Chủ tịch Vinamit: Chúng tôi từng tốn 4 năm, 1 triệu USD và rất nhiều công sức để đòi lại thương hiệu của chính mình
Làm mít sấy vì không muốn nông dân đem đổ cho bò ăn
Mới đây trên kênh Maybe Podcast, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch CTCP Vinamit đã chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình.
Người ta thường biết đến ông Nguyễn Lâm Viên với tư cách là “cha đẻ” của những sản phẩm mít sấy, hoa quả sấy trên kệ siêu thị hay với biệt danh “ông hữu cơ” – người tiên phong trong mảng nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam.
Ít ai biết rằng trước khi trở thành Chủ tịch của Vinamit, ông Viên từng làm nhân viên cho một nông trường ở Đồng Nai. Tại đây, ông Viên được học hỏi và phụ trách mảng xuất khẩu, thường xuyên làm việc với các đối tác lớn tại Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan…
“Lúc đó, tôi nghĩ bằng mọi giá phải tìm thứ gì đó để thoát cái nghèo, cái khổ của nông trường. May mắn là tôi phụ trách công tác xuất khẩu các loại cây gỗ, từ đó quen biết nhiều người ở công ty Napolimex, đồng thời có cơ hội rời nông trường về Sài Gòn”, ông Viên nói trên Maybe Podcast.
Sau thời gian gắn bó với nông trường, ông Nguyễn Lâm Viên quyết định ra làm riêng với sản phẩm mây lá tre bởi ở thời điểm đó ngoài cây gỗ, chỉ có sản phẩm thủ công mới có thể xuất khẩu.
Một thời gian sau, ông Viên nhận thấy nguyên liệu mây tre lá một ngày nào đó cũng sẽ cạn, trong khi Việt Nam lại rất dồi dào về trái cây, có thời điểm rớt giá, người dân phải đem cho bò, gia súc ăn. Chính từ suy nghĩ này, ông quay trở lại nghiên cứu chế biến sau thu hoạch.
"Khi đó chưa có khái niệm chế biến sau thu hoạch hay còn gọi là chế biến sâu như hiện nay. Tôi chỉ nghĩ làm thế nào, làm sản phẩm gì đó để nông dân vất vả trồng trái cây, xong lại đem đi bổ bỏ, cho bò ăn”, ông Viên nói.
Loại trái cây đầu tiên ông Viên chọn nghiên cứu là mít.
“Tôi thích trái mít. Loại trái này cho trái quanh năm. Theo kinh nghiệm sản xuất lâm nghiệp, tôi sợ nhất là ngưng sản xuất. Công nhân đói hết, mình cũng buồn, nên phải kiếm thứ gì có quanh năm. Trái mít rất phù hợp. Từ đó mới có câu chuyện mít sấy”, ông giải thích.
Mít sấy ra đời không chỉ là một sản phẩm dịnh dưỡng, mà còn là sự khởi đầu cho ngành công nghiệp chế biến trái cây sau thu hoạch của Việt Nam. Từ năm 1984, công nghệ sấy khô trái cây trong điều kiện chân không dần dần phổ biến ở nước ta, nhiều sản phẩm khác như khoai lang, chuối… cũng từ đó ra đời.
Cuộc chiến pháp lý đòi lại thương hiệu của chính mình
Sau khi nghiên cứu và làm ra sản phẩm mít sấy, ông Viên tiến vào thị trường Trung Quốc. Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn là thị trường rộng lớn của nông sản Việt Nam, doanh nhân nào cũng “mê” và muốn đưa sản phẩm của mình vào thị trường hơn tỷ dân.
Tuy nhiên chuyện làm ăn không phải lúc nào cũng thuận lợi, Vinamit đã phải trải qua một cuộc chiến pháp lý đòi lại thương hiệu kéo dài 4 năm.
“Thương hiệu tôi làm ra đang để trên kệ thì hệ thống siêu thị thông báo phải gỡ hàng xuống vì sản phẩm của tôi đang bị người khác khởi kiện. Từ người làm ra thương hiệu, bỗng dưng trở thành người ăn cắp thương hiệu của người khác”, ông Viên cho biết.
Ông Viên cho biết trước khi Vinamit được thành lập, sản phẩm mít sấy gắn với thương hiệu Đức Thành, ông đã đăng ký thương hiệu bằng tiếng Việt mà quên rằng ở Trung Quốc có tên tiếng Hoa. Thời điểm này, đối tác đại lý tại Trung Quốc của Đức Thành đã nhanh chân đang ký tên tiếng Hoa và kiện ngược trở lại công ty của ông Viên.
Tuy nhiên trong Luật Thương hiệu của Trung Quốc có một quy định rằng nếu bên A có thể chứng minh việc bên B ăn cắp thương hiệu dựa trên mối quan hệ do thân quen, do có hợp tác từ trước thì bên A có quyền kiện lợi dụng sự quen biết đó để thôn tính thương hiệu của bên A.
“Cũng rất may, tôi đưa ra được nhiều bằng chứng. Trong đó, bằng chứng quan trọng nhất là người đó là anh ruột của một khách hàng thân thiết của Đức Thành (Vinamit). Khách hàng đó từng có hợp đồng làm nhà phân phối của tôi.
Nghe thì rất dễ nhưng hành trình chứng minh hai người này là anh em ruột, rồi chứng minh tôi và người đó có hợp đồng với nhau bằng các chứng từ là cả quá trình. Sau 4 năm, chúng tôi đã giành lại được thương hiệu của chính mình”, ông Viên kể lại.
Trong nhiều chương trình về khởi nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên đã đưa ra ba giải pháp cho trường hợp doanh nghiệp bị lấy cắp thương hiệu, bao gồm nhắn tin thương lượng nhẹ nhàng; chờ hiệu lực của luật và chứng minh người đó có thân quen với mình. Việc chứng minh sản phẩm có trước có thể từ bài quảng cáo đăng trên báo, mốc thời gian sản phẩm ra thị trường, được cấp giấy phép.
"Khi khởi nghiệp bắt buộc phải đăng ký thương hiệu ngay từ khi bạn để nó lên trên bàn của mình. Khi có người nhìn thấy sản phẩm, nghĩa là đã có nguy cơ bị mất thương hiệu", ông Viên cho biết.