Làn sóng trồng sầu riêng bắt đầu có rủi ro
Lo ngại về sự 'tăng nóng' của ngành sầu riêng
Giá sầu riêng đã có bước sụt giảm mạnh trong thời gian. Tính đến ngày 16/5, giá sầu riêng Ri6 dao động trong khoảng 50.000 - 68.000 đồng/kg, giảm khoảng một nửa so với hồi đầu năm. Hiện tượng này diễn ra khi sầu riêng của Việt Nam đang vào chính vụ và trùng với Thái Lan khiến lượng cung tăng cao.
Thời điểm tháng 2,3 là trái vụ, chỉ mình Việt Nam có hàng, do đó giá sầu riêng Ri6 đạt khoảng 120.000 đồng/kg.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, cho biết kể từ tháng 4 trở đi, sản lượng sầu riêng của Thái Lan ở mức cao, khoảng 500.000 tấn đang đổ về Trung Quốc, do đó giá giảm mạnh.
Hiện Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính, chiếm trên tỷ trọng trên 90%) của sầu riêng Việt. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, trong quý I, nước này nhập khẩu khoảng 45.000 tấn sầu riêng của Việt Nam tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng nhập từ Thái Lan chỉ khoảng 27.000 tấn, giảm 57%.
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết tính riêng năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 600.000 tấn sầu riêng, mang về kim ngạch 2,2 tỷ USD. Tuy nhiên, hiệu ứng tăng xuất khẩu đang tạo nên cơn sốt mở rộng diện tích, phá vỡ quy hoạch trên diện rộng.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích sầu riêng của cả nước khoảng 150.000 ha vào năm 2023. Khoảng 50% trong số này đã cho thu hoạch với sản lượng 1,2 triệu tấn. Cây sầu riêng tập trung nhiều nhất ở khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và một số ít ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ.
Việc giá sầu riêng thời gian gần đây lao dốc, kèm theo tốc độ tăng trưởng diện tích và sản lượng quá nhanh chóng khiến nhiều người bắt đầu lo ngại về viễn cảnh dư cung. Đồng thời việc phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc cũng hàm chứa những rủi ro.
Tại hội nghị về phát triển sầu riêng bền vững diễn ra cuối tuần trước, ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định với tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân 15%/năm, khi toàn bộ diện tích sầu riêng đi vào thu hoạch sản lượng sẽ rất lớn. Do đó, chủ trương của Cục Trồng trọt là không mở rộng diện tích, đặc biệt tại những vùng thổ nhưỡng không phù hợp.
Vị này cho hay thế mạnh của sầu riêng Việt Nam là có mùa vụ sản xuất kéo dài quanh năm, sản phẩm đã bước đầu thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc và đang đàm phán xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài ra, sản phẩm chế biến từ sầu riêng có nhiều dư địa phát triển. Chi phí sản xuất sầu riêng không quá cao.
Tuy nhiên, cây sầu riêng cũng đối mặt với không ít thách thức vì thị trường tiêu thụ hẹp, chủ yếu vẫn là từ thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam phát triển muộn hơn và phải cạnh tranh trực tiếp từ Thái Lan, Malaysia và một số quốc gia lân cận khác.
Mặt khác, khả năng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, mức độ tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và dư lượng hóa chất của sầu riêng Việt Nam còn nhiều hạn chế.
“Công tác tổ chức chuỗi ngành còn hàng rời rạc, thiếu chuyên nghiệp. Do đó, việc tăng trưởng nóng về diện tích trong thời gian ngắn đang tạo ra nhiều rủi ro trong kiểm soát chất lượng, mất cân đối cung-cầu”, ông Mạnh nhận định.
Đánh giá ở góc độ lạc quan hơn, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau Quả Việt Nam cho rằng không quá lo ngại về vấn đề nhu cầu do dung lượng tiêu thụ sầu riêng của Trung Quốc rất lớn bởi vì ngay cả khi Đông Nam Á tăng gấp đôi sản lượng thì Trung Quốc vẫn có thể tiêu thụ hết.
"Người Trung Quốc rất “mê” sầu riêng và họ vẫn tiêu thụ đều đều nên việc giá giảm sâu hơn nữa là điều khó lòng xảy ra. Trong khi đó, sầu riêng Việt Nam lại có quanh năm, không bị dồn cục”, ông nói.
Không dễ mở rộng thị trường mới
Theo quan điểm của ông Đặng Phúc Nguyên, việc phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc là điều rủi ro và đây là “nỗi sợ” chung của các nước đối thủ khác, trong đó có Thái Lan. Bên cạnh đó, điều ông lo ngại nhất là nếu Trung Quốc trồng thành công cây sầu riêng với số lượng lớn, đây sẽ là mối đe doạ đối với hàng Việt Nam.
Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc này, ông Nguyên cho biết các doanh nghiệp xuất khẩu đang tìm phương án mở rộng thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản. Tuy nhiên, việc mở rộng này cũng không phải là điều dễ dàng. Bởi hiện nay, Việt Nam mới chỉ có thể xuất khẩu hàng sầu riêng đông lạnh vì khoảng cách địa lý xa, trong khi công nghệ bảo quản chưa đủ hiện đại để có thể xuất khẩu hàng tươi.
“Vừa rồi căng thẳng Biển Đỏ càng khiến thời gian vận chuyển bị kéo dài hơn khiến cho việc xuất khẩu hàng tươi trở nên khó khả thi hơn”, ông nói.
Bên cạnh đó, nhu cầu tại sầu riêng tại các thị trường này cũng hạn chế, chủ yếu phục vụ cộng đồng người Việt, người Hoa. Còn những người bản địa chưa quen với mùi vị là loại trái cây này.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, trước tình trạng tăng trưởng “nóng” về diện tích sầu riêng ở nhiều tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn yêu cầu các các địa phương rà soát lại những vùng trồng xem nơi nào phù hợp tiếp tục phát triển cây trồng này và xem lại toàn bộ quy trình canh tác sầu riêng.
Ông cũng yêu cầu Cục Trồng trọt xây dựng và ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật cho trái sầu riêng tươi để làm cơ sở đánh giá chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn mà khách hàng yêu cầu.
Các bộ phận như Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chất lượng và Phát triển thị trường hỗ trợ quy trình canh tác chuẩn cho cây sầu riêng, đẩy mạnh đàm phán mở rộng thị trường xuất khẩu.