|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sầu riêng Malaysia có giá 1.000 USD/trái, hàng Việt Nam khó cạnh tranh vì thiếu thương hiệu?

16:46 | 10/02/2023
Chia sẻ
Bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết một trái sầu riêng gai đen của Malaysia có thể bán với giá 1.000 USD/trái, trong khi hàng Việt chỉ khoảng 200.000 đồng/kg vì chưa có thương hiệu.

Thiếu thương hiệu, sầu riêng Việt khó cạnh tranh với Malaysia

Sau khi Trung Quốc chính thức cấp “visa” cho trái sầu riêng Việt Nam, giá loại quả này đã tăng gấp 3-5 lần, hiện đang dao động 150.000 – 200.000 đồng/kg. Cơn sốt sầu riêng cũng tiềm ẩn nguy cơ mạo danh mã vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt.

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)”, bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết việc coi Trung Quốc thị trường dễ tính là quan điểm sai lầm, thực tế thị trường Trung Quốc khó tính ngang với Mỹ và Nhật Bản.

Qua thời gian làm việc, bà My nhận thấy một số doanh nghiệp trong nước đang “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng.

“Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại.  

Không những thế, việc xuất hàng không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Việc một số doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu sẽ gây hậu quả rất lớn”, bà My cảnh báo.

Trước thực trạng này, bà cảm thấy đáng tiếc khi nông dân và doanh nghiệp chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp, nhà vườn chủ yếu bán tại kho bãi cho phía Trung Quốc.

Bà Phan Thị Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc. (Ảnh: NVCC)

Nói về thêm một câu chuyện “đau đầu” của ngành rau quả Việt Nam, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc cho biết thực tế chất lượng trái cây Việt Nam không thua kém các nước bạn nhưng vấn đề xây dựng thương hiệu lại rất nan giải.

“Một trái sầu riêng Việt hiện được bán với giá 200.000 đồng/kg, nhưng nếu thương hiệu sầu Việt được đăng ký sở hữu trí tuệ tại các nước thì giá sẽ cao hơn. Đơn cử như trái sầu riêng gai đen của Malaysia có thể bán với giá 1.000 USD/trái. Thương hiệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn nguyên liệu đơn thuần”, bà My nói.

Lần này về nước, bà My mang theo nhiều đơn hàng với tổng khối lượng lên tới 150.000 tấn sầu riêng. Bà My khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu theo đường biển vì ưu thế ổn định, ít rủi ro, đồng thời hiệp hội cũng có các thành viên ở Sơn Đông, Thượng Hải (Trung Quốc) sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp.

Sơn Đông là tỉnh có diện tích chỉ bằng nửa Việt Nam, nhưng dân số nhiều hơn Việt Nam (107 triệu dân) và GDP đứng thứ 3 toàn Trung Quốc. Tuy nhiên, đa phần người tiêu dùng khu vực này chỉ biết tới sầu riêng Thái Lan, chuối Philippines. Do vậy, tiềm năng của khu vực này là rất lớn.

Cũng chia sẻ về vận tải đường biển, ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc CTCP Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) cho biết với các sản phẩm trái cây tươi và chế biến từ sầu riêng, xoài, chanh leo, dứa… Doveco chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tàu biển nên khi việc xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu có gặp nhiều khó khăn, Doveco không bị ảnh hưởng quá nhiều.

“Trung Quốc là thị trường có tiềm năng rất lớn. Năm 2022, doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng sang thị trường này và đạt mức tăng trưởng 130% so với năm 2021”, ông Thành nói.

Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết cách đây hai ngày, Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Việc này giúp thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt một ngày và chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%.

“Nếu doanh nghiệp Việt Nam không cải tiến chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí. Đây là thách thức lớn trong vấn đề xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn

Những khó khăn, thách thức của thị trường Trung Quốc vẫn hiện hữu, song cũng không thể phủ nhận rằng việc thị trường tỷ dân mở cửa đang mở ra cơ hội lớn cho rau quả Việt Nam. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, rau quả Việt cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực từ Mỹ, châu Âu, Canada, Australia.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Công ty Vina T&T; Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá 2023 sẽ là một năm khả quan cho xuất khẩu rau quả Việt Nam. Ngay từ tháng 1, ngành rau quả đã ghi nhận sự tăng trưởng ở các thị trường Mỹ khoảng 20-30%, Australia, Canada, EU…

Ông Tùng thông tin hiệp hội có khoảng 20 doanh nghiệp đang tham gia hội chợ trái cây lớn nhất thế giới tại Berlin, Đức. Từ sau khi Trung Quốc mở cửa thị trường, hội cũng đón nhiều đoàn từ Đông Âu, và các tập đoàn lớn từ Hong Kong, Thượng Hải và dự kiến sẽ tổ chức nhiều cuộc họp kết nối tiêu thụ nông sản với phía bạn trong thời gian tới.

“Nhu cầu thị trường rau quả trên thế giới đang có tín hiệu tích cực và vị trí mặt hàng rau quả Việt Nam hiện đã có chỗ đứng nhất định. Đây là thuận lợi song cũng là khó khăn khi các doanh nghiệp xuất khẩu cần đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, giữ được giá trị sau khi các sản phẩm lên kệ tại siêu thị nước ngoài.

Mỗi thị trường có yêu cầu khác nhau và đặt ra những hàng rào kỹ thuật riêng nên doanh nghiệp cần lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn về mã số vùng trồng, đóng gói, hoạt chất cấm đối với rau quả xuất khẩu”, ông Tùng cho biết.

Hoàng Anh