ của xe.

Qin Lihong, nhà đồng sáng lập Nio, cho biết trong khi nhiều nhà sản xuất ô tô truyền thống đã phát hành xe điện với chất lượng khác nhau, họ đã bắt kịp khi nói đến phần mềm cần thiết để tạo ra những chiếc xe thực sự "thông minh". Ông cho biết một phần lớn thành công của bộ ba startup xe điện Trung Quốc cũng như Tesla đến từ những chiếc xe thông minh.

Huawei, gã khổng lồ đang quay cuồng với những ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Mỹ, đã và đang tự định vị mình là cung cấp giải pháp cho những gã khổng lồ ô tô truyền thống. Công ty chỉ mới gia nhập ngành xe điện một năm trước, nhưng các hệ thống thông minh của Huawei đã nhận được nhiều sự ưu ái.

Công nghệ đang là yếu tố tạo ra sự khác biệt. (Ảnh: Asia Nikkei).

Trong 18 tháng qua, Huawei đã thiết lập quan hệ đối tác với một số nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc và các công ty con chuyên về xe điện của họ để giúp xây dựng các thương hiệu bằng cách sử dụng công nghệ lái xe tự hành của Huawei. Các đối tác của Huawei bao gồm Tập đoàn ô tô Bắc Kinh BAIC BluePark New Energy Technology Co., Ltd., GAC Group, Chongqing Changan Automobile Co. Ltd. và Chongqing Sokon Industry Group Co. Ltd.

Huawei không phải là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc duy nhất đang tìm kiếm những chiếc xe thông minh để tìm ra hướng tăng trưởng mới trong tương lai. Liên doanh Jidu Auto của Baidu và Geely hồi tháng 6 năm nay cũng đã tung ra một mẫu concept "robocar" chạy bằng công nghệ lái xe thông minh của Baidu.

Zeekr, đơn vị ô tô điện riêng của Geely, đã thông báo rằng họ sẽ thay thế miễn phí chip buồng lái thông minh Qualcomm 8155 của mẫu xe đầu tiên. SAIC Motor cũng đã đầu tư vào công ty chip AI Horizon và công ty công nghệ lái xe tự hành Momenta.

Ken Ying, người sáng lập công ty cung cấp giải pháp xe thông minh Pateo của Trung Quốc cho biết: “Khi các công ty ô tô bắt đầu cạnh tranh để được trang bị chip hoặc hệ thống tiên tiến nhất, điều đó có nghĩa là những thay đổi lớn trong ngành xe điện đang đến”.

Xóa bỏ các thương hiệu con

Dù vậy, việc cạnh tranh với bộ ba startup xe điện nổi tiếng Trung Quốc cũng đặt ra thách thức về mặt tổ chức cho các hãng xe ô tô truyền thống. Sản xuất ô tô điện thông minh đòi hỏi các công ty ô tô truyền thống phải trang bị lại tổ chức nội bộ của họ, với các bộ phận mới phát sinh khi các bộ phận khác giảm dần tầm quan trọng.

Điều này có thể dẫn đến xung đột, đặc biệt là khi liên quan đến các công ty nhà nước. "Nó giống như một người chặt đứt tay phải của mình bằng tay trái. Tay phải của anh ta chắc chắn sẽ chống lại việc đó", cựu nhân viên của một hãng xe cho biết.

Một cách mà các công ty đang cố gắng giải quyết vấn đề này là cắt đứt các thương hiệu phụ ô tô điện của họ và cho phép họ làm theo chính sách của các công ty khởi nghiệp.

Aion, thương hiệu con thuần về xe điện của nhà sản xuất ô tô nhà nước GAC Group, là ví dụ rõ ràng nhất. Vào tháng 7, đơn vị này đã bán được 25.000 chiếc xe điện.

Trong nhiều năm, các loại xe hơi truyền thống là trụ cột mang về lợi nhuận cho GAC ​​và xe điện chỉ là một nhánh của ngành kinh doanh xe truyền thống. Giống như các nhà sản xuất ô tô truyền thống khác, những xe điện đầu tiên của hãng dựa trên các phương tiện truyền thống của công ty mẹ.

Tháng 11/2020, đơn vị xe điện của GAC ​​đổi tên thành GAC Aion như một phần của kế hoạch xây dựng một thương hiệu độc lập hơn. Kể từ đó, Aion đã mở cửa với nguồn tài chính bên ngoài nhằm có thêm vốn để phát triển xe điện.

Anh Nguyễn