Lãnh đạo tập đoàn cung cấp bao bì cho Co.op Mart, Circle K,...: Sản xuất vẫn là công cụ marketing tốt nhất
Mới đây, trong một tập được đăng tải trên kênh Maybe Podcast, ông Trần Việt Anh, nhà sáng lập Nam Thái Sơn Group đã xuất hiện trên sóng chương trình và có những chia sẻ về lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.
Nói về Nam Thái Sơn Group, đây là tập đoàn không xuất hiện rầm rộ trên các kênh thông tin đại chúng hay mạng xã hội, song đơn vị này đang là khách hàng và đối tác của nhiều công ty hàng đầu tại Việt Nam như Vinamilk, Thế Giới Di Động, The Coffee House, TH true Milk, Pepsico, Nestle,…
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh đóng vai trò là nhà sáng lập cũng như người dẫn dắt Nam Thái Sơn Group đến với những thành công như ngày hôm nay. Ông Việt Anh tốt nghiệp ngành kỹ sư cơ khí Đại học Bách Khoa.
Cuối thập niên 80, nhìn thấy nhu cầu và tiềm năng lớn của ngành sản xuất bao bì cùng khát khao làm được một điều to lớn cho sự nghiệp bản thân và cộng đồng, ông rời khỏi công việc mang tương lai vững chắc dù bị gia đình phản đối để dấn thân vào ngành sản xuất bao bì với công ty Nam Thái Sơn.
“Thời điểm đó, việc tôi ra làm công việc bên ngoài thay vì công việc nhà nước là câu chuyện rất khó khăn. Tôi tính toán rằng nếu làm công việc nhà nước, với thu nhập của một kỹ sư quản đốc năm 1987 thì phải mất 14 năm để mua một chiếc xe Honda. Tuy nhiên, khi ra làm bên ngoài, một năm sau tôi đã mua được rồi. Vì vậy, tôi cho rằng đó là quyết định hợp lý”, ông Việt Anh chia sẻ.
Dù vậy, việc ông Việt Anh quyết định ra ngoài làm riêng không bắt nguồn hoàn toàn từ vấn đề vật chất. Ông chia sẻ rằng thời điểm đó, nhu cầu với các sản phẩm nhựa rất lớn, và nguyên liệu chính phẩm gần như chưa nhập được.
“Bao nhiêu sản phẩm từ ve chai hồi đó đều được tiêu thụ hết. Ngoài ra, tôi cũng là kỹ sư cơ khí. Sự kết hợp này có thể cho ra những sản phẩm có thể tiêu thụ được. Đó là động lực thôi thúc tôi phải làm được một cái gì đó trước khi lấy vợ.
Nếu không ra ngoài làm, tôi nghĩ rằng những kiến thức ở trường sẽ không được ứng dụng nhiều. Tất nhiên, việc làm trong nhà nước cũng được ứng dụng một số kiến thức nhất định, nhưng khi ra ngoài, việc áp dụng trở nên thực tế hơn và ngay cả thất bại cũng là điều thực tế hơn”, ông Việt Anh nói thêm.
Năm 2002, doanh nghiệp của ông Việt Anh bắt đầu xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Trong quá trình xuất khẩu đi các nước, ông Việt Anh đã học được một số bài học giúp ích cho quá trình kinh doanh sau này.
“Khi đó, Việt Nam vẫn đang dùng các túi nilon bình thường. Ngay cả Mỹ và các quốc gia khác cũng đang dùng một cách bình thường. Dù vậy, thời điểm đó họ cũng tìm mọi cách để hạn chế việc sử dụng các loại túi nilon dùng một lần.
Trong quá trình xuất khẩu, tôi nhận thấy nhiều quốc gia bắt đầu quan tâm tới các loại túi tự hủy. Để sản xuất nguyên phụ liệu cho sản phẩm này ở thời điểm đó chỉ khoảng 3 – 4 quốc gia có khả năng. Thậm chí, chỉ có một số nước châu Âu mới có đủ khả năng đánh giá về chất lượng sản phẩm vào lúc đó. Điều đó thôi thúc chúng tôi thử nghiệm sản phẩm mới”, ông Việt Anh chia sẻ.
Tới năm 2008, sản phẩm bao bì sinh học đầu tiên của Nam Thái Sơn Group đã được ra mắt thị trường. Dù vậy, sản phẩm của doanh nghiệp vào thời điểm đầu vẫn gặp nhiều rào cản do người dùng chưa phân biệt được đâu là túi nilon thường, đâu là bao bì sinh học tự hủy.
Về sau, Co.op Mart đã trở thành đơn vị đầu tiên của nhà nước yêu cầu các hệ thống phải sử dụng túi tự hủy. Đó là lúc Nam Thái Sơn Group cùng một vài công ty khác có thể đáp ứng được ngay. Sau này, khi các tập đoàn nước ngoài như Aeon, Family Mart, Circle K,… tiến vào thị trường Việt và yêu cầu sử dụng các loại bao bì sinh học, tên tuổi của Nam Thái Sơn Group nhờ đó cũng được biết đến nhiều hơn.
Sản xuất là lĩnh vực vất vả
Sau hơn 30 năm hoạt động trên thương trường, có nhiều điều khiến ông Việt Anh cảm thấy khác biệt so với tưởng tượng khi bắt đầu dấn thân vào lĩnh vực sản xuất.
“Thời điểm đó, tôi thường lấy hình ảnh của những tập đoàn như Hitachi, Bosch, Honda, Ford,… Họ đều giàu lên nhờ lĩnh vực sản xuất, và tôi cương quyết dấn thân vào lĩnh vực sản xuất, cứ có tiền là mở nhà máy sản xuất. Dù vậy, sau thời gian dài hoạt động trên thị trường, tôi nhận ra rằng mình làm 10 năm không bằng một số ngành khác làm vài tháng hoặc một năm. Đấy là điều làm tôi bất ngờ nhất”, ông Việt Anh cho biết.
“Sự thay đổi của thời cuộc khiến lĩnh vực sản xuất ngày càng nhỏ bé. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất rất vất vả”, lãnh đạo Nam Thái Sơn Group cho biết. Ông Việt Anh cũng tổng hợp lại thị trường startup trong khoảng 5 năm qua, trong đó tỷ lệ startup hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chỉ chiếm chưa tới 1%.
“Sản xuất hoạt động quanh năm, trong khi những lĩnh vực khác như ngân hàng, bất động sản,.. có thể đóng cửa từ 5 giờ chiều. Các ngành này cũng không có tiếng ồn, không có tai nạn lao động,… Đó là những vấn đề mà tôi nghĩ rằng lĩnh vực sản xuất nên nhận được sự động viên nhiều hơn”, ông Việt Anh cho biết.
Tuy nhiên, ông Việt Anh cũng nói thêm rằng hầu hết nguồn vốn FDI vào Việt Nam đều đổ về lĩnh vực sản xuất, không có nhiều người làm trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, dịch vụ,…
“Sản xuất là đam mê của thế hệ trước. Tỷ lệ kế thừa của thế hệ sau là rất thấp. Thương mại dịch vụ vẫn lĩnh vực quan trọng, nhưng một nền kinh tế phải có ba chân. Việc xây dựng thương hiệu ra nước ngoài cũng là nhờ sản phẩm sản xuất, có mấy ai mang một dự án bất động sản ra nước ngoài để người ta nhắc tên. Tôi cho rằng sản xuất vẫn là công cụ marketing tốt nhất”, ông Việt Anh nhấn mạnh.
“Tôi từng hỏi một giám đốc công ty du lịch rằng: “Khi anh tiếp 100 khách nước ngoài tới Việt Nam làm ăn, có bao nhiêu người sang tìm mua nhà với bất động sản? Bao nhiêu người sang làm ngân hàng và nhà hàng?”. Người đó trả lời rằng: “Khoảng 70% - 80% khách hàng đi thẳng xuống các nhà máy, các công ty sản xuất để đặt hàng rồi mới qua ngân hàng bàn chuyện chuyển tiền”. Dù vậy, sản xuất lúc nào cũng là thứ yếu, sau cùng”, ông Việt Anh chia sẻ thêm.
Dù đối mặt với không ít khó khăn, lãnh đạo Nam Thái Sơn Group vẫn ủng hộ lĩnh vực sản xuất. “Tôi luôn khuyến khích các bạn trẻ dấn thân vào con đường khởi nghiệp sản xuất”, ông Việt Anh nhấn mạnh.