|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Doanh nghiệp còn có thể trông cậy vào thị trường tiêu dùng tỷ dân của Trung Quốc?

18:39 | 11/01/2024
Chia sẻ
Sau một năm phục hồi không được như kỳ vọng của giới chuyên gia, tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc cuối cùng cũng có thể bắt đầu khởi sắc trong năm 2024.

Bên ngoài một trung tâm thương mại ở thủ đô Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images).

Năm ngoái, thế giới coi việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác có thể kéo nền kinh tế toàn cầu thoát khỏi khó khăn. Song, hy vọng đó không thành khi các nhà phân tích cảnh báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% của chính mình.

Hiện tại, các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP năm nay. Mặc dù nền kinh tế tỷ dân khó có thể tránh khỏi việc tăng trưởng chậm lại, Goldman Sachs dự đoán lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng có khả năng phục hồi tốt hơn ngành sản xuất.

Theo Goldman Sachs, GDP của Trung Quốc có thể tăng 4,8% trong năm 2024. Động lực chính là sự khởi sắc của lĩnh vực dịch vụ mà các nhà phân tích của Goldman Sachs dự báo sẽ tăng trưởng 9,2%.

Ngân hàng lớn thứ 5 của Mỹ cho biết các cổ phiếu sẽ được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 tháng tới là nhà điều hành sòng bạc H World và Galaxy, công ty lữ hành Trip.com và Tongcheng, cùng các hãng hàng không như Spring Airlines.

Cổ phiếu của các công ty phát triển game trực tuyến như FTG và NetEase, cùng với ông lớn trong lĩnh vực giao đồ ăn là Meituan và gã khổng lồ công nghệ Tencent cũng được cho là sẽ tăng.

Người tiêu dùng thay đổi

Niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc suy yếu kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020. Sau khi Bắc Kinh loại bỏ các biện pháp kiểm soát COVID vào cuối năm 2022, chi tiêu tiêu dùng bị đè nặng khi nhu cầu đối với hàng hoá Trung Quốc trên toàn cầu sụt giảm và thị trường nhà đất rơi vào khủng hoảng.

Song, các chuyên gia tin rằng thói quen chi tiêu của người dân Trung Quốc có thể sắp thay đổi. Ngày càng nhiều người tiêu dùng chọn mua các hàng hoá chất lượng thay vì chạy theo số lượng lớn.

Bà Jian Shi Cortesi, Giám đốc phụ trách đầu tư của GAM Investment tại Trung Quốc và châu Á, cho hay: “Lĩnh vực tiêu dùng ở Trung Quốc đang có một chuyển động đáng chú ý khi khách hàng ngày càng ưu tiên hàng hoá chất lượng cao hơn là các sản phẩm rẻ tiền, sản xuất hàng loạt”.

Vị giám đốc nói sự thay đổi này là minh chứng cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang trưởng thành, đồng thời chỉ ra rằng mức thu nhập khả dụng của họ ngày càng tăng.

“Xu hướng này có thể báo trước triển vọng đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ cao cấp...”, bà Cortesi nhấn mạnh.

 

Bà Cortesi cũng lưu ý rằng sáng kiến “Made in China” (tạm dịch là sản xuất tại Trung Quốc) đã góp phần thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và cho phép nước này trở mình thành một thị trường có sức cạnh tranh lớn trên toàn cầu.

Theo CNBC, “Made in China” là kế hoạch do chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2015 nhằm hướng đất nước sản xuất các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến, có giá trị cao hơn.

Theo bà Cortesi, mặc dù Bắc Kinh không còn đẩy mạnh sáng kiến trên như trước nhưng kết quả đạt được cho đến nay vẫn phù hợp với kế hoạch dài hạn. Vị giám đốc nói thu nhập của người Trung Quốc và tiêu dùng trong nước đều được hưởng lợi từ “Made in China”.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tăng cường phát triển công nghệ và lĩnh vực chế tạo. Điều này sẽ giúp tạo thêm việc làm có thu nhập tốt và qua đó tác động tích cực đến tiêu dùng.

Cần thêm hỗ trợ tài khoá

Câu hỏi lớn xoay quanh triển vọng phục hồi của thị trường Trung Quốc là liệu chính phủ có triển khai thêm các biện pháp hỗ trợ kinh tế hay không.

Sau cuộc họp quan trọng nhằm vạch ra các ưu tiên kinh tế cho năm mới vào tháng 12, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ thúc đẩy nhu cầu trong nước, tập trung phát triển các lĩnh vực chiến lược và giải quyết cuộc khủng hoảng bất động sản.

Bà Serena Zhou, nhà kinh tế cấp cao tại Mizuho Securities, cho hay: “Chúng tôi dự đoán Bắc Kinh sẽ tung ra nhiều chính sách hỗ trợ tài khoá trong năm nay”. Theo bà, yếu tố khó đoán là liệu chính phủ có giải cứu lĩnh vực bất động sản hay không.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề cập đến chiến lược xây dựng nhà ở giá rẻ nhằm khép lại cuộc khủng hoảng nhà đất khi các nhà chức trách tìm cách giảm bớt rủi ro liên quan đến lĩnh vực bất động sản, khối nợ của chính quyền địa phương cũng như của doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Chúng ta có thể sẽ thấy chính phủ tung các biện pháp hỗ trợ vừa phải, chẳng hạn như khuyến khích các nhà phát triển tư nhân đảo nợ (refinance) từ thị trường trái phiếu trong nước, cho phép chính quyền địa phương mua các dự án chưa hoàn thành từ doanh nghiệp địa ốc tư nhân, biến chúng thành dự án nhà ở xã hội, đồng thời thu hút các công ty này vào những dự án cải tạo làng đô thị thông quan mối quan hệ hợp tác công - tư”, bà Zhou dự đoán.

Khả Nhân

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).