|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giới chức Fed giải thích lý do vì sao không vội hạ lãi suất

09:00 | 10/02/2024
Chia sẻ
Hôm 7/2, các quan chức Fed đã đưa ra một loạt lý do khiến họ thấy không cần thiết phải sớm nới lỏng chính sách hay phải giảm lãi suất một cách nhanh chóng.

 

Toà nhà trụ sở của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). (Ảnh: Reuters).

Tại cuộc họp chính sách cuối tháng 1, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, mức cao nhất trong hơn 22 năm qua.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Jerome Powell cho biết nhiều khả năng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất vào tháng 3 như kỳ vọng của thị trường vì các quan chức cần có đủ tự tin về tốc độ hạ nhiệt của lạm phát.

Các đồng nghiệp của ông có vẻ đồng tình, theo Reuters.

Phát biểu tại một sự kiện kinh tế hôm 7/2, bà Susan Collins - Chủ tịch Fed chi nhánh Boston - cho hay: “Hiện tại, chúng tôi vẫn đang kiểm soát tốt chính sách tiền tệ vì chúng tôi đáng giá rất cẩn thận dữ liệu và triển vọng kinh tế”.

“Khi Fed có thêm niềm tin, tôi cho rằng thời điểm thích hợp để nới lỏng chính sách có thể là vào khoảng cuối năm nay”, bà Collins tiếp tục.

Theo vị quan chức, sức mạnh của thị trường lao động và nền kinh tế cho thấy cần một thời gian nữa để mọi thứ hạ nhiệt. Việc giảm lãi suất sẽ diễn ra từ từ và có kế hoạch.

Ở cuộc họp tháng 12/2023, hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed đều dự báo sẽ có ít nhất ba đợt hạ lãi suất trong năm 2024.

Kể từ đó, lạm phát đã tiếp tục đi xuống. Thước đo ưa thích của ngân hàng trung ương Mỹ là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) chỉ tăng 2,6% so với cùng kỳ vào tháng cuối cùng của năm 2023.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế và số liệu việc làm của Mỹ đều vượt xa kỳ vọng của thị trường. GDP tăng 3,3% trong quý IV (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm) và nền kinh tế có thêm 353.000 việc làm vào tháng 1/2024.

 

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC vào cùng ngày 7/2, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis là ông Neel Kashkari cho biết: “Ở thời điểm hiện tại, tôi nghĩ hai đến ba đợt hạ lãi suất là phù hợp...đó là nhận định của tôi dựa trên những dữ liệu chúng tôi có cho đến nay”.

Ông nói, nếu thị trường lao động vẫn tăng trưởng mạnh, ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất “khá chậm”. Song, nếu thị trường lao động suy yếu, Fed có thể tăng tốc.

Ở sự kiện khác, ông Thomas Barkin, Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond, cho biết ông vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng rằng lạm phát đang tiếp tục giảm vì xu hướng thiểu phát chỉ mới xuất hiện ở giá hàng hoá mà chưa lan sang các ngành dịch vụ.

Phát biểu tại Câu lạc bộ kinh tế Washington, ông Barkin bày tỏ: “Tôi tin rằng các đồng nghiệp nên kiên nhẫn...”

“Vẫn còn nhiều điều khó lường về lạm phát”, ông tiếp lời. “Tôi đang chờ đợi [dữ liệu] để hiểu rõ hơn bức tranh lạm phát trước khi tuyên bố thêm bất cứ điều gì về mặt chính sách”.

Thống đốc mới nhậm chức của Fed là bà Adriana Kugler cho biết bà “lạc quan” rằng lạm phát sẽ tiếp tục đi xuống nhờ sự chững lại của tiền lương và chi phí thuê nhà.

Song, cũng giống các đồng nghiệp, bà nhấn mạnh mình cần thêm dữ liệu để chắc chắn hơn và sẽ ủng hộ phương án giữ nguyên lãi suất trong thời gian dài nếu xu hướng thiểu phát yếu đi.

Theo dữ liệu từ CME Group, thị trường tài chính hiện kỳ vọng rằng Fed sẽ bắt đầu giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 5, diễn ra trong hai ngày 30/4 và 1/5.

Goldman Sachs, Bank of America và Barclays - ba trong số những ông lớn Phố Wall cho đến gần đây vẫn kỳ vọng Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 3 - cũng đã điều chỉnh dự báo. Bây giờ, các nhà kinh tế dự đoán ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí đi vay vào quý II, nhiều khả năng là tại cuộc họp tháng 5.

 

Yên Khê

Những người thuộc nhóm 0,001% giàu nhất thế giới đầu tư vào đâu?
Danh mục đầu tư của những cá nhân có giá trị tài sản ròng cực cao rất khác với người thường. Các chuyên gia cho biết những cá nhân này không lựa chọn tiền mã hóa và cũng ít khi nắm giữ cổ phiếu. Đối với họ, đẳng cấp của một người được xác định bằng cổ phần trong một đội thể thao.