|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường Trung Quốc được khơi thông, xuất khẩu rau quả kỳ vọng bứt phá

07:26 | 23/02/2023
Chia sẻ
Tính đến giữa tháng 2, xuất khẩu rau quả đã tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành rau quả được kỳ vọng sẽ có sự bứt phá trong năm 2023 sau khi thị trường chủ lực là Trung Quốc mở cửa biên giới và dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt kể từ ngày 8/1.

Khởi sắc ngay từ đầu năm

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong nửa đầu tháng 2 đạt 164,3 triệu USD. Luỹ kế từ đầu năm đến giữa tháng 2, xuất khẩu ngành hàng này mang về 405,5 triệu USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Trước đó, do trùng với kỳ nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán nên kim ngạch xuất khẩu rau quả chỉ đạt hơn 242 triệu USD  trong tháng 1, giảm 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc trong tháng đầu năm đạt 139 triệu USD, giảm nhẹ 5,3% so với cùng kỳ nhưng thấp hơn mức giảm chung của nhiều thị trường khác như Mỹ (-45,1%), Nhật Bản (-6,9%), Hàn Quốc (-18%).

Xét về tỷ trọng, Trung Quốc chiếm đến 57,5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng đầu năm, tăng đáng kể so với mức 50% của cùng kỳ năm ngoái. 

Do chiếm tỷ trọng lớn trong tổng xuất khẩu rau quả nên việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và mở cửa hoàn toàn biên giới được kỳ vọng sẽ giúp ngành hàng này có sự bứt phá trong năm nay.

Theo số liệu của Ban Quản lý Khu KTCK Đồng Đăng-Lạng Sơn, trong tuần từ ngày 9-15/2, hoạt động thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh diễn ra rất sôi động, lưu lượng hàng hóa thông quan tăng 14,6% so với tuần trước.

Tại Hội nghị Thúc đẩy giao thương nông sản, thủy sản Việt - Trung trong bối cảnh mới được tổ chức ngày 14/2, ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, cho biết từ ngày 8/1, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu theo phương thức truyền thống tại một số cửa khẩu với Trung Quốc đã dần được khôi phục.

Lượng xe thông quan xuất nhập khẩu trong tháng 1 đạt khoảng 1.000 xe/ngày, kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh trong tháng 1 tăng 108,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, điển hình là các trái cây chủ lực như thanh long, xoài, mít, vải, dưa hấu, chuối và các loại nông sản khô như thạch đen, tinh bột sắn...

Thời gian qua, công tác mở cửa thị trường cho trái cây của Việt Nam trong thời gian qua cũng đạt được những kết quả khá tích cực.

Năm ngoái, Việt Nam đã đàm phán và ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số loại nông sản sang Trung Quốc như sầu riêng, khoai lang, chuối, tổ yến. Ngoài ra, chanh leo và ớt tươi cũng được nước bạn chấp nhận thí điểm xuất khẩu chính ngạch. 

Bên cạnh đó, trái bưởi cũng được chấp nhận xuất khẩu chính ngạch vào Mỹ, New Zealand. Mới đây nhất, tháng 11/2022, Nhật Bản đã chính thức cấp phép cho trái nhãn Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này sau sáu năm đàm phán.  

Với những yếu tố thuận lợi về mặt thị trường, ngành rau quả đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2023 sẽ đạt 4 tỷ USD, tăng 20% so với năm ngoái.

Nguồn: Số liệu từ Tổng cục Hải quan. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Nhiều tiềm năng tăng trưởng tại thị trường Trung Quốc

Trung Quốc đã chi đến 22,1 tỷ USD nhập khẩu rau quả từ thế giới trong năm 2022, tăng 9% so với năm 2021, theo số liệu của từ Hải quan Trung Quốc.

Ba thị trường cung cấp rau quả hàng đầu cho nước này gồm Thái Lan 8,3 tỷ USD, tăng 3,3% so với năm 2021; Chile 3,4 tỷ USD, tăng 39,7%; và Việt Nam đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng 35,2%.

Số liệu trên đã phần nào cho thấy hoạt động xuất khẩu rau quả theo hình thức chính ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc đã có sự cải thiện rõ nét trong năm 2022.

Việc Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID trong suốt cả năm ngoái đã khiến cho hoạt động xuất khẩu rau quả theo hình thức tiểu ngạch của Việt Nam sang thị trường này gặp nhiều bất lợi, vì vậy nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch và cho kết quả khả quan. 

Nhờ đó thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu rau quả của Trung Quốc đã tăng lên 7,9% từ mức 6,4% của năm 2021. 

Nguồn: Hải quan Trung Quốc. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp) 

Năm 2022, thanh long vẫn là trái cây được Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất từ Việt Nam với kim ngạch hơn 511 triệu USD, giảm 2,9% so với năm 2021. Hiện Việt Nam cũng đang là nguồn cung thanh long lớn nhất cho Trung Quốc, chiếm gần 100% tổng nhập khẩu của nước này.

Ngoài ra, nhập khẩu dưa hấu và vải của Trung Quốc từ Việt Nam cũng giảm trong năm ngoái. Tuy nhiên, một số loại trái cây khác chuối, nhãn, chôm chôm, xoài lại đạt mức tăng trưởng khá tích cực.

Đặc biệt, mặt hàng sầu riêng dù mới chỉ được cấp phép xuất khẩu vào Trung Quốc từ tháng 9 nhưng đã kịp mang về 188,1 triệu USD trong năm 2022, đứng thứ ba trong số những loại trái cây được xuất khẩu nhiều nhất của Việt Nam sang Trung Quốc.

Nếu so với con số 3,8 tỷ USD của đối thủ cạnh tranh chính là Thái Lan thì kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn còn khá khiêm tốn. Nhưng sầu riêng Việt Nam đang có những lợi thế nhất định trong việc đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc do vị trí địa lý liền kề, vụ sầu riêng được trồng rải rác quanh năm nên giá thành thấp hơn, sức cạnh tranh cao hơn. 

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết Trung Quốc tiến tới tăng cường nhập khẩu rau quả từ khối ASEAN. Thông qua Hiệp định RCEP, doanh nghiệp các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam có nhiều điều kiện tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc đẩy mạnh xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc là còn tới 7/12 mặt hàng xuất khẩu chưa có nghị định thư. Điều này khiến một số mặt hàng chủ lực như thanh long, xoài, mít khó phát huy hết tiềm năng.

Một vấn đề nữa là thời gian xét duyệt mã số vùng trồng, mã số đóng gói còn lâu như thanh long cần khoảng 6-7 tháng để được phê duyệt, sầu riêng có tiềm năng và giá trị lớn nhưng mã số cấp còn ít, chiếm khoảng 5% tổng diện tích vùng trồng.

Vì vậy, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam đề nghị các cơ quan quản lý quan tâm hơn nữa đến mặt hàng rau quả, để sản phẩm này nâng cao giá trị hơn nữa trong tương lai.  

Hoàng Hiệp

Sóng bộ ba cổ phiếu ‘bank, chứng, thép’ liệu có trở lại?
Giai đoạn gần đây thị trường chứng kiến nhịp tăng giá luân phiên của cổ phiếu ngành ngân hàng và thép. Diễn biến này gợi nhớ câu chuyện bộ ba cổ phiếu ngân hàng, thép và chứng khoán thay nhau dẫn sóng giai đoạn 2021 - 2022. Liệu kịch bản này có lặp lại?