|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu rau quả 4 tháng cao kỷ lục

07:35 | 18/05/2024
Chia sẻ
Tính đến hết tháng 4, ngành rau quả đã mang về gần 1,9 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong cùng giai đoạn ghi nhận được kể từ trước đến nay.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 602,7 triệu USD, tăng mạnh 28,2% so với tháng trước và tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã thu về gần 1,9 tỷ USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất ghi nhận được trong cùng giai đoạn kể từ trước đến nay. Với kết quả này, rau quả tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2024.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan 

Trong 4 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam hầu hết thị trường đều ghi nhận mức tăng trưởng cao từ 2 đến 3 con số.

Trong đó, Trung Quốc tiếp tục đứng đầu về thị trường xuất khẩu rau quả của Việt Nam với kim ngạch đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm đến 61,4% tổng tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam ra thế giới. Tính riêng trong tháng 4, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 398,2 triệu USD, tăng 53,8% so với tháng trước và tăng 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đứng ở vị trí thứ hai là Hàn Quốc, xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm đạt 107 triệu USD, tăng 63,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 5,7% tổng xuất khẩu toàn ngành.

Tiếp đến, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Mỹ đạt 93,3 triệu USD, tăng 33% và chiếm gần 5% thị phần.

Ngoài ra, ngành hàng rau quả cũng đã khai thác rất tốt các thị trường tiềm năng khác như: Nhật Bản (13,4%); Thái Lan (95,2%); Australia (45,4%); UAE (28,4%); Đức (gấp 2 lần)…

 Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan  

Hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam được cho là sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng. Một số loại trái cây của  chuẩn bị bước vào thu hoạch chính vụ như: sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải…

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư về kiểm dịch đối với dưa hấu từ tháng 12/2023 và chính thức có hiệu lực từ ngày 12/6/2024; còn các Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, bơ, chanh leo vào Trung Quốc đang trong quá trình đàm phán tích cực.

Ngoài thị trường Trung Quốc, rau quả Việt Nam ngày càng tiếp cận sâu, rộng hơn sang các thị trường khác như: Mỹ, Thái Lan, Hàn Quốc, UAE ...

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), rau quả là ngành hàng sản xuất và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với chất lượng ngày càng được nâng cao. Đây là mặt hàng có nhiều tiềm năng để xuất khẩu, bởi nhu cầu nhập khẩu trên thị trường thế giới luôn ở mức cao.

Trong thời gian qua, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường chính đều tăng đối với hàng rau quả, tuy nhiên tỷ trọng nhập khẩu của các thị trường này từ Việt Nam đều thấp. 

Đơn cử như tại thị trường Mỹ và Canada, hiện nay rau quả của Việt Nam mới chỉ khoảng 0,7% tổng nhập khẩu của thị trường. Trong khi tại EU con số này chỉ là gần 0,2%.

Riêng với thị trường Trung Quốc, trong 3 tháng đầu năm 2024, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc đạt 6,6 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 9,4%, tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nhu cầu tiêu thụ hàng rau quả tại Trung Quốc rất lớn, tuy nhiên trị giá nhập khẩu từ Việt Nam vẫn còn thấp, do đó cơ hội để ngành hàng rau quả tăng thị phần tại thị trường Trung Quốc còn rộng mở. Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này, doanh nghiệp ngành hàng rau quả của Việt Nam cần đảm bảo và nâng cao chất lượng, tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc.

Hoàng Hiệp