Trung Quốc trong vòng suy thoái luẩn quẩn, làm sao đưa nền kinh tế thoát khỏi bóng đen đại dịch?
Bị hấp dẫn trước sự phát triển của ngành du lịch tại thành phố Trùng Khánh, ông Li Yi đã dồn phần lớn số tiền tiết kiệm của mình để mở một quán trọ phục vụ đồ ăn sáng vào năm ngoái.
Nhưng chỉ hai tuần sau khi đi vào hoạt động, việc kinh doanh của ông đã bị ảnh hưởng nặng nề khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trùng Quốc.
Sau khi không tạo ra được doanh thu nào trong hai tháng liên tục, ông Li đã rất vui mừng khi được mở cửa quán trọ trở lại vào tháng 4. Nhưng ngay sau đó, ông đã nhận ra thử thách tiếp theo đang chờ đợi mình.
Ông Li nói: "Tôi biết nhu cầu sẽ sụt giảm mạnh, nhưng không ngờ lại tồi tệ đến mức này". Trong hai tuần đầu tháng 4, chỉ có 2 trong số 11 phòng trong quán trọ của Li có khách thuê, kể cả khi ông đã giảm giá 70% tiền phòng. Trước khi COVID-19 bùng phát, các phòng của ông Li đều được đặt kín.
Ông Li than vãn: "Người Trung Quốc vẫn đang sợ phải ra ngoài". Ông Li đã phải cho một nhân viên vệ sinh nghỉ việc, và cắt giảm lương của người còn lại xuống mức tối thiểu 1.350 nhân dân tệ (190 USD). "Tôi nghĩ rằng kể cả trong trường hợp tốt nhất, ngành du lịch sẽ chỉ có thể hồi phục vào năm sau".
Ông Li không phải là người duy nhất rơi vào tình cảnh này. Theo Nikkei Asian Review, mặc dù cuộc sống như thường lệ đã quay trở lại với hầu hết các thành phố tại Trung Quốc, khó khăn mà các khách sạn, nhà hàng, nhà máy và nhiều doanh nghiệp khác phải chịu đựng còn lâu mới chấm dứt. Rất nhiều doanh nghiệp đã bị phá sản.
Các chủ doanh nghiệp như ông Li đang cố gắng duy trì hoạt động bằng cách cắt giảm tiền lương và sa thải nhân viên. Tuy nhiên, các nhà kinh tế lo lắng rằng các biện pháp tự cứu hộ này sẽ tạo ra một vòng tròn luẩn quẩn: Khi thu nhập của lao động Trung Quốc giảm đi hay thậm chí là biến mất hoàn toàn, họ sẽ cắt giảm chi tiêu, khiến triển vọng hồi phục của các công ty bán lẻ, khách sạn và nhiều ngành khác càng trở nên u ám.
Hi vọng của Bắc Kinh nhằm hồi sinh nền kinh tế nhờ vào nhu cầu nội địa đang gặp nguy hiểm. Thật trớ trêu, vừa mới đây nhu cầu nội địa của Trung Quốc đã vươn lên đóng vai trò quan trọng hơn nhu cầu xuất khẩu trong nền kinh tế, kết quả của nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế của Bắc Kinh.
Năm ngoái, tiêu dùng chiếm tới 60% tăng trưởng của Trung Quốc, trong bối cảnh các động lực truyền thống khác của nền kinh tế như đầu tư và xuất khẩu dần suy yếu.
Theo dữ liệu mà Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố, GDP quí I/2020 của nước này đã giảm 6,8% so với năm trước. Đây là lần đầu tiên trong gần 30 năm, Trung Quốc có quí tăng trưởng âm so với cùng kì.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng nguyên nhân đến từ biện pháp phong tỏa kéo dài trong một tháng để hạn chế COVID-19, và tuyên bố rằng nền kinh tế số hai thế giới sẽ sớm phục hồi.
Nhưng việc hoạt động kinh tế bị gián đoạn trong nhiều tuần lễ liên tiếp, cùng với chi phí phát sinh để tái khởi động lại sản xuất đã giết chết rất nhiều công ty thiếu tiền mặt.
Mất mát việc làm, cắt giảm thu nhập và lo lắng về triển vọng kinh tế u ám đang tạo ra điểm yếu trong nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc, khiến nhiều người sợ rằng suy thoái sẽ còn kéo dài.
Ông Bruce Pang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô và chiến lược tại công ty chứng khoán China Renaissance Securities cho biết: "So với trước đây, Trung Quốc hiện tại phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nội địa và tiêu dùng của hộ gia đình. Hai trụ cột mới của nền kinh tế này đã bị đại dịch COVID-19 tấn công mạnh mẽ".
Ngân hàng đầu tư Natixis tại Hong Kong nhận xét: "Có thể Trung Quốc đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế nước này vẫn sẽ phải chịu áp lực lớn để nối lại nhu cầu tiêu thụ. Để làm được điều này, thu nhập khả dụng phải tăng trưởng dương".
Ông Zhou Dewen, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ôn Châu, ước tính rằng cứ 5 nhà máy định hướng xuất khẩu trong thành phố thì có một nhà máy đã bị phá sản, hoặc phải đình chỉ sản xuất.
Ông Zhou cho biết: "Tình trạng phá sản của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay có thể sẽ còn tồi tệ hơn trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008". Ông đự đoán rằng nhiều công ty đã phải tạm ngừng hoạt động sẽ không bao giờ có thể mở cửa trở lại.
Các khó khăn của doanh nghiệp đã giáng đòn mạnh vào thị trường lao động của Trung Quốc. Vào tháng 3, Cục Thống kê Trung Quốc báo cáo tỉ lệ thất nghiệp là 5,9%.
Dù tình trạng thất nghiệp đã được cải thiện so với tháng trước, nhưng 5,9% vẫn đánh dấu tỉ lệ thất nghiệp tồi tệ thứ hai từng được ghi nhận kể từ khi cuộc khảo sát hàng tháng này được bắt đầu tiến hành vào năm 2018.
Nếu so với tỉ lệ thất nghiệp hàng năm, thì con số 5,9% là cũng là tỉ lệ tốt nghiệp cao thứ hai kể từ năm 1994.
Những người may mắn giữ được việc làm cũng không tránh khỏi việc bị thiệt hại từ COVID-19. Ông Xiao Yu, một doanh nhân sở hữu 4 nhà hàng tại Trùng Khánh, không sa thải bất kì ai trong số 80 nhân viên của mình, thay vào đó, ông cắt giảm 50% lương của tất cả mọi người.
Ông Xiao nói: "Chúng tôi không còn cách nào khác. Dù đã rất cố gắng để mở cửa trở lại vào đầu tháng, số thực khách đến nhà hàng vẫn ít hơn so với trước. Khối lượng giao dịch hiện tại của các nhà hàng chỉ bằng một nửa so với quá khứ, và chúng tôi vẫn không kiếm đủ doanh thu để trang trải chi phí".
Theo Nikkei Asian Review, trong bối cảnh rất nhiều công ty Trung Quốc, bất kể qui mô lớn hay nhỏ, cũng đang phải thực hiện biện pháp tương tự, các nhà kinh tế dự đoán rằng triển vọng nền kinh tế thứ hai thế giới vẫn sẽ khá tiêu cực trong những tháng tiếp theo.
Ông Pang, nhà nghiên cứu tại China Renaissance Securities cho biết: "Nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã leo thang trong những năm gần đây. Với một tương lai bất ổn phía trước, người tiêu dùng có thể sẽ hạn chế chi tiêu. Đây là rắc rối đối với doanh nghiệp Trung Quốc".
Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics cho rằng sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc đang bộc lộ những dấu hiệu bị đình trệ, do nhu cầu của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp ở mức thấp.
Ông Mark cảnh báo: "Tình hình kinh tế sẽ không tự động khá lên chỉ vì mọi người quay trở lại làm việc. Rất nhiều người đã bị mất việc làm, hoặc bị chủ lao động nợ lương vì công ty không có doanh thu. Nếu người tiêu dùng không chịu chi tiêu, sẽ có thêm rất nhiều công ty phá sản trong vài tuần tới".
"Trong vài tháng tiếp theo, nhu cầu ảm đạm sẽ là yếu tố chính cản trở sự hồi phục của nền kinh tế".
Để kích thích nhu cầu nội địa, chính quyền tại nhiều thành phố - từ Trường Xuân ở miền bắc cho đến Quảng Châu ở miền nam Trung Quốc đã cung cấp các phiếu mua hàng trị giá 5 tỉ nhân dân tệ (704 triệu USD) để khuyến khích người dân mua sắm, ăn uống và đi du lịch.
Vào tháng 3, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm gần 16% so với năm trước, với doanh thu từ các nhà hàng gần như giảm một nửa.
Ông Pang, nhà nghiên cứu tại China Renaissance Securities vẫn giữ quan điểm thận trọng khi đánh giá tác động của các phiếu mua hàng này: "Chúng giúp kích thích tiêu dùng, nhưng có thể các phiếu mua hàng này vẫn không đủ để xoay chuyển tình thế".
"Rốt cuộc, nhiều người vẫn không cảm thấy an toàn khi ra ngoài. Bảo vệ tiền hoặc bảo vệ tính mạng, cái nào quan trọng hơn?"
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/